Vở cải lương “Mặt trời đỏ”: Tái hiện Trận Giồng Bốm oai hùng

Thứ Tư, 17/04/2019 | 16:30

Ngày 14/3 tính theo âm lịch, là ngày kỷ niệm Trận Giồng Bốm diễn ra trên đất Phong Thạnh Tây (TX. Giá Rai) 73 năm về trước. Và, cũng là ngày giỗ chung của hơn 100 tín đồ Cao đài Minh Chơn đạo - những nghĩa quân đã tử trận trong một trận đánh vang dội thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp trên đất Tây Nam bộ.
Sự kiện ấy đã được sân khấu hóa bằng vở “Mặt trời đỏ” do Nhà hát Cao Văn Lầu dàn dựng và biểu diễn. Vở cải lương này chuẩn bị ra mắt khán giả như một thông điệp tri ân những con người đã xả thân vì nước, nhắc nhở thế hệ trẻ về việc đã từng có một trận đánh oai hùng trong lịch sử trên vùng đất này. 

Một cảnh trong vở cải lương “Mặt trời đỏ”. Ảnh: C.T 

Ai về Giá Rai, ghé thăm Giồng Bốm
Lâu nay, nhắc đến TX. Giá Rai, ai cũng biết đó là nơi diễn ra cuộc nổi dậy của gia đình nông dân Mười Chức đứng lên chống lại ách áp bức của thực dân phong kiến - sự kiện đồng Nọc Nạng năm 1928. Và, cũng ở nơi này, 18 năm sau - tức năm 1946 - lại tiếp tục diễn ra một trận đánh oai hùng mang tên Trận Giồng Bốm. Giồng Bốm là một địa danh thuộc làng Phong Thạnh, quận Giá Rai thời ấy (nay thuộc xã Phong Thạnh Tây, TX. Giá Rai). Có người lý giải vì đây là vùng đất có nhiều cây bốm mọc nên dân gian gọi là đất Giồng Bốm.
Trận Giồng Bốm diễn ra tại thánh thất Ngọc Minh do ông Cao Triều Phát (Phó Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh tỉnh Bạc Liêu, quyền Chưởng quản hiệp Thiên Đài - Hội thánh Cao đài Minh Chơn đạo, Tổng trưởng thanh niên đoàn đạo đức Hậu Giang) sáng lập năm 1945. Đây là nơi huy động tham gia sinh hoạt đạo của các tín đồ Cao đài Minh Chơn đạo. Hưởng ứng lời kêu gọi Nam bộ kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 23/9/1946, ông Cao Triều Phát đã chủ trì tổ chức cuộc “kháng đại hội nghị”. Hàng ngàn tín đồ Minh Chơn đạo ở Bạc Liêu, Cà Mau và khắp các tỉnh miền Tây tề tựu về đây bầu ông Cao Triều Phát làm chỉ huy trưởng kháng chiến… Mặc dù đã chủ động trang bị về nhiều mặt, có một vị chỉ huy tận tụy, nhiệt thành đối với cách mạng và được cấp dưới tín nhiệm đến tột bậc, nhưng đó là những trận đánh không cân sức giữa một bên là vũ khí thô sơ của lực lượng nghĩa quân Giồng Bốm với một bên là vũ khí tối tân của thực dân Pháp. Trận Giồng Bốm ngày 15/4 (tức 14/3 âm lịch) kết thúc, quân ta đã tiêu diệt 100 tên địch, nhưng đau thương thay, đổi lại 137 chiến sĩ của Giồng Bốm đã tử trận, tòa thánh thất Ngọc Minh bị phá hủy, chìm trong khói lửa. 

“Mặt trời đỏ” - sáng bừng hào khí Giồng Bốm
137 chiến sĩ hy sinh, là con số của lịch sử, của một trận đánh. Khi bước vào nghệ thuật, hơn 100 con người anh dũng đó đã được điển hình hóa, tuy chỉ bằng một số nhân vật trên sân khấu, nhưng đủ khiến cho ta thương cảm và dấy lên niềm tự hào về ý chí đấu tranh của đồng bào mình. Trong hơn 130 chiến sĩ hy sinh ấy, có những cụ già đã tuổi cao sức yếu mà cũng vác gậy gộc, tầm vông đi đánh giặc, có những cô gái, chàng trai chỉ mới đôi mươi đầy nhựa sống, đầy khát vọng tình yêu nhưng tình yêu đất nước mới là lớn lao hơn cả. Cho nên có người ngã xuống dưới họng súng kẻ thù khi chưa kịp thành vợ thành chồng với người mình yêu.
Bằng hình tượng nghệ thuật, ngôn ngữ sân khấu giàu cảm xúc chuyển tải thông điệp của tình yêu đất nước, tinh thần xả thân chiến đấu của những nghĩa quân, “Mặt trời đỏ” (tác giả: Ngô Linh - Khánh Hùng, đạo diễn: Ngô Quốc Khánh) đã tái hiện sinh động, đầy cảm xúc một trận đánh oai hùng, làm sống lại cái khí tiết của những người con của Tổ quốc. Vở diễn là một thông điệp ý nghĩa để người hôm nay hiểu sâu sắc hơn về một sự kiện xảy ra trên chính mảnh đất quê hương, về những con người xứng đáng được “Tổ quốc ghi công người vì nước, đạo đời tưởng nhớ bậc hữu công” (hai câu đối ghi ở cửa chính của tòa tháp thờ những nghĩa quân đã hy sinh trong trận Giồng Bốm, thuộc di tích lịch sử Trận Giồng Bốm, đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh). 
Chia sẻ về quá trình dàn dựng vở “Mặt trời đỏ”, đạo diễn Ngô Quốc Khánh cho biết: “Vì đây là vở cải lương tái hiện lịch sử - một trận đánh có ý nghĩa đặc biệt trong tiến trình đấu tranh cách mạng những ngày đầu kháng Pháp ở Bạc Liêu nên tập thể Nhà hát Cao Văn Lầu nỗ lực rất lớn. Chúng tôi quan tâm đến từng tiểu tiết của vở, đặc biệt là hình tượng nhân sĩ yêu nước Cao Triều Phát. Làm sao để diễn tả được thần thái, khí tiết của nhân vật đặc biệt này, đó là trọng trách lớn của vở diễn. Bên cạnh đó, từng nhân vật, mỗi cảnh trí, khâu hóa trang, âm thanh, ánh sáng… đều đóng vai trò quan trọng mà chúng tôi phải thận trọng trong chọn lựa, phối hợp. Chúng tôi hy vọng khi ra mắt khán giả, đây sẽ là một vở cải lương lịch sử đặc biệt khơi gợi niềm tự hào về truyền thống hào hùng của quê hương, nâng cao ý thức về lòng tri ân, tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay”. 
Ngoài mục đích phục vụ nhiệm vụ chính trị và nhu cầu hưởng thụ đời sống tinh thần cho người dân trong tỉnh, với chất lượng được đầu tư chỉn chu, hy vọng vở cải lương này sẽ tạo được tiếng vang khi ra mắt khán giả. Chất lượng nghệ thuật được đầu tư chỉn chu gắn với nội dung đặc biệt mà vở chuyển tải sẽ làm “sống lại” một trận đánh trong lịch sử trên vùng đất Tây Nam bộ này, làm sáng thêm khí tiết, cốt cách và chủ nghĩa yêu nước của người Bạc Liêu. Đó là điều mà chúng tôi, những khán giả đầu tiên cảm nhận được. Tuy nhiên đây là vở cải lương trong quá trình phúc khảo, xin ý kiến đóng góp để vở diễn hoàn chỉnh trước khi trình diễn rộng rãi trong công chúng.
Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.