Về Bạc Liêu tìm hiểu sự thật về một nữ anh hùng

Thứ Sáu, 28/09/2018 | 15:35

Trước hết cho phép tôi xin lỗi: Người phụ nữ đó - liệt sĩ Nguyễn Thị Tư (nhân vật trong bản vọng cổ “Giọt sữa cuối cùng” của cố soạn giả Trọng Nguyễn), hiện giờ chưa được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nhưng trong tôi và nhiều người nữa thì với việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, với sự hy sinh lẫm liệt… thì liệt sĩ Nguyễn Thị Tư (xin được gọi là chị Tư) hoàn toàn xứng đáng được gọi là Người nữ anh hùng!

GS. Nguyễn Anh Trí (tác giả bài viết, thứ hai từ trái sang) thăm hỏi những người thân trong gia đình liệt sĩ Nguyễn Thị Tư. Ảnh: H.T

TỪ MỘT MẪU TIN NHỎ TRÊN FACEBOOK

Cách đây gần đầy năm, trên Facebook của nhà văn Đỗ Bích Thúy (Phó tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội) có mẫu tin ngắn nói về một người phụ nữ ở Bạc Liêu đã bị giặc bắt, tra khảo và rồi bắn; trước khi bị địch bắn chị chỉ xin được cho con bú no những giọt sữa cuối cùng của mình. Kèm theo là bức ảnh của một người lính Mỹ giương súng đứng chờ người mẹ cho con bú. (xin nói ngay: về sau tôi đọc trên mạng và biết bức ảnh đó là có thật, nhưng không liên quan đến câu chuyện của chị Tư ở Bạc Liêu). Được biết, câu chuyện này cũng đã được soạn giả Trọng Nguyễn viết nên bản vọng cổ “Giọt sữa cuối cùng”.

Sau đó theo dõi tôi thấy, mặc dầu cũng đã có bài viết khá kỹ, nhưng vẫn còn một số ý kiến chưa thống nhất về tính xác thực của câu chuyện. Thế là tôi quyết định lập kế hoạch đến tận nơi, vào tận nhà, gặp cho được những nhân chứng biết rõ, thậm chí là có mặt trong khi chị Tư bị bắn… để tìm cho ra sự thật về người nữ anh hùng này!

Tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội (tháng 5/2018), tôi tìm gặp đồng chí Nguyễn Huy Thái, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu và trình bày nguyện vọng của mình. Thật may mắn, tôi đã nhận được sự giúp đỡ, sự vào cuộc hết sức nhiệt tình của Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu, đặc biệt là của anh Huy Thái trong việc kết nối, mời nhân chứng, mời đại diện các sở, ban ngành của tỉnh, huyện, xã… tham gia chính thức trong một buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề về người có công. Thế là, mới có chuyến đi này, chuyến đi hết sức có giá trị về mặt lịch sử, về mặt tri ân để tìm hiểu thật rõ, thật trung thực về một nữ anh hùng - mà cá nhân tôi vô cùng cảm kích và ngưỡng mộ.

CUỘC VỀ LẠI VỚI LỊCH SỬ

Tôi đáp chuyến máy bay trưa ngày 21/9/2018 từ Hà Nội vào Cần Thơ. Từ trong phòng lấy hành lý, tôi đã thấy anh Huy Thái đứng đợi ở cửa ra. Tay bắt mặt mừng như hai người bạn tri kỷ gặp lại nhau; chúng tôi nói chuyện suốt quãng đường hơn 110km từ Cần Thơ về Bạc Liêu. Qua đó, tôi rất vui vì được biết anh Huy Thái đã chuẩn bị rất chu đáo cho cuộc gặp ngày hôm sau.

Sáng 22/9/2018, chúng tôi khởi hành khá sớm. Trên con đường rợp bóng cây, trong một tiết trời mát mẻ, với một cảm xúc dâng trào và với những câu chuyện mặn nồng về tình người, tình đất, tình đồng chí, tình yêu với bản “Dạ cổ hoài lang” bất hủ của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu… chúng tôi đã về tới xã Vĩnh Hưng A (huyện Vĩnh Lợi) chỉ sau khoảng 30 phút.

Xã Vĩnh Hưng A là một trong những địa chỉ cách mạng nổi tiếng thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Ở đây hầu như nhà nào cũng có những đau thương, mất mát như thương binh, liệt sĩ… Nhà nào cũng có người làm du kích với những thành tích đánh giặc vô cùng độc đáo. Bởi vậy, vào năm 1978 Nhà nước đã phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho dân quân du kích xã.

Đã có khá nhiều người đang đợi chúng tôi ở ngôi nhà có đặt bàn thờ của liệt sĩ Nguyễn Thị Tư. Được biết, lúc bị địch bắn, chị Tư vẫn chưa có nhà riêng, mà cùng 4 đứa con ở nhờ nhà của một người cậu của chồng. Còn đây là ngôi nhà tình nghĩa do đồng chí Võ Văn Dũng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương, khi còn là Bí thư Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Bạc Liêu đã quyết định trao tặng để làm nơi thờ tự chị Tư. Hiện giờ người con gái đầu của chị Tư - tên là Lê Thị Hó - đang sống và chăm lo hương khói cho mẹ.

Chúng tôi đã gặp ở đây ông Lê Văn Dõng, tên thường gọi Năm Dõng (tên lý lịch Đảng là Lê Hùng Dũng) - người du kích diệt ác, phá kìm nổi tiếng năm xưa, là chồng của chị Nguyễn Thị Tư; gặp nhiều cựu chiến binh, chiến sĩ du kích kiên cường - là những người đã được chị Tư tiếp tế (lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc men…) và được cung cấp thông tin tình hình hằng ngày; ngoài ra có khá đầy đủ đại diện chính quyền địa phương, bà con chòm xóm, con cháu của chị…

Việc đầu tiên là chúng tôi thắp nén hương thơm lên bàn thờ liệt sĩ Nguyễn Thị Tư. Tôi thưa chuyện với hương hồn chị Tư, cầu mong chị cho biết câu chuyện một cách trung thực nhất, sống động và cụ thể nhất. Ai cũng cảm động khi nhìn trên bàn thờ đơn sơ có một bức ảnh của một người phụ nữ đậm chất Nam bộ: gầy, đôi mắt mở to, cái nhìn thân thương nhưng có vẻ đanh thép từ trong sâu thẳm. Tôi lặng nhìn và nghĩ: được đến đây, thắp trước bàn thờ chị Tư nén hương thơm và làm được những việc tri ân với những đóng góp, hy sinh của chị... thật sự là hạnh phúc, là may mắn lớn lao của đời mình!

Có thể nói, đây là một cuộc tiếp xúc cử tri hết sức đặc biệt, một hội nghị của lịch sử, có tính lịch sử và sẽ trở thành lịch sử!

Chúng tôi vào hội trường của xã Vĩnh Hưng A (huyện Vĩnh Lợi) để bắt đầu hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về người có công. Tại đó, đã có đầy đủ đại diện các ban ngành, đoàn thể và cơ quan báo chí. Về nhân chứng thì có khá nhiều du kích đã hoạt động trong thời kỳ đó; đặc biệt là bà Nguyễn Thị Hà - người được chứng kiến những phút cuối địch bắn chị Tư; và ông Đặng Hoàng Nhi - là người thủ trưởng cao nhất lúc đó với chức vụ Thường vụ Huyện ủy kiêm Xã đội trưởng. Riêng chị Lê Mỹ Linh - người con gái được bú giọt sữa cuối cùng của mẹ - không đến dự mặc dù chúng tôi đã cho xe đến tận nhà để đón. Anh Huy Thái nói “chị ấy hiền lành và cũng dễ gần, nhưng không đến có lẽ vì áp lực về mặt tâm lý!”. Chúng tôi hiểu và thông cảm về sự vắng mặt đó.

Chị Lê Thị Hó, người con thứ hai của liệt sĩ Nguyễn Thị Tư xúc động khi nghe kể về thời khắc mẹ bị bắt, bị tra tấn hết sức dã man. Ảnh: H.T

Quê hương và thân nhân chị Nguyễn Thị Tư

Tình hình huyện Vĩnh Lợi thời kỳ 1969 - 1972 hết sức khó khăn và ác liệt. Địch gồm bọn lính bảo an, thám báo, lính nghĩa quân hội đồng xã… lùng sục, bắt bớ. Cả huyện vẫn có 89 đảng viên, rất quyết tâm đánh giặc. Nhưng rất thiếu thốn lương thực, nhu yếu phẩm, đặc biệt là đạn dược (có khi chỉ có 4 khẩu súng). Địch càn quét gắt gao, “cứ mỗi sáng ra là có thể đã hy sinh 1 - 2 người” - ông Nhi kể, đến mức nhiều người đã được lệnh tạm lánh khỏi địa phương để tránh bị bắt bớ, khi có thể thì quay lại đánh địch. Bọn ác ôn bị giết càng nhiều thì địch càng lồng lộn, tìm bắt du kích, thậm chí cả người nhà của du kích. Địch đã bắt và giết vợ của đồng chí Hai Hoàng - một cấp trên và là bạn chiến đấu thân thiết của Năm Dõng.

Năm Dõng - lúc đó với cương vị xã đội viên, là người đã giết hàng chục tên ác ôn, nên là đối tượng số 1 bị địch tìm giết. Vợ Năm Dõng - chị Nguyễn Thị Tư - cũng là đầu bảng “danh sách đen” mà địch tìm bắt.

Chị Nguyễn Thị Tư sinh năm 1936 trong một gia đình nghèo, có truyền thống cách mạng. Vườn nhà ba má chị Tư (ông Nguyễn Văn Tá và bà Lê Thị Bảy) có hầm bí mật rộng đủ chứa hơn 10 người thường xuyên nương náu và hội họp. Ba má chị có 11 người con. Hầu hết đều tham gia cách mạng. Đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (năm 1975) gia đình có tất cả 4 liệt sĩ, 2 thương binh; má chị đã được phong tặng Mẹ Việt Nam anh hùng.

“Chị tôi làm việc quần quật, đến khi lên giường ngủ mà quần còn xắn cao, bị má tôi la hoài à!”, anh Nguyễn Hữu Xệ (em thứ 10 của chị Tư) mắt rơm rớm kể với chúng tôi như vậy. “Lấy chồng, một tay nuôi 4 con thơ dại, không có nhà ở, vẫn đảm đang mọi việc để chồng yên tâm đánh giặc. Đây là điểm nổi bật nhất của chị Tư”, ông Đặng Hoàng Nhi nhấn mạnh.

Chị Tư là “cán bộ cơ sở mật” - đó là dòng chữ được ghi chính thức trong giấy báo tử do Phó Chủ tịch UBND huyện ký ngày 7/2/1998. Qua lời kể của đồng đội chị Tư thì được biết thêm rằng: chị Tư tham gia cách mạng từ năm 1969, trước đó đã tham gia đội quân tóc dài như là một quần chúng tích cực. Hoạt động cách mạng của chị Tư rất sôi nổi từ năm 1970 đến lúc bị giặc bắt. Đóng góp của chị Tư rất lớn, từ việc tiếp tế nhu yếu phẩm cho dân quân, du kích; đặc biệt là dò la, tìm kiếm tin tức để cung cấp thông tin cho cách mạng… Thủ trưởng cao nhất của xã lúc đó là ông Đặng Hoàng Nhi khẳng định: “Chị Tư gan dạ, dũng cảm lắm! Chốt Mỹ Thanh địch gác gắt gao vô cùng, không ai dám qua, thế mà chị Tư tình nguyện ở lại làng và hàng ngày qua lại chốt đi vào cứ để tiếp tế và để cung cấp thông tin cho du kích chúng tôi”.

Chị Tư bị bắt, bị tra tấn và những giọt sữa cuối cùng

Biết được sự lùng sục gắt gao của địch nên cấp trên đề nghị chị Tư lánh tạm đi nơi khác một thời gian. Nhận được lệnh, chập tối ngày 7/4/1972 chị bế đứa con nhỏ mới hơn 10 tháng tuổi định đi đến nhà ông Tư Giàu (là một đảng viên cơ sở mà cấp trên đã báo chuẩn bị giúp chị Tư) để đón đò đi xuống nhà một bà dì ruột của chồng ở Láng Tròn (Giá Rai) lánh tạm.

Khi đi ngang qua nhà bà Đẩu (chúng tôi sẽ nói rõ hơn cái kết của một kẻ phản bội ở các bài sau), bà hỏi: “Chị Tư đi đâu đó?”. - “Tôi đi đến đầu bến Tư Giàu để đón đò đưa con nhỏ khám bịnh”. - “Cần gì đi xa, vào đây ngồi cho đỡ mệt, khi nào đò đi ngang đây tui gọi cho”, bà Tư Đẩu vồn vã. Chị Tư theo chân bà Đẩu vào nhà. Một lúc sau, bỗng có một toán lính nghĩa quân hội đồng xã đi vào nhà. Bọn lính còn kéo theo một người thanh niên bị trói tên là Bé vào cùng (anh Bé đi soi ếch và bị bọn lính bắt dọc đường để buộc phải đi quân dịch). Vào đến nơi, anh Bé bị địch trói nghiến vào một gốc cây ngoài sân nhà bà Đẩu. Ngọn đèn le lói từ trong nhà chiếu hắt ra, không đủ cho người từ trong nhìn ra, nhưng đủ rõ cho anh Bé từ ngoài nhìn vào nhà.

Sau khi hỏi và biết đây là một người phụ nữ đang chờ đò để đưa con đi khám bịnh, bọn lính đã đi ra. Bà Đẩu bước vội theo và làm ám hiệu báo cho bọn lính biết: Đó chính là Nguyễn Thị Tư, vợ Năm Dõng! Bọn lính quay ngoắt lại và một trận tra khảo bắt đầu.

Qua lời kể của các nhân chứng thì đó là một trận tra khảo cực kỳ dã man. Đứa con nhỏ bị bọn lính tóm và liệng sang một bên. Dù chịu nhiều đòn tra tấn, chị Tư vẫn không khai nửa lời. Một cú đập chí tử bằng báng súng, làm cánh tay chị gãy. Chị ngã xuống ngất lịm! Chỉ lát sau, một thằng lính túm tóc chị kéo giật lên. Chị mở mắt, biết mình khó được sống nên lấy hết sức nói đứt đoạn với bọn lính: “Hãy để tôi… cho con bú… lần cuối… rồi các ông…!”. Cháu bé đang khóc ngằn ngặt, bị một thằng lính túm cổ vứt vào với mẹ. Chị gắng hết sức dùng một tay chưa bị gãy kéo đứa con vào lòng. Cháu bé vùi ngay đầu vào ngực mẹ để trốn những họng súng. Chị bình thản cho con bú, mở mắt âu yếm nhìn con. Có lẽ, lúc đó chị đã nhắn gửi lại cho đứa con những lời yêu thương nhất trên cõi đời. Có lẽ, với đứa bé, đó là lần rúc đầu vào bầu vú mẹ ấm áp nhất, an toàn nhất, bú được những giọt sữa cuối cùng ngọt ngào, thơm tho nhất trong cuộc đời!

“Thôi! Đủ rồi, dẫn nó đi!”. Sau cái lệnh ngắn gọn đó của thằng Minh “hô”, đứa bé bị giật mạnh khỏi vú mẹ, chị Tư bị lôi đứng thốc dậy. Cả bọn kéo và dẫn chị Nguyễn Thị Tư ra khỏi sân nhà bà Đẩu.

Tất cả diễn biến đó đều đã được anh Bé chứng kiến!

… Cả bọn lính vừa đẩy, vừa kéo chị Tư ra khỏi nhà bà Đẩu rồi đi dọc con đường làng. Chị lả người vì đau đớn về thể xác và vì nghe tiếng khóc thét xé ruột của đứa con bé bỏng cứ xa dần. Chiếc áo cộc tay chị mặc đã rách bươm, thấm máu. Bọn lính như muốn cho chị một “đặc ân” cuối cùng, đó là muốn tìm một cái áo để thay cho chị. Đi khoảng 600m, kể từ nhà bà Đẩu, bọn lính thấy ở một nhà có ánh đèn rọi ra le lói, chúng liền đẩy chị Tư vào nhà đấy.

Di ảnh liệt sĩ Nguyễn Thị Tư. Ảnh: T.L

Phút cuối của chị Tư…

Chị Tư bị đẩy vào nhà bà Nguyễn Thị Hà, ngay gần với nhà mẹ đẻ của chị. Chồng bà Hà trước đó đã tham gia chiến đấu, cũng vừa bị giặc bắt và giết chưa đầy 4 tháng trước. Trong vườn nhà cũng có hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, nên khi nghe tiếng chó sủa râm ran dọc con đường dẫn đến nhà mình, bà Hà linh cảm điều không hay. Bà Hà vặn to đèn rồi cùng cậu con trai mới lớn (bị tật nguyền ở tay) đi ra ngõ. Vừa lúc bọn lính cũng đang đẩy chị Tư vào đến sân.

Dưới ánh đèn pin lia như quét của bọn lính, bà Hà nhận ra ngay đó là chị Tư, vợ Năm Dõng. Bà kêu lên: “Trời đất, người ta đang nuôi con nhỏ, có làm cái gì mà mấy ông bắt?”. Cả bọn lính cứ đi tiếp vào sân, Minh “hô” chỉ vào bà Hà hỏi: “Bà có cái áo nào cho con mẹ này bận coi!”. Vốn đã ghét bọn lính nên bà nói ngay: “Tui có mỗi cái này đang bận thôi! Không có!”. Một thằng lính hất hàm về phía anh con trai của bà, nói: “Lấy áo thằng này cho nó bận cũng được!”. Bà Hà nhìn kỹ vào chị Tư, một thân thể bầm dập, gãy một tay, môi sưng húp, áo rách tả tơi, thấm máu. Một lòng thương vô hạn bỗng dâng trào, bà giục đứa con trai chạy vội vào nhà lấy áo đưa ra. Một thằng lính giật lấy mặc qua quýt cho chị Tư. Cái tay gãy của chị bị mấy thằng lính giật để nhét vào tay áo, làm chị đau đến suýt ngất.

Mặc áo xong, bọn chúng đẩy chị Tư đi nhanh ra phía sau nhà. Chỉ trong phút chốc, một loạt súng vang lên. “Nhanh lắm, chỉ một lát là chúng nó bắn liền!”, bà Hà thốt lên khi kể cho chúng tôi nghe. Bà và con trai chạy ngay ra vườn, thấy chị Nguyễn Thị Tư nằm sấp, máu đang chảy thành dòng, thấm đẫm xuống vườn, thấm đẫm mảnh đất Vĩnh Hưng thân yêu của chị! Bà Hà hét lên thất thanh: “Trời đất ơi! Người ta đang có con nhỏ còn bú, có tội tình gì mà giết người ta? Trời đất ơi! Bọn bây ác dữ vậy…!”.

Bọn lính hầu như không thèm nghe tiếng hét căm thù của bà Hà! Thằng Minh “hô” rút dao xẻo 2 cái tai (có đôi bông tai) từ thi thể chị Nguyễn Thị Tư để mang về nộp cho thượng cấp nhằm minh chứng đã giết được chị Tư và để lấy thưởng. Xong việc, bọn lính nhanh chóng kéo đi, không quên chửi rủa những lời tục tĩu - mà chúng tôi nghĩ là để nhằm trấn an cho chính họ vì đã gây ra tội ác!

Đất quê hương đón nữ anh hùng

Bà Hà và con trai ngồi thụp xuống bên cạnh thi thể chị Tư. Bà nhận ra là không thể nào cứu được nữa. Bọn giặc đê hèn đã bắn trọn cả băng đạn từ phía sau lưng để giết một người phụ nữ Việt Nam nhỏ nhắn!

Chợt như nhớ ra việc cần làm ngay, bà đứng dậy, vào nhà vặn to ngọn đèn hơn, cùng con trai sang nhà báo cho gia đình chị Tư biết. Bọn lính vẫn còn đứng đâu đó, một thằng lớn tiếng hăm dọa: “Bà thắp đèn đi đâu đấy? Coi chừng đó!”. Bà Hà gầm lên: “Mấy người bắn người ta chết. Bộ không muốn cho tui đi kêu người nhà cổ đến lấy thây hả?”. Chỉ lúc sau má chị Tư và em trai thứ Chín - là anh Nguyễn Hồng Nhen (gọi là Chín Nhen) đã chạy sang. Thấy máu đang chảy ra từ thi thể không còn lành lặn của chị gái, Chín Nhen bị ngất xỉu một lúc. Má chị Tư gắng gượng cùng mọi người rọi đèn thu dọn và đưa con gái về nhà.

Những giọt máu còn lại từ thi thể còn ấm của liệt sĩ Nguyễn Thị Tư vẫn tiếp tục nhỏ thấm con đường quê hương chị! Má và em ôm chị vào lòng, đôi mắt bà ráo hoảnh nhưng rực lửa căm thù. Đây là người con thứ tư trong gia đình đã hy sinh vì bom đạn của quân thù! 

Gió biển mặn mòi băng qua cánh đồng xứ lúa Bạc Liêu, vuốt miên man trên làn da đang nguội dần của chị. Xóm làng trở lại yên ắng, một sự yên ắng chất chứa căm thù sâu sắc không thể nói nên lời. Chỉ còn tiếng thút thít của cậu em trai, dù đã cố kìm nén nhưng vẫn nghe rất rõ. Má chị pha nước ấm rửa thân thể cho chị. Hôm sau, xóm làng lưu luyến tiễn đưa người con gái anh hùng về nơi an nghỉ cuối cùng. Mộ chị Nguyễn Thị Tư được gia đình đặt ngay gần nhà. Má đặt bát hương cho chị ngay trong nhà của mình. Bà con xóm làng, những du kích trong căn cứ thay nhau về thắp nhang cho chị.

Tôi chợt hỏi anh Trần Thanh Tòng (năm 1972 đã là Xã đội phó) trong bữa ăn trưa sau hội nghị: - “Thế sau đó địch không rình bắt du kích nữa à?”. - “Không, anh! Sau cái chết của chị Tư, tình hình dịu hẳn xuống. Có khi chúng tôi đi cả chục người ra thắp nhang cho chị Tư. Có người còn mang cả những kỷ vật như khăn, áo, quà… mà chị Tư đã tặng ra nhà má, rồi ôm khóc trước bàn thờ chị Tư. Du kích chúng tôi thương nhớ chị Tư lắm, anh à!”, Tòng nói với tôi mà nước mắt lưng tròng.
Qua đó, chúng tôi hiểu, cái chết lẫm liệt của chị Tư đã có tác động lớn đến tình hình địa phương lúc đó. Ngoài chợ Vĩnh Hưng cứ xôn xao chuyện bọn ác ôn đã giết chị Tư. Bọn địch biết du kích sẽ có những đòn đáp trả. Cả căn cứ Mỹ Trinh cũng đang chuẩn bị những hành động trả thù cho chị Tư tương xứng với tội ác mà kẻ thù đã gây ra.

… Đến đây tôi cũng không thể viết tiếp được nữa. Đã mấy ngày hội nghị xong, về đến thủ đô Hà Nội rồi nhưng mỗi lần nghĩ đến cái chết oanh liệt, ngoan cường của chị Tư, mỗi lần liên tưởng đến cái cảm giác thiêng liêng khi chị được ôm đứa con nhỏ vào lòng và biết chắc địch sẽ giết mình… thì mắt tôi lại ứa lệ. Tôi cố kìm nén đến mức đôi khi bật ra những tiếng nấc nghẹn cả khi trên ô tô, cả trong máy bay, cả giữa buổi họp giao ban… Thương yêu chị Tư quá! Kính trọng và ngưỡng mộ chị Nguyễn Thị Tư - một điển hình của người phụ nữ Việt Nam anh hùng đến vô cùng vô tận!

Để sáng tỏ hơn về câu chuyện của liệt sĩ Nguyễn Thị Tư và những giờ phút hy sinh đã hóa thành bất tử của chị, chúng tôi muốn cung cấp thêm một số thông tin của những người có liên quan khác nữa trong bài viết này.

Tác giả bài viết và đồng chí Nguyễn Huy Thái, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu (thứ hai và thứ ba từ phải qua) đến viếng và thắp nhang phần mộ liệt sĩ Nguyễn Thị Tư. Ảnh: P.T.C

Những số phận - những cuộc đời…

Bạn đọc chắc còn nhớ anh Bé (tên đầy đủ là Nguyễn Văn Bé) - người bị lính nghĩa quân hội đồng xã bắt khi đang đi soi ếch. Khi bọn lính vào nhà bà Đẩu bắt và tra tấn chị Nguyễn Thị Tư thì anh Bé bị chúng trói lại ở sân vườn trước nhà. Nhờ đèn sáng từ nhà hắt ra, anh Bé nhìn rõ tất cả mọi việc, bao gồm cả việc bà Đẩu ra ám hiệu báo cho bọn lính biết người đàn bà bồng con là chị Tư, vợ Năm Dõng. Đây là một điểm mấu chốt nhất của câu chuyện!

Sau khi bắn chết chị Tư tối 7/4/1972, bọn lính dẫn anh Bé về đồn và bắt đi quân dịch. Sau 3 tháng ở quân trường, anh Bé đào ngũ. Việc đầu tiên là anh vào căn cứ Mỹ Trinh, tìm gặp báo cho anh Năm Dõng biết: chính bà Đẩu đã chỉ điểm cho chúng bắt chị Tư và kể lại cuộc tra tấn ra sao, chị gãy tay như thế nào…

Anh Bé sau đó cũng tham gia du kích và đã anh dũng hy sinh cho cách mạng. Anh cũng được công nhận là liệt sĩ. Được biết, mộ anh Bé cũng nằm gần mộ chị Tư, tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Vĩnh Hưng A.

Sau khi anh Bé báo lại sự việc, Năm Dõng rất căm thù và “muốn trở về giết bà Đẩu và bọn ác ôn ngay!” - ông Dõng kể lại với chúng tôi. “Nhưng Huyện ủy Vĩnh Lợi đã chỉ đạo Năm Dõng tuyệt đối không được manh động, không được về xóm để trả thù, không được giết bà Đẩu” - ông Đặng Hoàng Nhi kể. Đồng thời cử người thường xuyên động viên tinh thần Năm Dõng sau khi vợ đã bị giặc giết rất dã man.

Nói về bà Tư Đẩu, theo như lời kể của các nhân chứng thì trước đây, bà Đẩu cũng đã từng tham gia đấu tố địa chủ. Rồi bà Đẩu trở thành gián điệp khi nào không ai biết (bởi vậy, khi bà Đẩu đón đường gọi chị Tư vào nhà để nghỉ chân… thì chị Tư không chút nghi ngờ). Một lần, Huyện ủy Vĩnh Lợi được mật báo sẽ có một trận càn vào căn cứ Mỹ Trinh, nên tổ chức đã cho người về đưa bà Đẩu lên cứ - và như ông Đặng Hoàng Nhi kể lại “nếu có trận càn đó thì du kích sẽ thủ tiêu bà Đẩu ngay, còn nếu không thì sẽ giao cho công an để khai thác vấn đề chỉ điểm và làm gián điệp của bà ấy”. Trận càn của địch đã không xảy ra. Bà Đẩu được chuyển cho công an. Nhiều người “động viên” bà nên khai báo để được hưởng lượng khoan hồng của cách mạng. Rồi bà Đẩu đã khai sự thật những hoạt động gián điệp của bà trong suốt thời gian qua. Bà thừa nhận đã chỉ điểm chị Nguyễn Thị Tư - vụ này bà được thưởng 3.000 đồng (tiền chính quyền Sài Gòn lúc đó, trị giá khoảng 1 cây vàng).

Huyện ủy xét thấy hoạt động của bà Đẩu đã gây tổn hại lớn cho cách mạng, nên quyết định tử hình bà. Cuộc tử hình ấy được tổ chức công khai tại xóm. Huyện ủy giao cho Năm Dõng tổ chức, nhưng không phải là người trực tiếp giết bà Đẩu mà phân công người khác thực hiện.

Tiếp đến là Minh “hô”, người trực tiếp xẻo tai chị Tư đưa về báo công. Chị Tư bị địch giết dã man, tin dữ đó lan khắp vùng. Ngay hôm sau, Minh “hô” vào nhà bà Lê Thị Bảy - mẹ chị Tư và nói: “Má cho tui thắp nhang cho chị Tư, vì ngoài chợ họ toàn nói tui là người đã bắn chết chị Tư!”. Trời đất ơi, ngòi nổ nỗi đau của má dồn nén mấy hôm nay bỗng như bị kích hoạt. Má chỉ thẳng vào mặt Minh “hô” mà hét lên: “Ai bắn thì con tao cũng đã chết! Ra ngay! Ra khỏi nhà tao ngay!”. Thế là Minh “hô” lủi thủi ra khỏi nhà, trước ánh mắt khinh bỉ và căm thù của những người đang đến viếng chị Tư.

Miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, Minh “hô” vẫn còn sống. Nhưng gia đình ông đã bỏ xứ đến sống ở một tỉnh khác. Từ đó đến giờ ông Minh chưa bao giờ trở về quê hương. Nỗi đau mất chị Tư là tổn thất không gì bù đắp nổi của gia đình, đồng đội và nhân dân, vẫn chưa có bản án nào dành cho ông. Nhưng, việc ông Minh phải bỏ quê hương bản quán mà đi, không dám trở về nữa… cũng đã là một hình phạt rất nặng đối với ông ấy rồi. Tôi có chút hy vọng, khi người thân, người quen của ông nếu đọc được bài này thì bảo “ông cứ trở về quê đi, để thăm lại gia đình, hương khói cho người thân. Và bây giờ cũng là thời điểm tốt cho ông đến mộ chị Tư thắp nén nhang sám hối! Muộn còn hơn không, ông Minh à!”. Tôi tin không ai muốn báo thù nữa đâu. Con người Việt Nam ta luôn nhớ những nỗi đau, căm thù tội ác; nhưng chúng ta không bao giờ là người có những hành động trả thù hèn mọn! Tôi tin nhân dân Bạc Liêu, nhân dân Vĩnh Lợi, bà con gia đình liệt sĩ Nguyễn Thị Tư cũng có sẵn tấm lòng nhân hậu đó!

“Giọt sữa cuối cùng” - khúc tráng ca để đời

Từ câu chuyện có thật của liệt sĩ Nguyễn Thị Tư, soạn giả Trọng Nguyễn (nguyên Chủ tịch Hội VH-NT tỉnh Bạc Liêu) đã viết nên bản vọng cổ “Giọt sữa cuối cùng” vào năm 1997. Bài vọng cổ đã nhanh chóng lan tỏa trong cả tỉnh, cả miền Nam và rồi cả nước. Là một người có sáng tác ca khúc, tôi ngưỡng mộ những câu thơ và ca từ trong bản vọng cổ đó. Tôi nghĩ đó cũng là một đóng góp hết sức to lớn vào việc lan tỏa hình ảnh liệt sĩ Nguyễn Thị Tư trên phạm vi toàn quốc. Được biết, khoảng hơn một năm sau khi bản vọng cổ “Giọt sữa cuối cùng” ra đời, chị Nguyễn Thị Tư được công nhận là liệt sĩ.

Soạn giả Trọng Nguyễn đã mất cách đây chưa đầy năm. Trên đường về lại TP. Bạc Liêu, chúng tôi ghé vào Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh để thắp nén nhang thơm viếng mộ chí của ông và cảm ơn ông đã có một khúc tráng ca để đời.

Riêng bức hình người mẹ đang cho con bú và một người lính Mỹ xách súng đứng chờ là do phóng viên chiến trường Larry Burrows chụp. Chúng tôi khẳng định: Đó không phải là bức hình chụp cảnh chị Tư cho con bú, vì các lý do sau: thứ nhất, câu chuyện chị Tư xảy ra ban đêm, không phải ban ngày; thứ hai, chị bị lính nghĩa quân (là người Việt) bắt, chứ không phải lính Mỹ; thứ ba, chị Tư khi bị bắt và cho con bú là mặc áo cộc tay (tất cả mọi người đều khẳng định như vậy); và, chị đã bị đánh gãy tay, bị tra tấn đến bầm dập, nên không có thể ngồi cho con bú với tư thế đó được. Tôi nghĩ thế là đủ! Xin đừng ngộ nhận!

… Kết thúc buổi tiếp xúc cử tri (sáng 22/9/2018), chúng tôi đã đến Nghĩa trang liệt sĩ xã Vĩnh Hưng A để thắp hương viếng mộ chị Nguyễn Thị Tư. Mộ chị nằm ngay ngắn cùng với những liệt sĩ cùng quê. Trong cái nắng xế chiều, hương thơm nghi ngút bên mộ chị Tư, tôi cảm thấy hết sức nhẹ lòng vì đã làm được một việc quan trọng của đời mình: Tìm hiểu đầy đủ nhất và trung thực nhất (có thể) những thông tin về người anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Tư - người mà ai biết đến cũng đều xót thương, ngưỡng mộ và ghi nhớ công ơn!

Chúng tôi mong câu chuyện của liệt sĩ Nguyễn Thị Tư cần phải được ghi lại thật đủ, cụ thể và trung thực. Rồi cần làm mọi cách để lan tỏa cho cả nước biết được, nhằm giáo dục truyền thống cho các thế hệ. Rồi cần làm các thủ tục để phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho chị. Rồi xây dựng những tượng đài (vật thể và phi vật thể) để tưởng nhớ về người phụ nữ anh hùng đó; góp phần xây dựng, làm đẹp hơn, làm giàu hơn mảnh đất Vĩnh Hưng nói riêng, Bạc Liêu nói chung kiên cường, anh dũng và ân tình.

GS. Nguyễn Anh Trí

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.