Ứng xử văn hóa

Thứ Tư, 02/12/2020 | 16:24

Nói đến văn hóa là nói đến một phạm trù rất rộng lớn. Đó là hệ thống các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo, tích lũy trong hoạt động thực tiễn qua quá trình tương tác giữa con người với tự nhiên, xã hội và với bản thân…

Minh họa: B.T

Mấy dòng suy ngẫm này không đủ sức với tới những điều to tát đó, nên chỉ xin “thu gọn” ở một góc của văn hóa ứng xử - hay nói cách khác là ứng xử có văn hóa giữa người với người mà cũng chỉ ở phạm vi trong “cự ly” mắt thấy, tai nghe, và cũng chỉ nghiêng về phía “chướng tai, gai mắt”!

Có lẽ nhiều người vẫn chưa quên việc ứng xử… vô văn hóa - đúng hơn là gây rối, làm náo loạn tại sân bay Tân Sơn Nhất cách đây chưa lâu của một nữ sĩ quan công an. Điều đáng nói là nữ sĩ quan này tự cho mình cái quyền phát ngôn (về âm lượng đã đến mức… náo loạn) bằng những lời lẽ không đúng mực, rất phản cảm về mặt văn hóa (nội dung) với nhân viên an ninh sân bay. Nhưng đến giờ chót (có lẽ cả bây giờ) nữ sĩ quan ấy vẫn không nhận ra cách ứng xử… vô văn hóa của mình!

Và cũng cách đây chưa lâu, tôi được chứng kiến cách ứng xử của một cán bộ (ở một cơ quan cụ thể) trong cuộc họp kiểm điểm cuối năm. Khi được đồng chí, đồng nghiệp (có chức vụ nhỏ hơn anh ta) phê phán, góp ý, chỉ ra những hạn chế trong quá trình tác nghiệp. Thay vì thành khẩn tiếp thu và khắc phục, sửa chữa… thì anh ta hàm hồ và cao giọng “phủ đầu” rồi lăng mạ lại người góp ý vì: những nội dung góp ý phê phán (của đồng nghiệp có chức vụ… nhỏ), trước đó có một lãnh đạo “nhắn tin… khen”, nên không ai có quyền… góp ý!

Chưa bàn đến “lời khen… tin nhắn” (theo lời anh ta) đúng - sai, thật - giả thế nào, cũng như chưa bàn đến việc đúng - sai của nữ sĩ quan làm náo loạn cả sân bay; ở đây chỉ bàn đến cách ứng xử của cả “2 vị cán bộ” này. Rõ ràng, đó là những cách ứng xử kém văn hóa, hành xử theo kiểu bản năng, tự nhiên chủ nghĩa, thiếu học thức… ngay trong tổ chức đang sinh hoạt chính trị - văn hóa (tự phê bình và phê bình, suy cho cùng là sinh hoạt chính trị - văn hóa) và ngay trong không gian văn hóa, giao tiếp (sân bay quốc tế).

Văn hóa ứng xử là biểu hiện của giao tiếp, là sự phản ứng của con người khi đứng trước một bối cảnh nào đó. Thông qua thái độ, hành vi, cách nói năng của con người đó, ta có thể nhận biết được “tầm” văn hóa của họ. Trong thực tế cuộc sống không ít những người tự cho mình là… trí thức, nhưng lại không biết cách ứng xử với người khác thế nào cho phải phép. Rồi cũng có dạng người ngộ nhận ta là người có địa vị, nên mọi hành vi, lời nói của ta đều là… chuẩn mực! Có lẽ cũng từ nhận thức, suy nghĩ như thế nên họ hành động một cách… phản văn hóa. Có thể xem những hành động đó là những cú “trượt dài” về văn hóa ứng xử… mà 2 nhân vật vừa nêu (anh cán bộ và nữ sĩ quan) là đại diện!

Văn hóa ứng xử cũng có quy tắc của nó - quy tắc đó là sự tôn trọng giữa người với người. trong đó có cả các mối quan hệ gia đình, bạn bè, làng xóm, đồng chí, đồng nghiệp… Chỉ có tuân thủ, tôn trọng quy tắc mới có sự san sẻ, đồng thuận, gắn kết, yêu thương và đem lại hạnh phúc…

Ông bà ta từng dạy: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, hay “Người khôn ăn nói nửa chừng, để cho người dại nửa mừng nửa lo” - cái “nửa chừng” ấy chính là sự khôn khéo trong ứng xử!

Có thể nói, khả năng giao tiếp - văn hóa ứng xử thể hiện rõ rệt năng lực của con người trong thực tiễn cuộc sống, trong công tác ở cơ quan, đơn vị cũng như trong gia đình và ngoài xã hội. Qua thái độ ứng xử, ta biết được bản chất của con người đó. Đây chính là mối quan hệ giữa nội dung (bên trong) và hình thức (bên ngoài) của một con người…

Trong bất cứ lĩnh vực nào, ngành nào, cơ quan đơn vị nào, với mỗi con người cụ thể thì việc tôi rèn văn hóa ứng xử (hay ứng xử có văn hóa) cũng cần được chú trọng. Xây dựng cho mình hình ảnh thân thiện, ý nhị với một tinh thần tôn trọng và cầu thị… là khởi đầu của sự thành công. Biết đề cao, khiêm tốn, biết trọng dụng người khác là tạo thành quả cho chính mình. Đừng bao giờ nghĩ khi có quyền, có tiền là có tất cả - kể cả văn hóa. Khi văn hóa ứng xử trong mỗi con người tiệm cận đến sự hoàn thiện (tức tiệm cận đến chân - thiện - mỹ) thì văn minh xã hội sẽ phát triển đi lên - Đây là giá trị cốt lõi, và đây cũng là giá trị văn hóa dân tộc tự ngàn đời mà ông cha gầy dựng. Chúng ta - tôi và bạn có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn và phát triển…

Tuy nhiên cũng cần nên nhớ: Chuẩn mực văn hóa ứng xử không phải bất di bất dịch mà cũng sẽ thay đổi theo thời đại. Khi sống trong “khuôn phép” của nền giáo dục… khuôn phép, gia giáo khuôn phép thì việc “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” là một lễ giáo khó “cưỡng” lại được. Nhưng điều này đem áp dụng cho ngày nay, đôi khi là hành vi vi phạm pháp luật? Thời đại thay đổi sẽ kéo theo sự thay đổi trong tư tưởng, rồi những phong tục cũ cũng sẽ không còn phù hợp, đó là quy luật của tự nhiên.

Đối với mối quan hệ trong gia đình, thông qua cách ứng xử: Con cái kính trọng, vâng lời cha mẹ; Cha mẹ biết dạy con những điều hay lẽ phải…, thì đó chính là chìa khóa giúp cuộc sống gia đình luôn hạnh phúc.

Trong tập thể cơ quan, đơn vị, hiệu ứng của văn hóa ứng xử phụ thuộc vào sự thân thiện, hòa đồng của tập thể. Mặt khác, nó còn có thể xây dựng nên một sắc thái riêng của cơ quan, đơn vị đó. Và chính văn hóa ứng xử đúng mực, giúp tập thể một tinh thần phấn khởi, một sức bật mới trong nỗ lực vươn lên và gắn bó nhau hơn…

Để có được văn hóa trong ứng xử, đối với mỗi người, tự thân cần phải rèn luyện, khiêm tốn học hỏi thật nhiều trong đời sống, biết mình cần phải làm gì khi đối diện một vấn đề có tính nhạy cảm - nhất là việc ứng xử trong… lời nói (phát ngôn) - “điều chỉnh” thế nào cho đúng mực, phù hợp với bối cảnh mà không sa đà dẫn đến phản cảm như “2 vị cán bộ” nói trên. Đừng quên, lời nói (phát ngôn) như con dao hai lưỡi, nó có khả năng gây sát thương cho người khác. Nên hãy “lựa lời mà nói…” trong ứng xử! Ứng xử có văn hóa là thể hiện trí tuệ, nhân cách của mỗi con người.

Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận ra tầm quan trọng của văn hóa ứng xử; và không phải ai cũng ứng xử có văn hóa… Người xưa cũng có câu: “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”, đó chính là cách ứng xử văn hóa thông minh nhất!

Những hành vi phản cảm, phản văn hóa không chóng thì chầy cũng sẽ bị loại thải trong xã hội văn minh.

N.N.K

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.