Tôi đã gặp những “người thầy” như thế!

Thứ Tư, 19/06/2019 | 16:51

Tôi phải bỏ từ “người thầy” vào dấu ngoặc kép bởi những người thầy ấy không dạy tôi từ phía bục giảng, mà dạy tôi bằng chính tấm gương, cách sống, nếp nghĩ của mình. Với nghề báo, môi trường tôi luyện bản thân tôi không chỉ là từ trường lớp, mà còn là trường đời, trường nghề vẫn đang trải một lối đi rất dài và rộng trên bước đường làm nghề.

Không dạy tôi một ngày nào, tiếp xúc với ông cũng vỏn vẹn đúng một buổi, nhưng tôi học được rất nhiều từ ông. Ông là Giáo sư - Anh hùng lao động Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học Trung ương, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội. Đó là dịp Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề người có công, nói chính xác hơn là vị giáo sư này trước đó đã có nhã ý muốn “nhờ” Đoàn ĐBQH tỉnh giúp ông tìm lại những nhân chứng lịch sử để làm rõ hơn sự thật về nữ liệt sĩ Nguyễn Thị Tư, nhân vật trong bản vọng cổ nổi tiếng “Giọt sữa cuối cùng” của cố soạn giả Trọng Nguyễn. Nhìn cách ông tiếp cận, đặt câu hỏi với bà con và lắng nghe chân thành từng lời nói, tình tiết bà con kể lại, tôi đã hình dung ông như một nhà báo chuyên nghiệp! “Nhà báo” này đang đi tìm chi tiết, mổ xẻ câu chuyện và sau đó xâu chuỗi tất thảy thành những bài viết nhiều kỳ mà mục đích cuối cùng là để suy tôn hình tượng người phụ nữ Bạc Liêu gan dạ, anh hùng; làm giàu thêm mẫu hình người phụ nữ Việt Nam “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang” và yêu chồng, thương con hết mực, yêu thương đến hơi thở sau cùng! Tôi học ở người thầy này cách lắng nghe, sự thấu hiểu, đồng cảm, và thái độ thu thập tư liệu cẩn thận để không làm sai lệch vấn đề, ông thậm chí còn đặt nghi vấn trái chiều để làm sáng tỏ câu chuyện. Tôi cho rằng, đó chính là phong cách làm báo mà mỗi nhà báo phải học. Kể cả khi ông dừng cuộc nói chuyện để đích thân tiễn chân một bà cụ (một nhân chứng trong câu chuyện), ông cũng cho tôi một bài học về đối nhân xử thế: trọng dân và yêu kính nhân dân!

Tác giả bài viết trong chuyến công tác ở xã Vĩnh Hưng cùng Giáo sư - Anh hùng Lao động Nguyễn Anh Trí. Ảnh: H.T

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển chưa từng dạy tôi một ngày nào nhưng qua một lần gặp gỡ, qua những điều ông viết trên sách báo, tôi tôn kính ông như một bậc thầy trong nghề viết lách của mình! Nhớ nhất câu trả lời của ông khi tôi hỏi “vì sao ông quan tâm đến bản “Dạ cổ hoài lang” (DCHL) đến như vậy?”, ông nói không suy nghĩ: Vì đó là giá trị văn hóa của Bạc Liêu, của Nam bộ và của đất nước này! Người nhạc sĩ này phân tích những câu chuyện chứa đầy giá trị nhân văn, văn hóa liên quan đến DCHL khiến tôi nghiệm ra rằng: mỗi nhà báo, trước hết là bản thân tôi khi phụ trách mảng văn hóa thì phải biết nhìn xa trông rộng để có một tầm nhìn “đi trước đón đầu” trước mọi sự vật, hiện tượng, phong trào hành động cách mạng của địa phương. Nhà báo không chỉ phản ánh thời sự chung chung mà phải biết nghĩ suy, hiến kế, định hướng, tất nhiên đòi hỏi phải có sự hiểu biết nhất định. Sau đó, tôi sưu tầm sách của ông: Vũ Đức Sao Biển còn là một nhà báo hơn 20 năm trải nghề! Độc giả thích đọc mục tiểu phẩm trên Tuổi trẻ cười những năm 1980 trở đi sẽ biết đến bút danh Đồ Bì. Các tiểu phẩm của Đồ Bì được in thành sách, đa phần đều phản ánh các sự kiện xã hội nóng bỏng được nhiều người quan tâm. Khi được hỏi “ông có e ngại không khi viết những vấn đề đụng chạm?”, nhà báo Đồ Bì trả lời: “Tôi chỉ phản ánh thời sự thôi, chứ không đơm đặt. Tôi đưa những vấn đề đó trên báo in với mục đích xây dựng là chính, tôi không sử dụng văn chương mạt sát để rầy rà ai. Kiểu viết của tôi không nặng về châm biếm, phê phán mà nặng về yếu tố hài hước, gây cười”. Tôi tâm đắc với cách trả lời cũng là chính kiến của ông. Tôi cho rằng, phía sau tiếng cười sảng khoái sẽ khiến bạn đọc nghĩ suy. Thật tài tình, thâm thúy ở ngòi bút của nhà báo Đồ Bì - nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển…
Còn rất nhiều "người thầy" trên bước đường nghề của tôi, kể mãi sẽ thành “góp nhặt dông dài”. Nhân ngày của nghề, xin chia sẻ để độc giả thấy rằng, nghề báo luôn phải “học, học nữa, học mãi”. Học từ trường lớp thôi chưa đủ, học từ trường đời, trường nghề, từ những "người thầy" không cần đứng trên bục giảng vẫn trao truyền cho tôi những bài học ý nghĩa, những trải nghiệm bổ ích để vững chắc ngòi bút, nói chính xác hơn là: để gõ những con chữ đẹp đẽ, nhân văn thành những bài báo hữu ích cho đời. 
Nhật Quỳnh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.