Tầm quan trọng của thiết chế văn hóa đối với đời sống xã hội hiện nay

Thứ Hai, 21/10/2019 | 17:04

Bạc Liêu hiện có 27 trung tâm văn hóa xã, 421 nhà văn hóa - khu thể thao ấp. Thời gian qua, bên cạnh mặt tích cực là góp phần phát triển mạnh mẽ phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao, phục vụ tích cực các nhiệm vụ chính trị tại địa phương và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân thì các thiết chế văn hóa (TCVH) này đang tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, đòi hỏi các cấp, các ngành cần có cơ chế, chính sách phù hợp để vừa nâng cao hiệu suất sử dụng, vừa hạn chế lãng phí ngân sách.

Nhà Văn hóa - Thể thao ấp Vĩnh Đông (xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long) được đầu tư khang trang, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Từ việc góp phần khẳng định giá trị truyền thống…

Thiết chế có thể hiểu là một tổ chức xã hội có kết cấu bên trong chặt chẽ, đã gắn kết với nhu cầu của con người nên tồn tại bền vững trong đời sống của họ. Trong đó, nhà văn hóa, các câu lạc bộ, bảo tàng, thư viện, rạp chiếu phim, công viên, vườn hoa… là các dạng hình thức tồn tại của TCVH. Hoạt động của các TCVH góp phần khẳng định những giá trị truyền thống của dân tộc, tiếp thu những giá trị văn hóa mới của nhân loại.

 TCVH là chỉnh thể văn hóa hội tụ đầy đủ các yếu tố: cơ sở vật chất, bộ máy tổ chức, hệ thống biện pháp hoạt động và kinh phí hoạt động cho các thiết chế đó. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là động lực, vừa là mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, việc xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình phát triển. TCVH đóng một vai trò quan trọng, là nơi truyền tải những thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân; là cầu nối trực tiếp giữa Đảng bộ, chính quyền các cấp với quần chúng nhân dân.

Hệ thống TCVH là nơi để tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các nhiệm vụ chính trị, xã hội của các tỉnh, thành trên cả nước nhằm giúp nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, đấu tranh với những luận điệu sai trái, chống phá Đảng, Nhà nước, âm mưu diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Nhà văn hóa, các câu lạc bộ, đài phát thanh… là những TCVH để nhân dân đóng góp ý kiến với các cấp ủy đảng, chính quyền về những vấn đề chính trị, văn hóa, xã hội đang diễn ra. Mặt khác, đây còn là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa phù hợp với phong tục, tập quán, lối sống của nhân dân, giáo dục về pháp luật để giảm thiểu các tệ nạn xã hội, từ đó phát huy, gìn giữ bản sắc văn hóa của các dân tộc trên cả nước.

Hệ thống TCVH đáp ứng nhu cầu sáng tạo, học tập, trao đổi, hưởng thụ, gìn giữ văn hóa, luyện tập thể dục - thể thao của các tầng lớp nhân dân; từ đó hỗ trợ điều phối, kiểm soát hành vi của các cá nhân bằng các chuẩn mực, thủ tục, quy trình, quy tắc, bằng dư luận do những thế hệ con người trong tổ chức hệ thống TCVH xây dựng lên. Hệ thống TCVH là điểm tựa tinh thần, giúp các cá nhân phát huy trí lực để có những quyết định, sự lựa chọn đúng đắn. Xây dựng một hệ thống TCVH tốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều giá trị văn hóa quý báu của dân tộc được các thế hệ sau giữ gìn, nuôi dưỡng, phát huy.

Hệ thống TCVH giữ vai trò quan trọng trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, xã hội ở địa phương; đây chính là công cụ trực tiếp, đắc lực của cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo quần chúng thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Các quan điểm, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước có đến được với đại đa số quần chúng nhân dân hay không một phần quan trọng là nhờ ở hệ thống TCVH cơ sở.

Cán bộ, đoàn viên và học sinh đọc sách tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã Định Thành (huyện Đông Hải). Ảnh: H.T

…Đến hội nhập, phát huy tốt trong đời sống văn hóa hiện đại

Các TCVH truyền thống, hiện đại đã và đang góp phần phát triển xã hội một cách bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống. Các TCVH trở thành nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân còn bảo tồn, phát huy những vốn văn hóa sống mang tính dân gian truyền thống, từ đó góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Khi tổ chức hoạt động của TCVH cần tạo ra những dư luận tích cực để hạn chế những nguy cơ mâu thuẫn, xung đột, biểu hiện tiêu cực trái với quy tắc, chuẩn mực thông thường của đạo đức; trong đó các TCVH truyền thống góp phần khắc phục, giải quyết xung đột trên nguyên tắc không để phá vỡ tính chỉnh thể.

 Hệ thống TCVH góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, nhất là trong việc xây dựng nông thôn mới. Tiêu chí nhà văn hóa, khu thể thao xã đạt chuẩn là một trong 19 tiêu chí đã thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện để người dân nông thôn nâng cao mức thụ hưởng văn hóa. Mặt khác, đối với các di sản văn hóa của dân tộc hiện nay có một đội ngũ vừa có tâm, vừa có tầm cùng với nhân dân địa phương là chủ thể, khách thể để xây dựng các TCVH.

Xây dựng, hoàn thiện các TCVH là góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để đáp ứng nhu cầu bức thiết, một đòi hỏi chính đáng của nhân dân. Bản sắc văn hóa này chỉ có thể hiện hữu, phát triển mạnh mẽ, trường tồn trong điều kiện TCVH đầy đủ, vững mạnh, hoạt động hiệu quả.

Đình, chùa, đền thờ, nhà thờ... cũng là những yếu tố của TCVH truyền thống, các giá trị đạo đức, giá trị truyền thống của dân tộc được TCVH này bảo tồn, phát huy, thậm chí qua các mô hình hoạt động sinh động thì TCVH truyền thống vẫn có thể hội nhập, phát huy tốt trong đời sống văn hóa hiện đại.

Công tác quản lý các TCVH phải được tiến hành tổ chức các hoạt động văn hóa một cách sáng tạo, hiệu quả cần một đội ngũ cán bộ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ; mặt khác, mỗi địa phương, cơ sở cần bám sát vào chức năng, nhiệm vụ của hoạt động TCVH để đi sâu vào thực tiễn, nhằm thu hút đông đảo quần chúng nhân dân, góp phần đa dạng hóa các loại hình hoạt động văn hóa, làm phong phú hơn đời sống tinh thần của người dân.

Hệ thống TCVH trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay, đặc biệt là trung tâm văn hóa xã, nhà văn hóa - khu thể thao ấp đã có những chuyển biến tích cực, trở thành các trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, bồi dưỡng nghiệp vụ, hạt nhân cho phong trào văn hóa, thể thao ở cơ sở; là địa chỉ thu hút đông đảo nhân dân đến vui chơi, giải trí, hưởng thụ, sáng tạo văn hóa, rèn luyện thể lực, tuyên truyền, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị. TCVH là một chỉnh thể hội tụ đầy đủ 4 yếu tố: cơ sở vật chất, bộ máy tổ chức, quy chế hoạt động, nguồn kinh phí. Xây dựng nội dung, tổ chức hoạt động, phương thức quản lý hoạt động như thế nào để các TCVH có thể phát huy tốt vai trò, ý nghĩa, làm phong phú, giữ gìn tốt hơn những giá trị văn hóa cộng đồng, bản địa, mang thêm những điều hay, điều mới đến với cộng đồng là các vấn đề cần quan tâm trong việc củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các TCVH.

Duy Thanh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.