Phong trào sáng tác văn học - nghệ thuật: Nhiều trăn trở

Thứ Hai, 22/07/2019 | 17:12

Phải khách quan nhìn nhận rằng, những năm gần đây, phong trào sáng tác văn học - nghệ thuật (VH-NT) ở Bạc Liêu trong tình trạng “âm ỉ” chứ chưa thật sự “bùng cháy”. Nghĩa là, lực lượng sáng tác không thiếu lòng đam mê, nhiệt huyết, nhưng VH-NT Bạc Liêu lại hiếm thấy xuất hiện những tác phẩm mới tạo ấn tượng trong lòng công chúng! 
Những chuyến đi thực tế sáng tác trong và ngoài tỉnh vẫn được tổ chức, một số lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn thỉnh thoảng được mở cho hội viên tham gia, nguồn vốn hỗ trợ, đầu tư cho tác phẩm VH-NT chất lượng cao cũng có… song, vẫn còn hiếm hoi lắm những ấn phẩm tạo “làn sóng”, có sức lan tỏa. 
Thực tế sáng tác: Cần nhưng chưa đủ
Năm 2010, Bạc Liêu đón đoàn văn nghệ sĩ TP. Hồ Chí Minh về thực tế sáng tác cho Bạc Liêu. Đây không phải mang tính “trại sáng tác” thông thường, mà là “đặt hàng” để các văn nghệ sĩ về cảm nhận xứ sở này và sáng tác. Qua chuyến này, Bạc Liêu có một số tác phẩm đáng kể, có thể kể đến ca khúc “Đường ra biển lớn” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn và “Nắng gió Phương Nam” của nhạc sĩ Nhất Sinh. Hai ca khúc được nhiều ca sĩ (trong và ngoài tỉnh) trình bày tại các ngày lễ lớn của tỉnh, đặc biệt là góp mặt đầy ấn tượng trong Festival Đờn ca tài tử (ĐCTT) quốc gia lần thứ I - Bạc Liêu 2014.
Về Bạc Liêu, đi vòng quanh những địa danh Gành Hào, Giồng Nhãn, biển Bạc Liêu, nghe đờn ca tài tử, các nhạc sĩ đã có những câu hát thắm tình phương Nam, mặn mòi đất Bạc Liêu như “Về đây, nghe Tình anh bán chiếu, nghe hò xự xang xê cống u liu”, “Đất Bạc Liêu, muối tên Ba Thắc, nhãn cơm dày, dễ lột thơm ngon, xuồng câu chở ánh trăng suông, dòng sông chở những vui buồn tháng năm”… Không phủ nhận công sức và thành quả lao động trí óc của đội ngũ sáng tác VH-NT tỉnh nhà, nhưng khách quan nhìn nhận, thật hiếm hoi những tác phẩm chạm đến trái tim người thưởng thức như thế!
Hội viên Lương Ngọc Thơ (bút danh Nam Kha) là một cây bút trẻ nhưng đã sưu tập được bộ giải thưởng khá ấn tượng: giải C giải báo chí “Bạc Liêu trên đường phát triển” năm 2014, và giải B giải báo chí truyền thống tỉnh Bạc Liêu cùng năm với tác phẩm “Đàn gáo còn ngân”, giải Ba cuộc thi bút ký ĐBSCL lần thứ VI (năm 2016 - 2017) với tác phẩm “Những người sống giữa hai bầu trời” và mới đây là giải Khuyến khích cuộc thi bút ký tỉnh Cà Mau mở rộng chủ đề “Nơi phù sa lấn biển” do Hội Nhà báo tỉnh Cà Mau tổ chức, với tác phẩm “Nơi biển trời gặp nhau”. Thơ chia sẻ: “Những chuyến thực tế sáng tác như sự khơi nguồn cảm hứng cho người tham gia. Còn lại, phải có sự thôi thúc trong ngòi bút, cảm xúc của người đi thực tế, những tác phẩm này tôi phải đi thực tế nhiều lần mới viết nên”. 
Chị Trần Mỹ Châu, hội viên Hội Nhiếp ảnh Bạc Liêu, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhiếp ảnh nữ ĐBSCL, tuy mới tham gia lĩnh vực nhiếp ảnh vài năm gần đây nhưng đã đoạt nhiều thành tích, gần đây nhất là một số huy chương Vàng, huy chương Bạc tại các giải ảnh quốc tế. “Cuộc sống miền biển” và “Nghề đan đát” là 2 tác phẩm trong số đó, và đây cũng chính là thành quả của những chuyến thực tế sáng tác mà chị đã cùng đội ngũ nhiếp ảnh trong và ngoài tỉnh “cày xới” tại tỉnh nhà để có.
Thế nhưng, thực tế sáng tác chỉ đóng vai trò chất xúc tác, khơi nguồn cảm hứng, không phải ai đi thực tế về cũng có tác phẩm. Chính chủ thể tham gia thực tế sáng tác phải yêu nghề, có tâm, có tầm, có ý thức sáng tác và hướng đến sáng tác chất lượng cao thì mới tạo ra tác phẩm để lại dấu ấn trong lòng công chúng. 

Chương trình giới thiệu, giao lưu thơ của các tác giả thơ Bạc Liêu được Liên hiệp các Hội VH-NT tổ chức nhân Ngày Thơ Việt Nam. Ảnh: C.T

Mở đường để tác phẩm đến với công chúng
Chương trình giới thiệu tác giả - tác phẩm VH-NT hàng năm vẫn được tổ chức đều đặn. Ngày Thơ Việt Nam, Ngày Nhiếp ảnh Việt Nam, Ngày Sân khấu Việt Nam đều dành những không gian để hội viên chi hội các chuyên ngành giới thiệu những “đứa con tinh thần” của mình. Một số chi hội chuyên ngành khác như: kiến trúc, điện ảnh, múa, văn nghệ dân gian… thì ít có cơ hội giới thiệu sáng tác của mình. Tuy nhiên, hình thức giới thiệu, quảng bá đã qua vẫn chưa thật hiệu quả.
Ông Vưu Long Vỹ, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh, Chi hội trưởng Chi hội Múa, người tham gia sáng tác nhiều kịch bản sân khấu, bài bản ĐCTT đoạt giải ở các cuộc thi trong và ngoài tỉnh, cho rằng: con đường quảng bá tác phẩm VH-NT nói chung, quảng bá các bài bản về ĐCTT (nghệ thuật bản sắc của Bạc Liêu) còn quá ít nên tác phẩm chưa đến với công chúng. Xã hội hóa đầu tư các chương trình phát trên sóng truyền hình để tầm phủ sóng rộng hơn, đó cũng là một hiến kế của anh.
Những tác phẩm ảnh nghệ thuật đoạt các giải quốc tế được chia sẻ nhiều trên các trang mạng xã hội (Facebook cá nhân) nhiều hơn, trong khi hình thức quảng bá tác phẩm ảnh nghệ thuật - thời sự như hiện nay gần như chưa hấp dẫn công chúng đến thưởng thức(?!). Thực tế sáng tác vẫn được tổ chức cho hội viên nhưng thành phẩm thu về sau những chuyến thực tế sáng tác chưa tạo dấu ấn. Nguồn hỗ trợ đầu tư cho tác phẩm VH-NT chất lượng cao vẫn chưa tạo ra được tác phẩm thật sự có chất lượng cao, hoặc chưa có con đường quảng bá hấp dẫn để công chúng thưởng thức những tác phẩm VH-NT ấn tượng, hướng đến chân - thiện - mỹ.
Nghị quyết 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” yêu cầu: “Phát triển sự nghiệp VH-NT, tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước”, đi đôi với “Đổi mới phương thức hoạt động của các hội VH-NT nhằm tập hợp, tạo điều kiện để văn nghệ sĩ hoạt động tích cực, hiệu quả. Khuyến khích nhân dân sáng tạo, trao truyền và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc”.
Vài thực tế nêu trên chính là đặt ra nhiều trăn trở đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của những người đầu tàu hoạt động lĩnh vực VH-NT của tỉnh, đội ngũ văn nghệ sĩ có trách nhiệm với quê hương, trên con đường sáng tạo tác phẩm VH-NT tạo được sức hút và tác động đến công chúng đúng như tinh thần Nghị quyết 33 đề ra. 
Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.