Phòng chống bạo lực gia đình: Bắt đầu từ bình đẳng giới

Thứ Sáu, 08/11/2019 | 16:15

Những năm qua, cộng đồng quốc tế và các quốc gia đã có nhiều nỗ lực nhằm nâng cao nhận thức và hành động của mọi người để chấm dứt nạn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Trong đó, phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu.

Ông Nguyễn Văn Mót trong niềm vui với cháu nội.

Thời gian qua, Bạc Liêu cũng đã thực hiện nhiều chương trình nhằm hạn chế tình trạng BLGĐ trên phạm vi toàn tỉnh. Kết quả, số vụ BLGĐ ngày càng giảm do nhận thức của nam giới dần được nâng cao, phụ nữ cũng biết cách tự bảo vệ mình hơn.

Hưởng ứng Tháng hành động nhân kỷ niệm “Ngày xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” (25/11), Sở VH-TT-TT&DL tổ chức chiến dịch truyền thông nhằm phổ biến rộng rãi nội dung này đến tận các địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Tháng hành động sẽ là đợt cao điểm trong công tác truyền thông về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới nhằm tạo ra sự thay đổi tích cực trong xã hội về thực hiện bình đẳng giới.

Ngày nay, chúng ta thường hay vin vào lý do “cuộc sống thời 4.0” để biện hộ cho nhiều biến cố xảy đến trong gia đình. Điều đáng báo động nhất trong phạm vi gia đình chính là đạo đức bị xem nhẹ. Truyền thông đưa tin nhiều vụ việc đau lòng xuất phát từ những giá trị đạo đức bị bỏ quên, làm nhức nhối xã hội. Không thể chấp nhận việc luân thường đạo lý bị xem nhẹ đến mức: cha ruột cưỡng hiếp con gái, cha chồng cưỡng hiếp con dâu, con giết mẹ, bà giết cháu… Chính vì thế, lúc này đây chuẩn mực đạo đức của gia đình truyền thống như “kim chỉ nam” trong câu chuyện giáo dục và hình thành nhân cách cho một thế hệ. Thế nên, rất cần những tấm gương sáng về gia đình hạnh phúc để trao truyền nét văn hóa truyền thống để tạo ra một xã hội đầy ắp tình người và đi đúng với luân thường đạo lý.

Chị Đinh Thị Lượng (ấp 1A, xã Phong Thạnh Tây A, huyện Phước Long) dạy các con học. Ảnh: N.V

Ở thành thị, mô hình gia đình nhiều thế hệ sống chung với nhau rất ít. Thường các cặp vợ chồng sẽ chọn cách ở riêng để thực hiện quyền tự quyết, tự lo cho cuộc sống gia đình mình. Mô hình này theo kịp cuộc sống hiện đại: cha mẹ đến công sở (hoặc kinh doanh), con cái đến trường. Về nhà, con cái được giao cho bảo mẫu, nên cha mẹ ít có thời gian chăm sóc, dạy dỗ con cái. Việc không sống chung với ông bà sẽ tạo ra khoảng cách với thế hệ đi trước, cả cha mẹ và con cái đều không được truyền dạy những giá trị cốt lõi của cuộc sống mà đôi lúc hiện đại không “đảm đương” được. Ông Nguyễn Văn Mót (ấp 1A, xã Phong Thạnh Tây A, huyện Phước Long) cho biết: “Trước đây, chúng tôi sống cùng cha mẹ nên học được nhiều bài học, lời dạy bổ ích. Sau này có con có cháu, tôi cùng vợ tiếp tục nuôi nấng và dạy dỗ các con như những gì tôi học được từ cha mẹ mình. Tôi nghĩ, cứ tiếp nối và lưu truyền như thế, ông bà, cha mẹ làm gương thì sẽ tạo ra lớp người trẻ sống có ích cho xã hội”.

Theo ông Mót, gia đình nhiều thế hệ sống cùng nhau sẽ dạy dỗ con cháu hiệu quả hơn, từ đó tránh được tình trạng BLGĐ. “Khi cưới vợ về, cha mẹ vợ bệnh nên tôi phải chăm sóc, vừa bươn chải vừa lo cho 3 đứa con. Nhưng tôi quan niệm, mình yêu thương vợ và hiếu thảo với cha mẹ để các con thấy được gương mình mà noi theo. Từ đó, khi lập gia đình riêng, các con sẽ từ tấm gương đó mà dạy cho thế hệ sau nữa”, ông Mót bộc bạch.

Phòng chống BLGĐ có hiệu quả phần lớn nhờ vào ý thức của người chồng. Bởi lẽ, theo khảo sát chung, nạn nhân của BLGĐ thường là vợ và trẻ em gái. Chính vì thế, cải thiện tư duy của nam giới, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới là cơ sở để công tác phòng chống BLGĐ thật sự hiệu quả. Gia đình hạnh phúc của anh Trương Chí Thức và chị Đinh Thị Lượng (ấp 1A, xã Phong Thạnh Tây A, huyện Phước Long) cũng là một điển hình về bình đẳng giới. Hai vợ chồng đều là viên chức nhà nước, nếu hôm nào chị “bận việc nước” thì anh sẽ làm một số việc nhà, đảm trách đưa rước con đi học. Khi chị về, sau khi hoàn tất công việc bếp núc, chị sẽ dạy con học. Anh Thức chia sẻ: “Chúng tôi tự phân công việc nhà với nhau sao cho hợp lý để đỡ đần nhau, chứ không đẩy hết việc cho một người. Nếu có bất đồng quan điểm thì cũng tự suy nghĩ để hàn gắn, cùng nhau chia sẻ, làm chuyện gì cũng thông qua người kia để cùng thống nhất. Đặc biệt, tôi quan niệm dạy con không đòn roi. Tôi sử dụng tâm lý để cố gắng hiểu con muốn gì, tùy trường hợp lúc cương lúc nhu, tránh làm con sốc tâm lý mà xa lánh cha mẹ”.

Cùng quan điểm với anh Thức, vợ chồng anh Nguyễn Giang Châu và chị Nguyễn Hồng Nhung (ấp 2B, xã Phong Thạnh Tây A, huyện Phước Long) cũng thực hiện bình đẳng giới trong gia đình. “Vợ chồng phải tôn trọng, yêu thương nhau, anh chị em phải hòa thuận, đoàn kết thì làm gì có BLGĐ xảy ra. Tôi nghĩ, điều tiên quyết là trong gia đình phải có bình đẳng giới thì mới nuôi dạy con cái tốt được, từ đây mới có thể xây dựng gia đình hạnh phúc”, anh Châu cho biết.

Thật vậy, khi các thành viên trong gia đình luôn yêu thương, thấu hiểu, thông cảm và chia sẻ với nhau về mọi mặt, thì tình trạng BLGĐ sẽ không xảy ra.

Ngọc Vũ 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.