Những ngày nắng…

Thứ Sáu, 19/04/2019 | 15:59

Người ta ít viết về nắng mà thường viết về mưa nhiều hơn, mưa dễ cho nhiều cảm hứng từ những giọt tí tách ngắn dài. Các “thể loại mưa” đều đã có mặt trong văn chương. Mưa phùn, mưa ngâu, mưa đầu mùa, mưa kỷ niệm. Khó đứng giữa cái nắng chang chang để đi tìm… cảm xúc. Nhà thơ Vũ Quần Phương viết bài thơ “Đợi” cũng có điểm qua chút nắng: “Anh đứng trên cầu nắng hạ/ Nắng nghiêng bên ấy lại bên này/ Đợi em. Em đến? Em không đến?/ Nắng tắt, còn anh đứng mãi đây”. Cái nắng chỉ khiến người ta “sốt ruột” hơn dù là kiên nhẫn đợi chờ…
Trong nắng còn lắm sự nhọc nhằn…

1. Những tấm lưng ướt đẫm mồ hôi. Chiếc áo mỏng bạc màu làm sao che nổi cái nóng những ngày nắng. Đó là cái nắng trên lưng những anh thợ hồ. Nhà thằng em trai khởi công xây dựng đúng đỉnh điểm của “nắng tháng Ba chó già lè lưỡi” (ám chỉ cái nắng gây mệt mỏi). Đứng trong mát nhìn ra (nói là mát chứ hơi nóng tỏa khắp chốn) nhìn các anh cu-li khuân vác, tôi buông tiếng thở dài: “Nắng này mà làm hồ thì chỉ có cháy da thôi”. Một anh thợ với gương mặt đen sạm vì nắng quay sang cười với tôi: “Vậy chớ tụi tui làm nghề này, nắng mới thuận tiện chị ơi”. Ừ thì chắc là vì quen… cực, chứ tôi nghĩ chỉ cần ra nắng ngồi “ở không” một buổi thôi, đâu cần bưng bê, khuân vác thì mấy anh “công tử”, những người chỉ quen làm việc trong phòng máy lạnh, chắc chắn sẽ cảm nắng hoặc xây xẩm vì nắng chứ chẳng chơi. 
Nắng cháy trên ruộng muối khiến mồ hôi còn… mặn hơn vị muối. Tôi đã nhìn thấy, cũng những lưng áo ướt đầm mồ hôi trên đồng muối trắng. Muối mặn hơn chắc cũng “nhờ” những giọt mồ hôi. Nắng càng gay gắt, muối càng được mùa. Ai đó nói một câu nghe văn vẻ nhưng đích thực là vậy: “Muối mà gặp mưa thì biến thành nước… mắt của diêm dân”. Người ta đổ mồ hôi, công sức để kiếm tiền trang trải cuộc sống chớ nghề làm muối chưa thấy ai làm giàu (tất nhiên trừ mấy ông chủ “bự”- chủ vựa muối). Nếu nói vậy thì chắc trong sự kết tinh của nước biển mặn mòi, còn có sự kết tinh của những giọt mồ hôi, biến thành hạt muối trắng. Đàn ông làm muối đã cực, phụ nữ làm muối còn thấy thương biết chừng nào. Nhìn các chị em tháo vác cào muối, kể cả khuân vác như nam nhi, thương cho phận liễu yếu mà phải chịu nắng gió chan chát, dập vùi nhan sắc, tuổi xuân. Cũng vì cơm - áo - gạo - tiền. 
Nắng. Những sạp bán rau cũng héo hon bởi nắng. Đi chợ, quý bà, quý cô cũng ráng tranh thủ lúc trời chưa “đổ lửa”. Nhưng người bán thì làm sao trốn nắng. Những sạp rau được che chắn tạm bởi những chiếc dù, có tránh được sức hắt của nắng nổi đâu. Chợt nhớ câu thơ của Phan Chín viết tiếp câu ca dao xưa: “Trắng da vì bởi phấn dồi/ Đen da vì bởi em ngồi chợ trưa/ Chợ trưa chẳng mấy người mua/ Em còn rau héo mà chua chát lòng”…


2. Ở những chốt đèn giao thông, nắng như thúc giục người ta, và dừng ở “trạm dừng chân” này cứ như chịu sự “tra tấn”. Nắng tra tấn. Kèn xe tra tấn. Tiếng động cơ xe cũng đua nhau tra tấn. Đã nắng nóng mà nhiều người vẫn không chịu tắt bớt những tiếng máy nổ, động cơ khiến cho những trạm dừng chân này vốn đầy nắng càng đặc quánh bởi khói, bởi mùi xăng của động cơ. Chưa dừng ở đó, cứ đèn vàng bên góc đường nọ vừa bật báo hiệu chạy chậm (nghĩa là đèn đỏ chưa “phụt” lên), đèn xanh trước mặt chưa kịp sáng thì những chiếc xe sau đã bóp kèn inh ỏi như thúc giục, đuổi xua mấy xe phía trước. Mấy bác tài ạ, có ai thích đứng giữa nắng để làm gì mà phải giục?! Đèn xanh chưa sáng nên người ta phải tuân thủ đó thôi. Không tin bạn thử kiểm nghiệm mà xem. Chốt đèn đỏ có lẽ là nơi sử dụng kèn xe nhiều nhất và tôi cho là “phung phí” nhất. 
Bình thường, dù nắng, người ngồi trên xe (ở đây muốn nói xe máy) vẫn thấy… mát nếu che chắn kỹ càng. Chỉ cần chạy xe thì sức gió do ma sát với luồng không khí cũng đủ khỏa lấp cái nắng. Nhưng mấy ngày này, chạy xe vẫn thấy như nắng “táp” vào mình. Đó là khi sự nóng bức đã lên đến đỉnh điểm. Nóng, mệt và mồ hôi đầm đìa là cảm giác cực hình mà người đi đường phải chịu. Người ta đi đâu cũng mong mau về đến nhà, đến chỗ “trú nắng”. Cho nên đi đường, ghét nhất là gặp phải tín hiệu đèn đỏ, giữa cái nắng còn muốn… đỏ hơn đèn.
Chưa kể, cái nắng cũng khiến nhiều người bực dọc đến… vô duyên. Tôi đi chợ trưa, không ít lần kẹt xe bởi những chiếc xe bốn bánh. Có lần nghe một bà nội trợ (cùng cảnh ngộ kẹt xe) “quở” mấy người đi chợ bằng xe hơi: “Ghét nhất mấy người học đòi làm sang, cái đường nhỏ xíu mà chèn chiếc xe hơi vô, rồi ai đi cho được. Đi chợ có nhất thiết phải chạy xe hơi mà đi không?”. Chắc tại nắng nóng thì bực mình chứ nếu đổi lại là chị có điều kiện, chị cũng muốn ngồi khoan thai trong xe hơi mà đi chợ thôi… Đó, cũng bởi nắng mà ra!
Giữa những ngày nắng, ai mà không thèm một cơn mưa rào (trừ mấy anh công nhân đang xây hồ và người diêm dân thu hoạch muối). Ngồi trà nước giữa ban trưa, anh bạn đồng nghiệp tôi (tin từ “đài khí tượng thủy văn”) báo ngày mai trời sẽ dịu mát. Dịu mát sao nổi giữa cái hạn gay gắt này. Thử đợi “ngày mai” xem sao. Vậy mà đúng thật. Giữa cái nắng gay gắt, bỗng xuất hiện một đám mây đen, trời dịu mát hẳn, chỉ vài giọt mưa “nhỏ giọt” chừng nửa tiếng rồi… đâu lại vào đấy. Nắng tiếp tục chói chang tới… chiều. Nhưng một chút mưa cũng đủ xoa dịu cơn nắng nóng. Những anh công nhân trên công trình bớt nhọc nhằn trong khoảnh khắc. Sạp rau của những chị ngồi chợ trưa cũng bớt úa héo đi một chút. Và những chốt đèn giao thông phút chốc giảm tính chất “tra tấn” người đi đường…
Nắng hạn gặp mưa rào, quý lắm. Nó như tạm lấp một nỗi khát khao. Dẫu chỉ trong phút chốc rồi tan biến nhưng cũng đủ làm người ta tìm được thứ cảm giác dễ chịu, nhẹ nhàng. Những ngày nắng, vẫn tấp nập chợ búa, dập dìu những sạp rau, những gánh hàng rong, xe cộ ngược xuôi như nhịp sống phải là thế. 
Cuộc đời chắc cũng mặn hơn vì những giọt mồ hôi trong ngày nắng.  
Nhật Quỳnh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.