Ký ức một thời

Nhớ ngày 30/4 năm ấy

Thứ Sáu, 28/04/2023 | 16:43

Hồi 30/4/1975, tôi đã 15 tuổi, ít nhiều cũng hiểu biết cuộc đời. Đó là những ngày của mùa mưa chớm mà dân quê tôi gọi là mùa sa mưa. Trưa thì nắng nóng bức, không gian chật chội và ngột ngạt, khi chiều về thì ở cuối chân trời có những đám mây đen đùn lên và sấm chớp nhì nhằng, trời gầm gừ báo hiệu một mùa mưa nữa lại về trên cái xứ đồng bằng chỉ hai mùa mưa nắng. Tôi ra sau hậu làng đứng ngắm trời chiều trong màu tím u uẩn nhuốm bầm cả hồn tôi, làm dâng lên một nỗi buồn thăm thẳm giữa những loạn ly chết chóc.

Quê tôi ở ấp Bờ Xáng (thuộc xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu) ngày nay. Năm 1974, chính quyền Sài Gòn lùa hết dân ấp Bờ Xáng qua ấp Cả Vĩnh (thuộc xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi ngày nay). Chỉ cách một con sông thôi nhưng phải đi vì Bờ Xáng có những vạt rừng, nơi có nhiều căn hầm bí mật của cách mạng, từ đó cái làng bé nhỏ của tôi biến thành vùng “xạ kích tự do” của quân lực Việt Nam Cộng hòa. Chiều chiều là con đầm già (máy bay L19) lượn lờ rồi tối đến là pháo 105mm từ chợ Bạc Liêu bắn ra từng chập, thi thoảng tàu chiến bắn lên bờ như vãi trấu, rồi càn bố, tìm diệt… cứ thế mà dăm ba đêm tiếng khóc ở nhà ai đó lại rộ lên vì có người chết do đạn pháo. Ba má tôi hỏi mượn đất của bác Hai Lục Nguyên (ông này người Khmer, có đi tu nên gọi là Lục) để dựng chòi ở. Sự sợ hãi, âu lo hiện ra trong đôi mắt của những người tị nạn, họ phải đối diện với cảnh bắt quân dịch, đưa trai tráng 16 - 17 tuổi vào lực lượng phòng vệ dân sự. Nguồn sống thì bị cắt hoàn toàn, ruộng vườn, nhà cửa bên sông, quê cũ của họ dần biến thành hoang phế.

Rất may là trong cảnh chết chóc đó, con người rất dễ sẻ chia hoạn nạn. Dân bên ấp Cả Vĩnh đa số là người Khmer, họ cho dân Bờ Xáng ở đậu một cách nhiệt tình, không phải trả tiền. Họ đùm bọc bà con Bờ Xáng và cả dân từ Vàm Lẽo, Chợ Kinh… tản cư, ấp Cả Vĩnh chật cứng người. Toàn là những người tay trắng. Tiếng là vào “ấp tân sinh” Cả Vĩnh - ấp chiến lược nhưng chẳng thấy chính quyền Sài Gòn cho gạo thóc gì. Duy nhất, khi tàu chiến Mỹ đi ngang, dân tị nạn cử mấy cô gái đẹp ra đứng, cười duyên trên bờ sông, đám lính Mỹ nhìn thấy rồi cười hô hố và thảy lên bờ những lon thịt hộp, phô-mai…

Quân, dân và các ban, ngành trong tỉnh tiến vào thị xã Bạc Liêu. Ảnh: T.L

Dân tản cư sống nhờ vào nguồn gạo thóc chở theo hồi mới ly hương. Đến khi hết gạo thì sống dựa vào con sông, đồng ruộng. Cuộc đời ruồng rẫy đuổi xua thì ông trời, thiên nhiên nhân từ đã cưu mang, nuôi nấng những người đau khổ sống trong chiến tranh. Cá tôm trên sông hồi đó nhiều không sao kể xiết. Đến khi nước kém, không giăng bắt cá được thì bọn trẻ chúng tôi ùa lên đồng mà săn tìm sản vật, để giải quyết cái đói hằng ngày. Giờ ngồi nhớ lại mới thấy thương đất quê hương, trong lúc khổ đau hoạn nạn ta luôn được sự che chở, cưu mang của đất.

Trước ngày 30/4/1975, chiến sự ở vùng ven và vùng sâu Bạc Liêu rất căng thẳng. Sáng sáng tôi đã thấy trên đồng nào là xe nội đồng, xe lội nước E113 của quân đội Sài Gòn chở quân chạy ngang qua xóm Cả Vĩnh để càn vào vùng Vàm Lẽo, Gia Hội… Đó là vùng giải phóng thuộc xã Hưng Thành (huyện Vĩnh Lợi) ngày nay. Đứng ở ấp Cả Vĩnh, chúng tôi nhìn ra xóm Gia Hội thấy rõ những trận đánh của quân đội Sài Gòn. Xóm Gia Hội hiền hòa, nên thơ của những người cấy lúa cháy rừng rực, khói bốc lên trải rộng một góc trời. Những vườn dừa cao ngọn, từ lâu đứng làm duyên quê cho xứ sở bỗng đứt đầu, gục ngọn. Thường thì đến chiều là kết thúc cuộc chiến. Lực lượng Sài Gòn kéo về, trên những xe GMC chở quân đội Sài Gòn rất nhiều người bị thương phải bó đầu, băng tay, chân. Trên những chiếc xe ấy chở cả những người bị trói “thúc ké” mặt mày máu me đã khô lại, dính bết trên đầu. Lính Sài Gòn bảo đó là Việt cộng, nhưng tôi thì thấy họ hiền lành, chân chất như anh thợ gặt. Trên những chiếc xe ấy còn có rất nhiều chiến lợi phẩm mà quân đội Sài Gòn thu được gồm có heo, gà, vịt… sau này tôi nghe dân Vàm Lẽo gọi lực lượng quân đội Sài Gòn là “đại đội heo”, vì gặp heo, gà bất kỳ của ai họ cũng lùa lên xe, gặp đàn bà phụ nữ thì hãm hiếp.

Cho đến sát ngày 30/4 mà trưởng đồn Thương, đồn Năm Căn, cách chỗ tôi ở 3km vẫn còn dẫn quân đi lùng sục khắp xóm làng. Tôi nhớ ông ta ra lệnh gom những chiếc radio của dân lại rồi dùng súng bắn nát hết vì cái tội lén mở nghe đài giải phóng để theo dõi tình hình chiến sự. Lúc ấy, cách mạng ở thế thắng như chẻ tre, thời điểm đó chúng ta đã giải phóng Bình Long, An Lộc và tiến vào áp sát Sài Gòn.

Đêm 29/4/1975, dân ấp Cả Vĩnh thấy lực lượng giải phóng từ các vùng giải phóng bắt đầu kéo về áp sát vùng ven các chi khu và đô thành Bạc Liêu. Một điều lạ là quân đội Việt Nam Cộng hòa ngày thường hùng hổ, nay im bặt cố thủ trong đồn bót. Đến sáng và trưa 30/4 thì lực lượng cách mạng và quần chúng nổi dậy đã ùn ùn kéo vào làm chủ đô thành Bạc Liêu.

Tôi nhớ rõ ngày 30/4 ấy ở ấp Cả Vĩnh có một cơn mưa đầu mùa rất lớn, tưới lên cánh đồng cuối mùa khô hạn, làm cho bầu trời nóng bức bỗng trở nên dịu mát. Gần như toàn bộ dân ấp Cả Vĩnh đi trong mưa kéo vào thị xã Bạc Liêu. Trong nước mưa có rất nhiều nước mắt, đó là những giọt lệ hạnh phúc của những người thập thò bước chân vào ngưỡng cửa hòa bình, sau một cuộc chiến quá dài, quá đau thương mất mát.

Phan Trung Nghĩa

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.