“Nhà báo với mạng xã hội” Hiểu để tự soi mình

Thứ Hai, 05/11/2018 | 15:39

“Nhà báo với mạng xã hội (MXH)”, đó là buổi sinh hoạt chuyên đề vừa được Hội Nhà báo tỉnh tổ chức cho các hội viên, nhà báo đang làm nghề trên địa bàn tỉnh. Phát biểu để khởi động buổi sinh hoạt, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh - Nguyễn Duy Hoàng nói một cách dí dỏm nhưng theo nhà báo Huỳnh Dũng Nhân là rất chính xác: “Báo chí và nhà báo hiện nay sống cùng MXH giống như… sống chung với lũ”.
Đây không phải là chủ đề mới, nhưng là chủ đề nóng để mỗi người làm báo cần hiểu biết rõ, tự soi chính mình trong đạo đức nghề nghiệp; nhìn nhận mặt tích cực và điều nên tránh trong việc sử dụng MXH để hỗ trợ nghề nghiệp. 

MXH tạo ra… nhà báo đa năng
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, giảng viên Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam tham gia trao đổi trong sinh hoạt chuyên đề. Cách diễn giải vấn đề thu hút, trình độ kinh nghiệm dày dặn với gần 40 năm làm nghề, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân luôn được các đồng nghiệp trẻ nể phục. Ông nói hóm hỉnh: “Ngoại trừ dạy người ta viết bài về kinh tế và dạy về báo chí quốc tế thì cái gì liên quan đến báo chí là tôi nói được”. Thật đúng như vậy, những buổi sinh hoạt chuyên đề về viết phóng sự, nghiệp vụ báo chí thời hiện đại… nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đứng lớp chỉ vài giờ ngắn ngủi nhưng trao truyền thật nhiều kinh nghiệm bổ ích cho những người dự nghe.
Đến với buổi sinh hoạt chuyên đề “Nhà báo và MXH”, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đề cập rất nhiều thông tin sát sườn cho người làm báo. Đó là vai trò của báo in và niềm tin “báo in không bao giờ chết” trong quan điểm của ông. Ông cho rằng, khi nào người ta còn cần báo in như một kênh thông tin tin cậy nhất, khi không phải ai cũng có điều kiện xem báo mạng, khi vai trò khởi thủy của báo in trong nền báo chí truyền thống còn được nhìn nhận… thì báo in vẫn còn chỗ đứng. Người làm báo ngày nay thật sự là một nhà báo đa năng: vừa tác nghiệp như một ký giả viết bài cho báo in, vừa có thể chụp ảnh, quay phim và nhiều nghiệp vụ khác nữa để có thể là một “nhà báo mạng”. Có hay không có từ “báo mạng”? Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân nêu khái niệm thật dễ hiểu: báo mạng (báo điện tử) là thể loại báo sử dụng những công nghệ thông tin tiên tiến và phải được cấp giấy phép hoạt động. Nhưng trên thực tế, bên cạnh những tờ báo mạng chính thống cũng có vô số tờ báo mạng không chính thống, vì đó là… MXH! Người đọc báo ít khi quan tâm cái nào là chính thống và không chính thống. Và từ đó, MXH có những điều hữu ích lẫn tác hại.

Buổi sinh hoạt chuyên đề “Nhà báo với mạng xã hội” do Hội Nhà báo tỉnh tổ chức. Ảnh: H.T

Dùng MXH một cách thông minh
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đưa ra những “con số biết nói” để thấy được hiểm nguy của nghề báo: có 930 nhà báo thiệt mạng trên toàn thế giới trong 10 năm qua (tính tới cuối năm 2016), bình quân 4 ngày có 1 nhà báo bị sát hại, chỉ 1 trong 10 trường hợp gây tội ác với nhà báo trong 11 năm qua được xử lý (nguồn Wan-IFRA). Nghề báo đầy nguy hiểm! Làm báo trong thời đại MXH tràn lan cũng gây ra sự… bất công giữa những người làm báo. Bất công ở chỗ những nhà báo lăn xả vào thực tế thì chịu hiểm nguy để có được thông tin. Ngược lại, những người làm báo mạng chuyên theo đuổi công nghệ “copy - paste” lại là những nhà báo salon “ngồi mát ăn bát vàng”! Họ chỉ việc “chớp” thông tin từ MXH, “chế biến” thành sản phẩm của mình, “thêm mắm dặm muối”, thậm chí là theo trào lưu “sốc, sex, sến” để “câu like”; đặt tít giật gân để gây chú ý. Chẳng hạn vụ một bé 6 tuổi bị diều cuốn lên cao rồi rơi xuống đất tử vong mà có tờ báo giật tít “trước khi chết đứa bé nói gì?”. Tại sao không khai thác khía cạnh đề phòng tai nạn thương tích cho trẻ nhỏ, lại khoét vào nỗi đau đó? Bởi như thế mới có độc giả (?!). 
Có những vấn đề, nội dung báo chí chưa kịp làm sáng tỏ thì MXH đã “đầy rẫy”. Chính nhà báo là người (có thể vô ý, hoặc cố ý) đã chia sẻ thông tin trong quá trình tác nghiệp. Điều này không khó bắt gặp trong bối cảnh làm báo thời công nghệ số. Không ít nhà báo thích thể hiện mình nên hay chia sẻ về những chuyến công tác, thậm chí là đang trong quá trình điều tra, tìm hiểu sự việc cũng cập nhật trên từng cây số. Khiến cho “trong nhà chưa rõ, ngoài ngõ đã tường”, Tổng biên tập tờ báo chưa biết thì cư dân mạng đã nắm rõ bài báo A, tác giả B sắp lên khuôn. MXH chứa đầy những thông tin không được kiểm soát, được nhiều người chia sẻ, hưởng ứng trong đó có các nhà báo. Nhà báo chơi Facebook, Zalo… nếu không bằng sự tỉnh táo, thông minh thì dễ tạo những hậu quả khôn lường, đối với xã hội lẫn bản thân mình - nhất là người làm báo với nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, có vai trò thông tin để định hướng người đọc.
Tất nhiên, không thể phủ nhận rằng MXH đã thật sự trở thành một yếu tố rất quan trọng trong việc thu hút sự tương tác, lượt độc giả cũng như trở thành một nguồn tin quan trọng cho báo chí. Nhiều cơ quan báo chí (đặc biệt là báo điện tử) đã sử dụng MXH và trang fanpage để tăng cường tương tác giữa tòa soạn và bạn đọc, trở thành kênh quảng bá hữu hiệu cho báo chí. Đặc biệt trong việc quyên góp ủng hộ những hoàn cảnh cần cứu giúp thì MXH luôn là kênh mạnh mẽ nhất. 
Hội Nhà báo Việt Nam vừa xây dựng văn bản hướng dẫn cụ thể hóa 10 quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, trong đó có “Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia MXH và các phương tiện truyền thông khác”. Đây là việc cần thiết và phù hợp với thực tiễn hoạt động báo chí hiện nay. Và, từ buổi sinh hoạt chuyên đề này, tôi cho rằng, các Hội Nhà báo địa phương nói chung, Hội Nhà báo tỉnh nói riêng nên tổ chức thêm các buổi tọa đàm về nội dung này để có những ý kiến, hướng dẫn cụ thể cho nhà báo trong việc “sống chung” với MXH. Dùng MXH để tạo hiệu ứng, lan truyền những vấn đề tích cực thì nhà báo “sống chung với lũ” - sống cùng MXH, vẫn không hẳn là nguy hiểm.
Trong bối cảnh cả nước đang tập trung thực hiện Nghị quyết 29, Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng và chiến lược an ninh mạng quốc gia” thì nâng cao nhận thức của đội ngũ làm báo về MXH chính là việc làm hữu ích, thiết thực. Mỗi người làm nghề sẽ tự soi chính mình trong giữ gìn đạo đức nghề nghiệp và trong thực hiện sứ mệnh người đưa tin, định hướng dư luận xã hội.
Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.