Nghĩ về lợi thế cạnh tranh trong phát triển du lịch

Thứ Hai, 15/07/2019 | 17:01

Bạc Liêu đã xác định du lịch (DL) là một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội. Đó là một hoạch định chiến lược đòi hỏi không chỉ sự nỗ lực thực hiện mà còn là trọng trách đặt ra đối với ngành DL Bạc Liêu. 

Để DL trở thành trụ cột vững vàng cùng với 4 trụ cột còn lại đưa Bạc Liêu tăng tốc phát triển, ngành DL đã và đang có những bước đi dài và rộng. Trong việc phát huy tiềm năng, biến tiềm năng thành sản phẩm DL, thiết nghĩ cần phải nghĩ đến lợi thế cạnh tranh của địa phương trong mối tương quan với DL các tỉnh, thành bạn.
Trước hết phải nhìn nhận, Bạc Liêu sở hữu tiềm năng DL khá tương đồng so với một số tỉnh, thành phố trong khu vực. Đó là hệ thống sông ngòi chằng chịt, hệ sinh thái rừng ngập mặn, nhiều vườn chim, vườn cò có thể khai thác để phát triển thành các sản phẩm DL sinh thái… Nghĩa là nếu chỉ dựa vào những tiềm năng này thì du khách hoàn toàn có thể “bỏ chọn” Bạc Liêu mà dừng chân ở các tỉnh, thành gần hơn về khoảng cách địa lý.  

Cụm nhà Công tử Bạc Liêu - một trong những “thương hiệu” độc quyền của DL Bạc Liêu. Ảnh: C.T

Thế nhưng, một thực tế khác phải thừa nhận (qua thăm dò từ du khách, các doanh nghiệp lữ hành, nhà quản lý và chuyên gia về DL) là DL Bạc Liêu có nhiều lợi thế trong so sánh (hay lợi thế cạnh tranh) với các tỉnh, thành phố khác. Đó là những giá trị văn hóa, những di tích, sản phẩm DL sinh thái nếu được đầu tư chỉn chu thì hoàn toàn có thể khai thác, phát triển thành sản phẩm DL đặc biệt hấp dẫn! Nghĩa là, du khách phải chọn Bạc Liêu mới có thể tham quan, nhìn ngắm, thụ hưởng những sản phẩm DL chỉ nơi đây mới có.
Và đây là những thứ chỉ Bạc Liêu có: đó là các giá trị văn hóa - lịch sử từ bản “Dạ cổ hoài lang” (DCHL) và nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ được hình thành cả trăm năm qua. Những giá trị ấy du khách sẽ được tiếp cận ngay khi tham quan Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam có nhiều, nhưng “bảo tàng nghệ thuật” tôn vinh giá trị một loại hình di sản văn hóa phi vật thể thì đến thời điểm này chỉ có một! Du khách sẽ hiểu thêm về nguồn gốc và ý nghĩa đặc biệt của một bản nhạc lòng đã đi vào lòng bao thế hệ, cả trong nước lẫn nước ngoài; sẽ hiểu được đây là bài ca tiền thân của vọng cổ ngày nay, tìm về hành trình của sự kết tinh những giá trị nhân văn, nghệ thuật và lịch sử. Để tỏ tường vì sao Bạc Liêu là một trong những chiếc nôi quan trọng của nghệ thuật ĐCTT Nam bộ. Xu hướng DL của du khách hiện nay là tìm hiểu giá trị văn hóa của từng vùng miền. Đây là lợi thế cạnh tranh “mạnh” nếu Bạc Liêu tìm tòi những sản phẩm DL hấp dẫn hơn nữa từ khu lưu niệm đặc biệt này!
Còn nữa là các giá trị văn hóa - lịch sử gắn liền với giai thoại Công tử Bạc Liêu (CTBL). Cụm nhà CTBL vẫn luôn có sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách khi đến Bạc Liêu. Ngoài những thú chơi “ngông” nổi tiếng lục tỉnh Nam kỳ một thời, CTBL còn là hình ảnh để người ta liên tưởng đến sự hào sảng, phóng khoáng, thân thiện trong tính cách người Bạc Liêu. Một vị công tử đứng ở vị thế là “bá hộ”, đại điền chủ nhưng không hề ác ôn; mà ngược lại, đối đãi rất rộng lượng, hào hiệp với người dân nghèo và còn có nhiều đóng góp cho cách mạng sau này. Nhưng, khi đã ghé chân ở cụm nhà CTBL như hiện nay thì du khách cảm thấy chưa thỏa mãn. DL Bạc Liêu sẽ phất lên nếu cụm nhà CTBL làm DL chuyên nghiệp hơn nữa! 
Ngoài ra, Bạc Liêu còn có những tài nguyên DL văn hóa tâm linh có phạm vi ảnh hưởng lớn không chỉ đối với người Bạc Liêu, mà kể cả với du khách trong và ngoài nước. Đó là các khu, điểm đã và đang được đầu tư phát triển thành các sản phẩm DL hấp dẫn, thu hút khách DL như Khu Quán âm Phật đài (TP. Bạc Liêu), nhà thờ Tắc Sậy (TX. Giá Rai), chùa Hưng Thiện (huyện Vĩnh Lợi), chùa Giác Hoa (huyện Vĩnh Lợi), Tục thờ cá Ông gắn với lễ hội Nghinh Ông ở Gành Hào (huyện Đông Hải). Nhiều ngôi chùa lớn của đồng bào dân tộc Khmer (chùa Xiêm Cán, chùa Cù Lao…); các chùa, đình lưu giữ những nét đẹp kiến trúc, giá trị văn hóa độc đáo của người Hoa (chùa Bang, Phước Đức cổ miếu, chùa Ông, chùa Bà) cũng thu hút du khách khi đến Bạc Liêu tham quan, chiêm bái…
Bạc Liêu còn có nhiều tiềm năng có thể phát triển thành các sản phẩm DL sinh thái kết hợp nghiên cứu, khảo cổ như khu DL Giồng Nhãn Bạc Liêu (TP. bạc Liêu) với hàng trăm gốc nhãn trên 100 năm tuổi, cây xoài cổ hơn 300 năm tuổi. Di tích kiến trúc - nghệ thuật tháp cổ Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lợi) cũng là “thỏi nam châm” thu hút du khách yêu thích khảo cổ học bởi những dấu tích còn xót lại của nền văn hóa Óc-eo mà di tích lưu giữ.
Bạc Liêu còn những lợi thế cạnh tranh “hùng vĩ” khác! Đó là dáng vóc của một công trình mang dáng vẻ hiện đại như điện gió Bạc Liêu, là không gian kiến trúc Quảng trường Hùng Vương với những công trình đạt kỷ lục của Việt Nam như: Trung tâm Triển lãm VH-NT và Nhà hát Cao Văn Lầu (mô hình 3 nón lá lớn nhất Việt Nam), cây đờn kìm cách điệu (lớn nhất Việt Nam). Bạc Liêu lại đang xúc tiến một sản phẩm DL nông nghiệp đặc thù như đón đầu một trong những tầm ngắm lý tưởng trong xu hướng phát triển ngành DL Việt Nam. Đó là mô hình tham quan quy trình nuôi tôm công nghệ cao siêu thâm canh (khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, hướng tới trở thành thủ phủ tôm của cả nước) và tham quan quy trình nuôi tôm công nghệ cao siêu thâm canh kết hợp sản xuất các sản phẩm từ đông trùng hạ thảo (Công ty SX&TM Trúc Anh)…
Tiềm năng và lợi thế trong cạnh tranh DL giữa Bạc Liêu với các tỉnh, thành phố trong khu vực nói riêng và kể cả cả nước nói chung là những “mỏ vàng” quý, rất cần khâu khai thác để vàng đưa ra thị trường, mời gọi người ta mua và thưởng thức. DL Bạc Liêu là những “mỏ vàng” hấp dẫn cần được khai thác!
Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.