Nghi lễ cúng cuối năm của người Hoa ở Bạc Liêu

Thứ Sáu, 25/01/2019 | 17:14

Đối với cộng đồng người Hoa ở Bạc Liêu, một trong những nghi lễ cúng bái lớn nhất trong năm chính là lễ Tạ thần hay gọi là cúng cuối năm. Lễ Tạ thần được cộng đồng người Hoa rất xem trọng, vì không đơn thuần là tín ngưỡng dân gian, mà còn gắn chặt với văn hóa khai hoang lập làng, mở ấp của người Hoa.

Sở dĩ, lễ Tạ thần được tổ chức cúng khá hoành tráng (thậm chí nhiều nơi còn tổ chức hát tuồng) là vì người Hoa xem đây là dịp để tạ ơn các vị thần đã phò hộ cho gia đạo bình an cả một năm, việc kinh doanh mua bán thuận lợi và phát tài, phát lộc. Vì thế, lễ Tạ thần không chỉ được tổ chức ở các chùa, miếu, mà còn được các gia đình người Hoa cúng tại nhà.

Người dân dâng sớ cầu nguyện tại lễ Tạ thần ở Chùa Bà (phường 2, TP. Bạc Liêu). Ảnh: L.D

Do lễ Tạ thần được tổ chức vào tháng Chạp, với ý nghĩa tổng kết một năm và tạ ơn các vị thần đã bảo hộ, nên lễ vật cúng thường rất nhiều. Sau gần một năm lao động vất vả thì đây cũng là dịp để mọi người cùng ngồi lại với nhau chia sẻ niềm vui, nỗi buồn và những dự tính trong tương lai. Thường lễ Tạ thần của người Hoa tập trung theo từng khu vực gắn với nơi sinh sống của cộng đồng người Hoa và cả người Việt, người Khmer ở khu vực nơi đó.
Xuất phát từ ý nghĩa tạ ơn các vị thần đã phù hộ cho xóm làng, bổn phố một năm bình an, nên ai cũng phải có trách nhiệm đóng góp. Hộ nào có tiền thì góp tiền, còn không thì góp sức. Nghĩa là trước khi diễn ra lễ Tạ thần, Ban trị sự của chùa, miếu tại khu vực đó sẽ tổ chức quyên góp tiền và mọi người tùy theo lòng hảo tâm mà đóng góp. Số tiền quyên góp ấy được dán trên bảng công khai tại nơi thờ tự và dùng vào việc mua lễ vật cúng bái. Thường thì lễ Tạ thần không thể thiếu các lễ vật như: heo quay, trái cây, bánh củ cải, bánh bò, bánh tổ…
Khi tổ chức lễ Tạ thần, Ban trị sự tổ chức lễ và người dân ở khu vực đó cùng nhau thực hiện nghi thức tạ thần. Sau khi xong phần lễ, mọi người cùng chế biến các món ăn, người làm bánh, người thì xào mì, nấu lẩu… tạo nên một không gian văn hóa gắn kết cộng đồng với nhau. Đồ tế cũng được bày ra để cùng ăn và hưởng lộc, với hy vọng cuối năm mua bán thuận lợi và chuẩn bị đón tết Nguyên đán an khang, phát tài.
Lễ Tạ thần ngoài ý nghĩa đáp tạ thần ân đã phò một năm “mưa thuận, gió hòa, quốc thới, dân an”, còn có ý nghĩa gắn chặt với văn hóa khai hoang mở đất của cộng đồng người Hoa. Di dân xuôi về phương Nam lập nghiệp, mảnh đất với nhiều khó khăn, thách thức, khiến con người trở nên nhỏ bé trước thiên nhiên. Do vậy, để tạo cho mình niềm tin chiến thắng và chinh phục tự nhiên, con người cần đến các vị thần hun đúc thêm sức mạnh và trợ lực vượt qua khó khăn, có một cuộc sống bình yên ở vùng đất mới. Với quan niệm “có ân thì phải báo ân” nên việc tổ chức cúng cuối năm là một hình thức trả lễ và mong muốn tiếp tục được các vị thần phò hộ.
Xét ở góc độ khác, cộng đồng người Hoa ở Bạc Liêu xem trọng lễ Tạ thần, vì lễ để lại nhiều bài học giáo dục quý báu. Qua đây không đơn giản thể hiện sự biết ơn đối với các vị thần, mà còn muốn nhắn nhủ phải sống có trách nhiệm với những người đang sống. Đó là sự tri ân đối với ông bà, cha mẹ, anh em, người thân và cộng đồng của mình. Với những ý nghĩa tốt đẹp ấy, lễ Tạ thần của cộng đồng người Hoa cần được nghiên cứu và phát huy để góp phần vào phát triển du lịch của địa phương.
Lư Dũng

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.