Bút ký

Một trang đời mở ra

Thứ Sáu, 16/04/2021 | 15:15

(tiếp theo số báo 3452)

Tượng đài sự kiện Mậu Thân 1968. Ảnh: T.L

Đó cũng là thời kỳ chẳng những thu hút được ngoại lực mà nội lực cũng được huy động tối đa để nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế. Nguyên nhân là Bạc Liêu đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp, thủy sản theo hướng bền vững và hiệu quả. Chú trọng phát triển việc trồng lúa chất lượng cao (chiếm 91% diện tích trồng lúa trong toàn tỉnh), nhân rộng diện tích nuôi tôm sinh thái; nuôi tôm kết hợp với trồng lúa, nuôi tôm dưới tán rừng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, tăng công suất tàu thuyền để nâng cao năng lực khai thác, đánh bắt thủy sản của ngư dân… Vận động Nhân dân đóng góp xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân phát triển các hoạt động thương mại và dịch vụ du lịch, tích cực tham gia đóng góp các công trình an sinh xã hội của tỉnh…

Dễ dàng nhận thấy, từ năm 2010 trở đi nhịp đời của Bạc Liêu thật hối hả, cuộc sống đầy sinh khí, còn không gian thì được diễn tả bằng những sắc màu mới mẻ, nhiều người gọi Bạc Liêu thay đổi như “thay áo mới”. Đó là Nhà máy điện gió đầu tiên của thềm lục địa Việt Nam mọc lên với tổng vốn đầu tư là 5.217 tỷ đồng, công suất 99MW với 62 trụ tua-bin gió. Tổng sản lượng điện hòa vào lưới điện quốc gia hàng năm khoảng 321 triệu kW/h. Đây là dự án động lực lớn của Bạc Liêu, mở ra cho Bạc Liêu nhiều cơ hội, tăng nguồn thu ngân sách, tăng GDP, tăng tỷ trọng công nghiệp của một tỉnh thuần nông  và chính nó là tiền đề để đưa điện gió Bạc Liêu và Cà Mau, Sóc Trăng phát triển như hôm nay. Một điều cần phải nói thêm rằng chính cái quần thể không gian tua-bin gió mang tính kiêu hãnh và đầy chất lãng mạn ấy đã tạo nên điểm nhấn độc đáo, góp phần làm tăng mỹ cảm cho không gian Bạc Liêu, để lại dấu ấn cho du khách và góp phần tạo ra một điểm đến đầy hấp dẫn của Bạc Liêu trong bản đồ du lịch quốc gia.

Có thể nói, thời kỳ 2011 - 2014 là thời kỳ mà các công trình lớn mọc lên ở Bạc Liêu nhiều hơn những gì mà quá khứ để lại. Sau điện gió là bao nhiêu công trình hoành tráng khác ra đời. Những công trình ấy đã tô điểm cho không gian Bạc Liêu và thành phố Bạc Liêu ngày thêm xanh tươi, hiện đại mà cũng rất bản sắc văn hóa.

Người dân của TP. Bạc Liêu hôm nay có quyền tự hào rằng mình đang sống trong một không gian đô thị xanh - sạch - đẹp và văn minh, nhưng tôi tin rằng không nhiều người hiểu được đâu là nơi bắt đầu làm cho thành phố thay đổi nhanh chóng như vậy. Xin nói ngay rằng, sự thay đổi ấy được bắt đầu từ một văn bản chính trị, đó là Nghị quyết 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành vào giữa năm 2011. Nghị quyết này đặt ra yêu cầu là: Xây dựng TP. Bạc Liêu trở thành đô thị loại II, thành phố xanh - sạch - đẹp và văn minh.

Thật ra từ năm 2010 trở về trước, khi anh Võ Văn Dũng làm Bí thư TX. Bạc Liêu thì thị xã này đã có ý thức chỉnh trang nâng cấp theo hướng xanh - sạch - đẹp và đã được công nhận đô thị loại III vào năm 2007, trở thành thành phố loại III vào năm 2010.

Tuy nhiên, phải đợi đến Nghị quyết 01 của tỉnh ra đời thì TP. Bạc Liêu mới thật sự khoác lên mình một diện mạo mới, phát triển theo hướng vừa hiện đại vừa mang dấu ấn vùng đất mà nghị quyết này đặt ra yêu cầu: “Phát huy tối đa về đặc điểm lịch sử, tự nhiên và tính cách con người Bạc Liêu, để tạo nên bản sắc riêng trên một số lĩnh vực của thành phố so với các thành phố khác trong vùng và cả nước…”.

Dựa vào tự nhiên, lịch sử, văn hóa, bảo tồn cái cũ và phát huy cái mới theo hướng văn minh, hiện đại, đó là một yêu cầu “khó tính” trong tinh thần Nghị quyết 01 và sau 5 năm triển khai thực hiện, sự thay đổi đã tràn ngập trên TP. Bạc Liêu. Sự thay đổi mới mẻ không chỉ là những đường phố rộng lớn, thông thoáng rợp bóng cây xanh, đầy hoa thơm cỏ lạ, những tòa nhà mang hình mẫu của kiến trúc hiện đại mà ở đây còn là cái nét đẹp mang sự mới lạ chính là những công trình di tích lịch sử, văn hóa - nghệ thuật mang đậm dấu ấn đất và người Bạc Liêu như: Biểu tượng cây đờn kìm, Tượng đài sự kiện Mậu Thân 1968, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, Trung tâm Triển lãm văn hóa - nghệ thuật và Nhà hát Cao Văn Lầu, Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Quảng trường Hùng Vương…

Chính vì thế mà năm 2014, TP. Bạc Liêu được công nhận là thành phố loại II - về đích trước một năm so với mục tiêu đề ra.

Cùng với sự phát triển của TP. Bạc Liêu thì giai đoạn 2010 - 2014, các vùng, các lĩnh vực khác của tỉnh cũng được phát triển khá đồng bộ.

(còn nữa)

Nhà văn Phan Trung Nghĩa

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.