Bút ký

Một trang đời mở ra

Thứ Sáu, 22/01/2021 | 17:39

(tiếp theo số báo 3420)

Bộ đội tiếp quản Khu Quân vận Bạc Liêu. Ảnh: T.L

Mùa xuân 1975 về, chúng ta có hòa bình nhưng không lặng yên tiếng súng. Đất nước gieo neo mưa phùn gió táp của ta ở trong tình trạng vừa có hòa bình, vừa có chiến tranh.

Từ đó mà tỉnh Bạc Liêu cùng với các địa phương trong cả nước phải gồng mình gánh chịu. Chúng ta phải chia sẻ nguồn lực kinh tế đối phó chiến tranh biên giới với cả nước. Con em Bạc Liêu lại lên đường bảo vệ biên giới Tây Nam, làm nghĩa vụ quốc tế Campuchia và đánh trả cuộc xâm lược của Trung Quốc ở toàn tuyến biên giới phía Bắc, vào năm 1979. “Giặc ngoài” không chỉ gây chiến tranh, mà còn lâm họa kinh tế. Ngày 6/5/1975, Quốc hội Mỹ chi 507 triệu USD cho chương trình tài trợ 150.000 người Việt Nam tị nạn, rồi kích động vượt biên. Ngày 16/5/1975, Chính phủ Mỹ ra lệnh cấm vận để bao vây kinh tế Việt Nam.

Trong lúc đó, thì “thù trong” lại nổi lên. Những người thua cuộc cố níu kéo những hy vọng mong manh để khôi phục chế độ của họ đang là một thi thể bị phân hủy. Họ tổ chức vũ trang bạo loạn ở tuyến biển Bạc Liêu, ném lựu đạn vào UBND TX. Bạc Liêu và kho xăng trên quốc lộ, rồi bỏ thuốc độc vào thức ăn một đơn vị cách mạng; đốt, cướp nhà lồng chợ…

Vậy đó mà thiên tai đi liền với địch họa. Trong năm đầu giải phóng, miền Bắc liên tiếp mất mùa hai vụ lúa liền. Một số vùng lâm vào cảnh đói, phải ăn độn. Khu 5, Khu 6 và thành phố có 7 triệu người đang chờ lương thực từng ngày, từng giờ. Cả nước ngóng chờ vào vựa lúa của mình là Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có vai trò quan trọng của Bạc Liêu. Thế nhưng, vùng Đồng bằng sông Cửu Long mùa vụ lại thất bát. Năm 1977 - 1978, vùng Tiền Giang mất mùa liên tục vì lũ lụt nặng nề nhất trong 50 năm qua, làm cho hơn 300.000ha lúa bị mất trắng. Dân các tỉnh: Cửu Long, Bến Tre, Tiền Giang… phải chạy đói xuống Bạc Liêu 200.000 người, Bạc Liêu dang tay đùm bọc, tỉnh xuất gạo dự trữ cứu đói.

Ngày 1/1/1976, hai tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau hợp nhất lấy tên là tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu. Dân số lúc đó chưa đến 1 triệu người. Thủ phủ đặt tại Cà Mau. Sau đó chỉ hơn 2 tháng tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu lại dời về TX. Bạc Liêu và đổi tên là tỉnh Minh Hải và TX. Bạc Liêu cũng đổi thành TX. Minh Hải. Từ đây Bạc Liêu có một tư cách mới, một vai trò mới. Và cái vai trò ấy là gánh vác khó khăn cùng cả nước trong hoàn cảnh gieo neo.

Hồi đó tôi còn nhỏ, chưa nhận thức xã hội bao nhiêu, sau này mới biết Đảng bộ và chính quyền lúc mới giải phóng rất nhiều việc: Giải phóng quân ngụy, truy lùng tàn quân lẩn trốn và bọn phản động ngóc đầu nổi dậy phá hoại chính quyền mới; đi vào cải tạo xã hội xã hội chủ nghĩa với những đợt đổi tiền, đánh tư sản ở khu vực thành thị, còn ở nông thôn thì tịch thu ruộng đất địa chủ, lấy đất những người dư thừa để cấp lại cho nông dân nghèo….; nhưng cái bức xúc nhất lúc bấy giờ là đối phó với nạn đói. Trung ương luôn giao cho tỉnh Bạc Liêu - Cà Mau rồi tỉnh Minh Hải chỉ tiêu phải huy động từ 120.000 - 180.000 tấn lương thực hàng năm. Minh Hải cũng cần hơn chục ngàn tấn lúa gạo dự trữ để cứu đói cho dân nội tỉnh. Muốn đạt được những con số này là vô cùng khó khăn. Bối cảnh lúc bấy giờ là Mỹ cấm vận, phân bón, thuốc trừ sâu và các phương tiện kỹ thuật hiện đại để làm nông nghiệp không được nhập về. Chủ yếu chúng ta xài phương tiện kỹ thuật của phe xã hội chủ nghĩa, như máy cày Liên Xô…

Hồi đó nhiệm vụ trung tâm,  thường xuyên của Đảng bộ Cà Mau - Bạc Liêu rồi tỉnh Minh Hải là khai hoang phục hóa làm lúa hè thu, tăng vụ và làm công tác ba thu lương thực (thu thuế, thu nợ, thu mua). Cán bộ tỉnh, huyện, thậm chí các trường học… được huy động đi cơ sở để cùng dân đào kênh thủy lợi và làm công tác ba thu rất thường xuyên. Các cơ quan, ban ngành phải tự túc gạo ăn từ 2 - 3 tháng mỗi năm. Từ đó  cơ quan nào cũng cử người đi làm ruộng tự túc.

Một đất nước vừa trải qua binh biến của 9 năm kháng chiến chống Pháp và hơn 20 năm đánh Mỹ đã hoàn toàn kiệt sức giờ lại đối diện trước những khó khăn mới nên chúng ta vận động phát triển bằng một trạng thái suy kiệt. Dân tình lúc ấy quá khổ sở. Khổ nhất là dân ở vùng căn cứ, ruộng vườn bị bom cày đạn xới, hòa bình về, họ trở về quê cũ với khung cảnh tan hoang, mọi cái đều phải làm lại từ đầu. Vậy đó mà vẫn chưa khổ bằng những gia đình thương binh, liệt sĩ. Sức người, sức của của gia đình, họ đã tặng hết cho đất nước, cho cuộc chiến tranh giữ nền độc lập dân tộc, hòa bình về họ trở thành những gia đình neo đơn, một đời sống luôn thiếu thốn cơm áo là đời sống của họ.

Sau khi yên loạn ở Vĩnh Châu, cuối năm 1975, tôi được cho nghỉ phép về thăm gia đình. Đường từ Vĩnh Châu về Bạc Liêu (ngày nay gọi là Hương lộ 38) thời ấy là một con lộ nhỏ, được người Pháp cho làm và nó được trải đá tảng ở dưới còn bề mặt thì rải đá 4x6. Do chiến tranh liên miên, với những cuộc đắp mô phá lộ phục vụ chiến tranh nên con đường trở thành đầy “ổ voi”, “ổ gà”, rất khó đi. Hồi đó từ Vĩnh Châu về Bạc Liêu chủ yếu là đi xe đò. Đó là những phương tiện già cỗi, chạy rất chậm, chỉ chưa đầy 25 cây số mà phải mất đến 3 tiếng đồng hồ. Trên xe người ta nhét chật cứng người cả trong xe và trên mui xe. Tôi ngồi trên mui, hai tay nắm chặt thành xe và quan sát xung quanh để tránh những tàn cây de ra từ vệ đường. Lúc đó hai bên đường là những cánh đồng ngút ngàn nhưng lưa thưa đồng lúa. Đất hoang còn rất nhiều, lúc đó tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu có 500.000ha đất có khả năng làm nông nghiệp nhưng ta mới canh tác được hơn phân nửa một tí - 260.000ha. Vùng Vĩnh Châu hồi ấy sống dựa vào 50% nghề rẫy. Nông phẩm của vùng này như: nhãn, củ hành… đã nổi tiếng từ thời Pháp thuộc. Vùng rẫy Vĩnh Châu nối liền với vùng rẫy nổi tiếng của Bạc Liêu bằng những giồng cát ven biển. Lịch sử nông nghiệp và lịch sử khai phá vùng đất của Vĩnh Châu cũng gắn liền với Bạc Liêu. Tính từ khi Nhà nước tham gia mở đất thì Vĩnh Châu được khai khẩn lập ấp từ thời Đàng Cựu, trước khi người Pháp nắm quyền, người chỉ huy công cuộc khai làng lập ấp cho Vĩnh Châu là Đốc phủ sứ Cao Minh Thạnh, thân sinh của nhân sĩ yêu nước, Phó Chủ tịch Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Cao Triều Phát. Từ khi có chính quyền cai quản, Vĩnh Châu là đất do người Bạc Liêu khai khẩn và nó trực thuộc sự điều hành của Bạc Liêu, ngay cả thời Việt Nam Cộng hòa vẫn thế. Nhưng đối với chính quyền cách mạng thì từ khi Bạc Liêu nhập thành tỉnh Sóc Trăng thì Vĩnh Châu thuộc Sóc Trăng cho đến bây giờ.

(còn nữa)

Nhà văn Phan Trung Nghĩa

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.