Bút ký

Một trang đời mở ra

Thứ Tư, 20/01/2021 | 16:32

(tiếp theo số báo 3419)

Người dân thị xã xuống đường mừng giải phóng Bạc Liêu. Ảnh: T.L

Chiến tranh không chỉ gây đổ máu mà kéo theo nó nhiều hệ lụy khác. Chỉ kể về mặt tinh thần thôi đã thấy chiến tranh thật kinh khủng đến mức có khi ta không dám nghĩ về nó. Sau khi anh Ba tôi hy sinh, má tôi trở nên ngớ ngẩn, bà nhớ trước quên sau. Còn cô ruột của tôi, có 2 người con liệt sĩ, trong đó có anh Sáu Vinh, làm Xã đội trưởng xã Vĩnh Trạch, bị bắn chết, người ta cắt đầu anh rồi bêu đầu ở cầu Vĩnh Trạch 3 ngày, sau đó họ quẳng đi mất, tìm không được phải bó chiếu đem chôn anh với một thi thể không đầu. Đã mấy chục năm rồi, mỗi lần cúng cơm anh là cô tôi bị động kinh, người co giật, la hét trong vô thức. Cơn động kinh ấy kéo dài đến khi cô tôi qua đời. Năm đó tôi đi công tác ở Vàm Lẽo, ghé vào nhà một Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thấy bà quờ quạng tìm cây gậy, tôi hỏi người con gái út đang nuôi mẹ tên Nguyệt: “Mẹ không thấy đường hả chị?”. Chị Nguyệt kể: “Má tôi khóc riết rồi con mắt không thấy đường. Mà bây giờ bà lẫn lắm rồi. Chiều nào cũng lần vách ra sân, bắc ghế nhìn ra đồng cho tới tối mịt. Dẫn vào rồi má cũng lần vách đi ra. Hỏi ra sân ngồi làm gì thì má bảo “coi tụi nó về chưa?”. Mà cậu ơi, còn ai đâu nữa mà về, tôi có một người chồng và 3 anh trai đều hy sinh cả”.

Câu chuyện của chị Nguyệt băm dẫm trái tim tôi. Tôi sụp xuống trước mặt Mẹ mà nắm tay bà, rồi ứa nước mắt. Ôi chiến tranh đã đày đọa một bà mẹ của chúng ta đến nông nổi này. Tận trong lòng tôi bật ra một câu nói mà ngày xưa má tôi nói với chị Cưởng: “Con cũng không biết làm sao mà chia sẻ, bù đắp với Mẹ bây giờ, hỡi trời ơi là trời…”.

Đó, chiến tranh là như thế. Những người cảm thức đầy đủ được chiến tranh là những người khát khao, quý trọng hòa bình. Đối với họ, ngày 30/4/1975 - giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là một ngày đẹp đẽ và có ý nghĩa vô cùng.

Hồi đó, ngày giải phóng Bạc Liêu không có tiếng súng. Tôi thì mới 15 tuổi, tôi đi bộ ra chợ Bạc Liêu để hòa vào dòng người rất đông mà vui với niềm vui lớn của quê hương, dân tộc. Vui đến nỗi người ta không nhớ mình đã ăn cơm chưa. Nhưng sau đó 2 tháng thì xảy ra bạo loạn. Tôi còn nhớ như in, đó là rạng sáng 30/6/1975, cả doanh trại được báo động, ở tư thế chiến đấu vì có phản động nổi loạn. Thì ra một số phần tử trong người Khmer bị Khmer Đỏ kích động đã nổi lên cướp chính quyền. Chúng đã giết nhiều cán bộ xã Lạc Hòa, Lai Hòa… rồi cướp chính quyền ở đây.

Sáng 30/6/1975, xung quanh thị trấn Vĩnh Châu đã có tiếng súng bao vây. Lực lượng quân quản phản ứng quyết liệt. Tôi cùng mấy anh ở Hậu cần dùng xe đẩy mang đạn ra các chiến hào ngoại ô thị trấn trong tiếng súng nổ chát chúa trên đầu. Đến 2 ngày sau, lực lượng chủ lực là Tiểu đoàn Phú Lợi I của tỉnh mới xuống phá vỡ các tuyến bao vây của quân nổi loạn thì cuộc bạo loạn mới yên.

Hòa Bình chỉ có 2 tháng mà Bạc Liêu đã có tiếng súng. Thật ra, đây đó ở miền Nam được hoàn toàn giải phóng vẫn chưa lặng yên tiếng súng. Ngày 1/5/1975, chỉ sau một ngày hòa bình, bọn Pôn Pốt đã đưa quân xâm phạm biên giới Tây Nam của Tổ quốc chúng ta ở Hà Tiên. Ngày 4/5/1975 họ tiến hành đánh chiếm vào Phú Quốc. Ngày 7/5/1975 chúng đánh chiếm đảo Hòn Trọc và sau đó, ngày 8/5/1975 họ đánh chiếm đảo Thổ Chu và xâm phạm toàn tuyến biên giới của ta từ Hà Tiên tới Tây Ninh…, máu người Việt lại đổ. Có những xã đảo người Việt bị giết 4 - 5 trăm người. Còn biên giới Tây Nam như ở Ba Chúc… xảy ra cảnh giết người man rợ mà cả thế giới phải kinh sợ.

Từ đó chúng ta bước vào đời sống hòa bình sau mấy mươi năm chinh chiến, máu lệ.

4. HÒA BÌNH

Chúng ta bước vào thời kỳ hòa bình với một thực tế đầy bộn bề và vô cùng khó khăn.

Tháng 5/1975, ba tôi nắm tay dắt tôi đi xuống huyện Vĩnh Châu, thuộc tỉnh Sóc Trăng để gửi tôi cho anh Tám Dử, anh cô cậu ruột của tôi đang làm Phó Chủ nhiệm Hậu cần Huyện đội, để tôi thoát ly làm cách mạng. Mà theo nguyện ước của ba tôi, ông nói với mọi người: “Cho nó đi làm ông này bà nọ với người ta, chứ làm nông dân như tôi cả đời cực khổ”.

Sau giải phóng, chính quyền cách mạng có yêu cầu phát triển lực lượng để đảm đương nhiệm vụ quản lý đặt ra ngày càng lớn. Còn nông dân ta, đặc biệt là những gia đình có truyền thống cách mạng thì đưa con em tham gia chính quyền để phát huy truyền thống. Lực lượng sau giải phóng bị người ta gọi một cách chế giễu là “cách mạng ba mươi”.

Tôi ở cơ quan Hậu cần, được giao quản lý kho súng, suốt ngày lau chùi súng đạn. Tập ăn cơm bằng đũa hai đầu để giữ vệ sinh. Đó là những bữa cơm bắt đầu khó khăn của thời hòa bình.

(còn nữa)

Nhà văn Phan Trung Nghĩa

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.