Một góc nhìn về nhạc trẻ hiện nay

Thứ Tư, 03/07/2019 | 16:57

“Âm nhạc khơi lửa trong tim người đàn ông và dâng lệ lên mắt người phụ nữ”, thiên tài âm nhạc người Đức - Beethoven đã tuyên bố như thế! Một bản nhạc hay có khả năng chạm đến đáy tim người thưởng thức. Âm nhạc có khả năng tác động sâu vào cảm xúc, dưỡng nuôi, tắm tưới tâm hồn con người bằng những tinh hoa nghệ thuật ấp ủ trong ấy.
Nhạc trẻ hiện nay có một vài ca khúc quá “trẻ”, gây sốc và thậm chí gây bức xúc! Nhưng ngược lại, cũng có những bài có khả năng “khơi lửa trong tim và dâng lệ lên mắt” người nghe như cách nhìn về âm nhạc của Beethoven! Cho nên cần lắm một góc nhìn đa chiều để nhận diện về nhạc trẻ. Ở phạm vi bài viết này, tôi muốn đề cập đến nhạc trẻ là những bài hát được sáng tác gần đây, đã và đang “làm mưa làm gió” trên thị trường âm nhạc khá phong phú ở Việt Nam, và trên các trang mạng, vì giới trẻ hiện nay thưởng thức các ca khúc qua kênh mạng xã hội là chủ yếu! 
Ca từ, tựa đề gây “sốc”
Chỉ là nhắc lại, vì trào lưu này hiện đã tạm thời lắng xuống. Nhưng, “lắng xuống” không có nghĩa là không còn! Thỉnh thoảng, chúng ta vẫn “bị” nghe những ca khúc với ngôn từ “gây sốc” (trong một không gian công cộng, quán cà phê chẳng hạn). Nội tựa bài thôi đã “gây sốc toàn tập”: “Như lời đồn”, “Như cái lò”, “Thu dẩm”, “Nắng cực”… Lại còn có chuyện: sáng tác ca khúc, hát ca khúc xong thì có ca sĩ nọ “cấm” người nghe “nói láy tựa bài hát” (sự “cấm” ở đây như gây chú ý thêm?!). Và, không bàn phần nhạc, chỉ mới nghe phần lời của “Nắng cực” thì đã thấy phản cảm: “Nắng cực, nắng cực… Sao oi quá đi/ Chỉ muốn ở nhà lột sạch à/ Thương mấy em da trắng, ra đường lúc này chỉ một từ là cay đắng, bịt mặt như ninja, kín mít giống bà già, chỉ cần hở chút là về nhà mặt trông như ma…”. Riêng ca từ trong “Thu dẩm” thì không thể (không dám) trích dẫn vào đây, vì cái “trình độ” phản cảm mà bài hát phô bày ra! 
Người viết bài này không nhiều kiến thức chuyên môn, cũng không đủ thẩm quyền để bình phẩm hay đả phá những ca khúc mang tựa đề lẫn nội dung gây sốc ấy! Nhưng, nghe và ngẫm thì thấy xót xa cho “môi trường âm nhạc” của chúng ta hiện nay! Khi mạng xã hội là nơi phát tán thông tin, hình ảnh, các clip giải trí (trong đó có âm nhạc) tràn lan, thì người viết nhạc, người trình bày, và người thưởng thức âm nhạc đều có quyền tự do trong sáng tác lẫn thưởng thức những gì mình muốn. Chỉ cần một thao tác nhấp chuột thì bất cứ bài nhạc nào cũng xuất hiện ngay lập tức. Điều đó cũng gây khó cho những nhà quản lý chuyên môn trong việc kiểm soát giá trị chân - thiện - mỹ của những sản phẩm văn hóa - nghệ thuật nói chung, các ca khúc nhạc trẻ nói riêng. Làm sao để giới trẻ biết chọn lọc nhạc “sạch”, những tác phẩm có giá trị nuôi dưỡng tâm hồn, xem ra là chuyện của chính người thưởng thức âm nhạc.


Khi nhạc trẻ “chín chắn”
Nếu khư khư định kiến nhạc trẻ thường là nhạc “mì ăn liền”, thiếu chiều sâu thì đó là một nhận định không chuẩn xác!
Ca khúc “If” (Nếu) của Vũ Cát Tường không hề thiếu chiều sâu! Ca khúc tạo làn sóng trên mạng một thời gian dài, và sau đó “bùng nổ” trên sân khấu Giọng hát Việt bởi giọng ca của Lâm Bảo Ngọc. Giai điệu miên man, lời ca thâm thúy, sự hòa quyện ấy khiến cho bài hát chạm được vào trái tim khán giả (ít nhất là với người từng không thích nhạc trẻ như tôi). Minh chứng khách quan hơn, bạn thử gõ từ khóa “If Vũ Cát Tường”, sẽ nhận được 622.000 kết quả trong vòng 0,31 giây! Tôi nghe nhiều lần vẫn không thấy vơi đam mê ở một bài nhạc nhẹ mà lôi cuốn với những giai điệu, ca từ đẹp! “Em, lòng anh rất biết, người ôm muộn phiền, để đổi lấy anh - phút giây bình yên, If I were a sin (dịch nghĩa: nếu anh là một điều tội lỗi), liệu em còn muốn yêu anh, liệu em còn muốn bên anh, liệu em còn muốn theo anh băng qua bao đại dương?”. Là lời trần tình của chính tác giả gửi gắm trong ca khúc, nhưng lại chạm đến nhiều người vì đó là cảm xúc đẹp trong một mối chân tình. 
Thưởng thức “Vô cùng” (hay “Vì anh thương em”), một sáng tác khác của Võ Hoài Phúc, thơ Huỳnh Tuấn Anh, tôi ấn tượng hình ảnh “vì anh thương em như thương cây bàng non”, tại sao lại là cây bàng non? Đi tìm xuất xứ mới hay rằng: ca khúc sáng tác cho mối tình của những người sống ở hai bến bờ: đất liền và hải đảo xa xôi. Nếu ai đã từng ra đảo Trường Sa thì chắc biết “cây bàng non” (cây bàng vuông) là biểu tượng của Trường Sa, cây chống lại nắng gió và bão giông mà lớn lên giữa đảo. “Cây bàng non”, “hạt mưa non dại” ngụ ý cho mối tình chớm nở giữa hai người: “Vì anh thương em như thương cây bàng non, cây nhớ ai làm sao nói được, vì anh thương em như thương hạt mưa non dại, vỡ rồi mà có được đâu, anh thương em sẽ không cần trước sau, vì anh đã đặt mình ở hướng vô cùng”. Một mối tình trong xa cách chẳng biết sẽ đến được với nhau không, nhưng tình cảm dành cho nhau là vô cùng, cái cảm giác vô cùng như sự mênh mông của biển, vô cùng dẫu là cách xa nhau bởi trăm ngàn con sóng…
“Yêu như lần yêu cuối”, “Tận cùng nỗi nhớ”, “Chạm đáy nỗi đau”… cũng là những ca  khúc nằm trong top nhạc trẻ hay nhất hiện nay. Nhạc trẻ khi “chín chắn” cũng là những ca khúc đi vào lòng người một cách dịu dàng mà sâu lắng! 
Nhìn nhạc trẻ ở nhiều góc độ mới thấy rằng thời buổi nào cũng có những tác phẩm âm nhạc có giá trị thanh lọc tâm hồn, hướng con người đến chân - thiện - mỹ bằng những cảm xúc, giai điệu, ca từ đẹp, có chọn lọc bởi quá trình lao động sáng tạo bằng trái tim người nghệ sĩ chân chính. Bằng ngược lại, những ca khúc phô, dung tục sẽ tự đào thải nhanh chóng, như chính sự cẩu thả, chóng vánh của “người cha đẻ” ra các thể loại ấy!
CẨM THÚY

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.