Mẹ Việt Nam anh hùng: Tượng đài vĩ đại bất khuất

Thứ Sáu, 26/07/2019 | 16:52

Tưởng nhớ về Mẹ Việt Nam anh hùng là hình dung ngay đến những tượng đài bất khuất hiện diện khắp nơi trên đất nước Việt Nam! Đó là những tượng đồng, bia đá được trịnh trọng đặt trên từng mảnh đất quê hương. Là những tượng đài ngời sáng trong từng bài thơ, khúc hát ngợi ca các Mẹ, và những tượng đài vĩ đại trong lòng tôn kính của toàn dân tộc dành cho các Mẹ Việt Nam anh hùng!

Trong những ngày tháng 7 - tháng tri ân những gia đình thương binh - liệt sĩ, khi tỉnh đang biên soạn một công trình quan trọng, đầy ý nghĩa, chúng tôi một lần nữa hình dung rất rõ những tượng đài ấy trong từng trang sách. Đó là sách “Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Bạc Liêu” tập 2.
Trước hết, xin nói rõ, đây không phải là bài giới thiệu tập sách mang ý nghĩa đặc biệt này! Chỉ là, nhân những ngày tri ân sự hy sinh, mất mát, mà ngồi biên soạn từng trang viết về các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thì không thể không viết! Đọc những dòng tư liệu, chúng tôi tưởng như đang chạm vào nỗi đau của các Mẹ Việt Nam anh hùng…
Thực hiện Pháp lệnh số 05 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị định số 56, ngày 22/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, tính đến hết tháng 6/2019, toàn tỉnh Bạc Liêu có thêm 1.493 Mẹ vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng, phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, nâng tổng số Bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn tỉnh hiện nay là 2.075 Mẹ.

Đoàn cán bộ, phóng viên Báo Bạc Liêu viếng Tượng đài Bà Mẹ Việt Nam anh hùng ở tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Nguyễn Quốc

Mỗi Mẹ Việt Nam anh hùng là một cảnh đời riêng. Nhưng, đọc từng cảnh đời của các Mẹ trong quyển sách này, chúng tôi ngộ ra rằng, có rất nhiều điểm chung! Các Mẹ thường xuất thân từ gia đình nông dân nghèo, phải sớm lao động nhọc nhằn vì cảnh nhà đông anh chị em. Rồi khi lập gia đình, các Mẹ lại gánh tiếp quang gánh gia đình riêng tư của mình, thường vẫn lặp lại cái cảnh nhà nghèo, đông con. Các Mẹ trực tiếp tham gia nuôi quân kháng chiến, đào hầm bí mật trong nhà mình để chở che cán bộ cách mạng. Mẹ cật lực nuôi con, dạy con biết yêu quê hương đất nước, hiên ngang cầm súng, tiếp bước cha anh đi đánh giặc. Thế nên, con của các Mẹ khi mười mấy tuổi đầu đã biết theo cha, chú, anh mình tham gia kháng chiến. Rồi các Mẹ thấp thỏm chờ, mà chỉ lần lượt nhận tin báo tử của những đứa con thân yêu! 
Dẫu nỗi đau là giống nhau, nhưng có những mất mát thật sự làm chúng tôi nghẹn ngào. Mẹ Phạm Thị Mười (xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi) mù cả đôi mắt vì khóc con! Mẹ chỉ có 2 người con trai, “chúng lớn nhỏ cách nhau 3 tuổi rồi lần lượt hy sinh cũng cách nhau 3 năm”, hồi còn sống Mẹ thường lặp đi lặp lại câu nói này bằng giọng nấc nghẹn. Đôi tay run run lần vịn bước từng bước đi là hình ảnh của người Mẹ không còn nhìn thấy ánh sáng “vì khóc những đứa con lần lượt ra đi, đi mãi mãi” như thế... 
Vâng, đó là những “vết thương lòng, Mẹ vẫn còn nặng mang” cho đến ngày nằm yên trong lòng đất. Mẹ Nguyễn Thị Hai (xã Điền Hải, huyện Đông Hải) sinh độc nhất mỗi đứa con trai. Tình yêu thương dành cho người con duy nhất dẫu như biển rộng sông dài vẫn không lớn bằng tiếng gọi của quê hương khi giặc đang giày xéo. Vợ chồng Mẹ đều tham gia công tác tại địa phương, chỉ có người con duy nhất nhưng vừa đến tuổi trưởng thành, Mẹ đã động viên con tham gia cách mạng. Rồi anh hy sinh tại ấp Thới Điền, xã Long Điền Tây, huyện Giá Rai khi đánh trận với Tiểu đoàn Bảo An ngụy. Anh là liệt sĩ Lê Văn Ngoan. Tin báo tử của con khiến Mẹ đau xót đến tột cùng. Nhưng rồi Mẹ tự an ủi lòng mình rằng con trai của Mẹ đã noi theo dòng máu anh hùng của bao lớp cha anh đổ máu xương cho đất nước. 
Có những Mẹ Việt Nam anh hùng lần lượt đón tin báo tử của người thân mà không được khóc, phải cố nén để tránh tai mắt kẻ thù! Đó là trường hợp của mẹ Đỗ Thị Hai ở xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi. Chưa tròn một năm, Mẹ phải chịu nỗi đau mất chồng rồi đến mất con. Chồng mất nhưng bọn lính trên đồn cứ theo dõi, Mẹ đâu thể đi tìm thi thể chồng, mà cũng không dám khóc. Mẹ nhổ mạ để lên bàn thờ rồi lén đốt nhang cho chồng... Gần một năm sau, Mẹ tiếp tục nhận tin người con thứ hai hy sinh. Lần đó, Mẹ cũng không được khóc vì sự an nguy của những người con còn lại.…
Mẹ Việt Nam anh hùng còn một điểm chung nữa, đó là nhiều Mẹ sống rất thọ! Nỗi đau thương có thể cấu xé trái tim người mẹ khi đứt lìa núm ruột, nhưng không quật ngã những Mẹ Việt Nam anh hùng! Đó chính là ý chí sắt đá! Sắt đá mới có chuyện người con này hy sinh vẫn tiếp tục đưa người con sau đi đánh giặc, rồi lại hy sinh…! Hay là, các Mẹ gượng sống để chờ mong như lời ca khúc “Người mẹ của tôi” đã khắc họa: “mẹ đang cô đơn, chúng con yêu Mẹ hơn mỗi chiều nghiêng nghiêng bóng, ghi khắc trong lòng, hình dáng Mẹ ngồi trông”. Chờ trông sự trở về của những người con hy sinh đã hóa thành bất tử!
Thành quả cách mạng to lớn mà Đảng bộ và nhân dân Bạc Liêu có được như ngày hôm nay có công lao đóng góp rất lớn của những Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Các Mẹ đã sinh ra những người con anh hùng góp phần viết nên trang sử truyền thống cách mạng tỉnh Bạc Liêu vẻ vang, sáng ngời. Hơn 2.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên đất Bạc Liêu và hơn 127.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên đất nước Việt Nam đã khắc nên một tượng đài cao cả, bất khuất về Mẹ như lời ca: “mây khói tan rồi, còn lại Mẹ tôi”.
CẨM THÚY

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.