Ký ức một thời

Lốc cốc... lồng đèn xe lon sữa bò

Thứ Sáu, 25/09/2020 | 18:06

Cách đây hơn tuần, nhà báo Đăng Khôi (công tác ở Báo Cần Thơ) đăng lên Facebook cá nhân dòng trạng thái khiến tôi chạnh nhớ những mùa Trung thu thời thơ bé. Mấy hôm nữa thôi, đêm Trung thu sẽ rắc ánh trăng vằng vặc lên khắp nhân gian, tết đoàn viên của mọi nhà lại đầm ấm bên mâm cúng với trà, hoa, bánh Trung thu, bánh in, bánh pía… Mấy đứa trẻ con lại cầm chiếc lồng đèn kêu “tò te tí” đi khắp xóm vui đêm hội trăng Rằm.

Lồng đèn được làm từ lon sữa. Ảnh: Internet

“Tuổi thơ của bạn là gì? Tuổi thơ của tôi là lồng đèn bằng lon sữa bò kêu róc rách giữa đường quê đêm trăng sáng. Là mấy đứa nhỏ đụng lồng đèn kinh kinh coi đèn đứa nào hư trước… Tuổi thơ bạn bây giờ là gì? Tuổi thơ tôi bây giờ vẫn vẹn nguyên tuổi thơ ngày cũ. Duy có điều, cậu bé ấy giờ đã là chàng trai “càng nhìn càng đắm, càng ngắm càng say”… Vừa đọc được dòng trạng thái trên, tôi nhảy vô bình luận như một phản xạ tự nhiên: “Bán chế một xe. Nhiêu chế cũng mua. Cho con chế chơi và cho chế một vé đi “dìa” tuổi thơ”.

Cái thằng, không đăng thì thôi, đăng Facebook là hay tếu lâm kiểu thế, dám phong cho mình là chàng trai “càng nhìn càng đắm, càng ngắm càng say”! Khôi là đàn em về tuổi tác, nên tôi mạn phép gọi bằng “thằng” cho thân mật. Khôi còn nợ tôi một chầu lai rai với mồi… cua gạch son. Đó là lần tôi về Hồng Dân viết gương nông dân sản xuất giỏi, lại gặp ngay nhà ba của Khôi. Hay tin bà chị ghé nhà, Khôi lúc đó đang ở Cần Thơ điện về bảo: “Chừng nào em về quê sẽ rủ chị xuống nhậu cua gạch son…”.

Dông dài một chút, giờ trở lại chủ đề. Chiếc xe lồng đèn lon sữa bò mà Khôi đề cập kèm với hình ảnh đích thân chàng thanh niên “càng ngắm càng say” ấy đẩy đi khắp sân, ánh nến chớp sáng theo từng vòng quay đã đánh thức tuổi thơ của tôi cách đây hơn 30 năm. Nếu ai cùng sống đương thời ở cái khoảng ấy sẽ biết lồng đèn lon sữa bò và lồng đèn giấy kiếng - là thứ không thể thiếu trong mùa Trung thu.

Trước hết xin nói về chiếc xe lồng đèn lon sữa bò. Có lẽ, vì thời ấy, con nít đa số là con nhà nghèo cho nên có gì đâu để chơi ngoài những thứ đồ chơi tự chế. “Cái khó ló cái khôn” nên cái hộp thuốc hút cũng biến thành cái bộ “điện đàm” khi gắn sợi chỉ dài vào hai cái hộp rồi kéo đi xa mà “gọi điện” cho nhau. Cục đất sét thì nắn cái nồi để chơi trò “nu na nu nống, đánh trống phất cờ” hoặc cái khuôn bánh khọt của tụi con gái chơi nhà chòi. Lon sữa bò uống hết sữa thì để dành cái lon, chờ khi mẹ lột da ếch thì lấy miếng da bịch vào lon làm cái trống. Lon sữa bò đặc biệt là vật liệu quý giá để chế lồng đèn chơi trong mùa Trung thu. Phải có ít nhất hai cái lon, một cái thì xỏ vào sợi dây chì (loại dây chì to) để làm bánh xe, cái kia thì mắc phía trên của sợi dây chì (được bẻ rẽ nhánh để hai cái lon chồng xéo lên nhau). Nếu nhà đứa nào có lon nhiều thì cứ chồng lên phía trên thêm một hoặc hai chiếc lon nữa. Đèn cầy được gắn trong lon để khi đẩy đi chơi, vừa tạo âm thanh vui tai, vừa có ánh sáng tỏa ra. Có đứa còn kỳ công đục cái lon thành những đường thẳng hình ngôi sao năm cánh rồi ép cho nó bung ra để ánh sáng tỏa trông đẹp hơn.

Chiếc xe lon cứ thế được đẩy  khắp đầu trên xóm dưới. Đèn cầy tụi nhóc bỏ vào cái bọc đem theo, đốt hết cây này lại châm cây mới, hoặc dùng để mồi khi có chiếc tắt lửa. Khi mồi phải khéo léo không thôi sẽ bị bỏng tay. Đó là trò của tụi con trai, tất nhiên có mấy đứa con gái (như tôi) cũng chơi cả xe lon nếu thích, đâu ai cấm con gái chơi xe lon.

Riêng lồng đèn giấy kiếng giờ vẫn còn tồn tại cùng sự lấn lướt của các loại lồng đèn hiện đại được thiết kế đủ hình dạng, từ búp bê đến Tôn Ngộ Không, rồi 12 con giáp, siêu nhân… Lồng đèn giấy kiếng của thời trước thường do nhà làm. Cha mẹ mua giấy kiếng ở chợ về rồi tập trung đàn con lại cùng làm, rất là vui. Trong xóm tôi hồi đó có một bụi tre, cứ tới Trung thu là người ta đến đó chặt đem về làm lồng đèn. Chúng tôi thường làm lồng đèn ngôi sao, vì đó là loại dễ làm nhất. Giấy kiếng đủ màu sắc, tre thì có sẵn, có đứa còn đầu tư mua thêm bông gòn, kim tuyến, cọ vẽ… để tô điểm cho chiếc lồng đèn của mình thêm… đỏm dáng.

Đêm Trung thu, tiếng xe lon lốc cốc khắp xóm, từng chiếc lồng đèn đủ sắc màu được tụi nhóc đem ra cùng chơi. Chơi sắp hết đêm Rằm thì cùng nhau “chọi lồng đèn”, như lời kể của Khôi, cứ đụng kinh kinh vào nhau coi cái nào… cháy trước. Công sức làm cực khổ là vậy nhưng tới hồi chọi lồng đèn thì không đứa nào tiếc, vì dù sao cũng đã chơi nguyên đêm rồi. Chiếc nào cháy thì chúng nó phá nhau lên cười, rồi lại chọi để cháy chiếc tiếp theo. Không ai có ý định… chừa cho Trung thu năm sau nên chơi tới bến là vậy.

Lồng đèn lon sữa bò, lồng đèn giấy kiếng tự làm bây giờ hiếm gặp trên các ngõ vắng của từng xóm nhỏ. Lồng đèn bằng pin chơi được tới mấy mùa Trung thu nhưng nó không vui như cảnh chọi lồng đèn của chúng tôi ngày trước. Cảnh cầm ngọn lửa trên chiếc đèn cầy này truyền lửa cho chiếc đèn cầy kia nó thân thương làm sao, nó gắn kết tuổi thơ hồn nhiên của một thế hệ đã qua. Lồng đèn giấy kiếng và xe lon vẫn còn sáng lung linh và vang tiếng lốc cốc trong ký ức của nhiều người, đâu chỉ riêng tôi…

CẨM THÚY

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.