Kỷ niệm khó quên với nghề báo phát thanh

Thứ Hai, 17/06/2019 | 16:59

Hồi tỉnh chưa có đài truyền hình thì sóng phát thanh là “món ăn tinh thần” thiết yếu của người dân, nhất là nông dân. Đây là kênh tuyên truyền, giáo dục, giải trí… tác động nhanh, mạnh và hiệu quả thời điểm sau giải phóng. Cho đến khi truyền hình “nở rộ”, một số người không còn mặn mà với phát thanh, đây cũng là điều tất yếu bởi nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần, giải trí của người dân ngày cao và bước đầu truyền hình đã đáp ứng. Việc này đôi khi cũng gây khó khăn cho những người làm phát thanh và tôi đã có một kỷ niệm khó quên vào thời điểm “truyền hình dậy sóng”.

Ảnh minh họa: B.T

Năm đó, tôi và một đồng nghiệp nắm được thông tin về một hợp tác xã (HTX) nông nghiệp ứng dụng mô hình sản xuất đa canh rất hiệu quả, nông dân tự giác xin vô HTX nườm nượp, đây là hiện tượng chưa từng xảy ra vì trước kia người ta được đưa vào HTX nhưng làm ăn không hiệu quả, cuộc sống đầy khó khăn. Tôi cùng đồng nghiệp khăn gói lên đường bằng chuyến tàu đò mất trọn một ngày, sáng hôm sau vào đăng ký làm việc với Ban Chủ nhiệm HTX và được chấp thuận. Khi chuẩn bị phỏng vấn thì anh Chủ nhiệm HTX sửa lại quần áo, vuốt tóc, xê dịch bình hoa, mặt tươi tắn hẳn lên. Thấy hài lòng về sự chuẩn bị của mình, anh ấy ngồi xuống nhưng cứ lóng ngóng như chờ đợi ai đó. Tôi hỏi nhỏ: “Dạ, hình như anh còn đợi ai phải không?”. Anh ta nhìn tôi không trả lời mà hỏi ngược lại: “Sao không thấy quay phim?”. “Dạ, tụi em bên đài phát thanh nên không có quay phim. Em có liên hệ trước với đơn vị anh rồi mà!”, tôi nói. Gương mặt anh ta thay đổi như căn phòng vừa cúp điện và chúng tôi cũng bị “mất lửa” theo. “Sao anh?”, tôi hỏi. Anh trả lời cộc lốc: “Không có quay phim thì tôi gửi mấy cái báo cáo là được rồi”. Tôi cố gắng giải thích: “Nhưng cũng cần tiếng nói của anh chứ! Trong báo cáo đâu thể hiện hết những gì chúng em cần”. Sau đó anh ta cũng trả lời những câu hỏi chúng tôi đặt ra nhưng rất chiếu lệ, nhát gừng và giọng không truyền cảm. Tất nhiên chúng tôi cũng có được sản phẩm (tiếng động, âm thanh) để phát sóng do chịu khó tìm đến những xã viên, bà con chia sẻ rất nhiệt tình, vô tư, họ nói vì niềm hân hoan khi cuộc sống của họ đã được khởi sắc chứ không "quan trọng hóa" vấn đề để được lên đài nên nghe rất cảm xúc!
Ngày tháng chúng tôi tác nghiệp sau đó vẫn không ít lần gặp phải nhân vật giống anh Chủ nhiệm HTX “mê” ống kính truyền hình ấy.
 Rồi cơn bão Linda ập đến vào tháng 11/1997, lần đầu tiên người dân xứ tôi biết sợ trước cuồng phong. Đêm kinh hoàng ấy đã cướp đi mạng sống của hàng trăm ngư dân miền biển vốn xa lạ với bão tố vì theo số liệu các người cao tuổi kể lại thì bão đã xảy ra ở tỉnh Bạc Liêu - Cà Mau cách đây cả trăm năm và chưa lần nào lặp lại nên bà con rất chủ quan, vì vậy mà khi bão đến đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của đa số bà con. Trong cái đêm khủng khiếp đó, điện mất toàn bộ, đài truyền hình mất sóng vì ăng-ten bị sập, điện thoại không liên lạc được, chỉ duy nhất có sóng phát thanh. Suốt đêm, anh em chúng tôi thay phiên nhau trực để hướng dẫn bà con tránh bão, đọc liên tục những bản tin diễn biến của bão, cường độ, tọa độ, trấn an bà con bằng các tin tức của phóng viên tại hiện trường được đưa về qua kênh liên lạc đặc biệt từ UBND tỉnh và Ủy ban Phòng chống bão lụt. Đâu chỉ một đêm mà cả tuần lễ, sóng phát thanh duy trì 24/24. Khi khắc phục được sự cố các trụ ăng-ten trong tỉnh thì áp lực của chúng tôi mới giảm xuống vì mọi thứ đã trở lại bình thường.
 Bão đi qua, chúng tôi trở lại địa phương bị tổn thất nặng nề nhất của tỉnh và cũng là nơi hai đứa phóng viên tác nghiệp ở HTX nông nghiệp năm trước, bà con kể lại sự hãi hùng của mình trong cơn bão và cứ nhắc đi nhắc lại câu: “Lúc đó chỉ có cái la-vô (cách gọi của người dân về cái radio) hoạt động hà! Mất liên lạc toàn bộ luôn!”.
Mừng cho những bà con may mắn thoát nạn và thương lắm những gia đình bị mất mát trong cơn bão dữ. Qua đó chúng tôi cảm thấy tự hào vì sự nỗ lực của những người làm báo phát thanh, trong cơn hoạn nạn đã giúp bà con nghe được những thông tin chính thống, biết được những diễn biến thời tiết lúc ngoài trời mịt mùng mây đen và gió rít, an tâm khi đài đưa tin xã A., huyện B. không bị thiệt hại, yên lòng khi người thân của mình nơi đó được bình an… 
Nhiều năm làm báo phát thanh - truyền hình tôi nghiệm ra làn sóng phát thanh thật sự hữu ích khi không có truyền hình trong cơn bão năm xưa.
Thật ra, mỗi loại hình đều có những hữu ích riêng, nó không thể thay thế tuyệt đối cho nhau, vì vậy so sánh theo cảm tính của mình, sẽ khập khiễng vì sự “cân đong” chủ quan, bởi nhu cầu của công chúng ngày càng đa dạng và lịch sử đã chứng minh điều đó!
Bút Ngọc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.