Hứa hẹn mô hình vườn sinh thái mới

Thứ Sáu, 15/05/2020 | 18:11

Bạc Liêu được biết đến như một “điểm hẹn văn hóa” trong bản đồ du lịch vùng ĐBSCL. Bên cạnh đó, nơi đây cũng có tiềm năng để phát huy mô hình du lịch sinh thái. Gần đây, vườn nho ở hai huyện Hồng Dân và Phước Long đang tạo “cơn sốt” hứa hẹn có thể khai thác phát triển du lịch sinh thái mới trên địa bàn.

Vợ chồng anh Cần và chị Lẹ chăm sóc vườn nho. Ảnh: N.V

Vùng Bắc Quốc lộ 1A được thiên nhiên ưu ái cho dòng nước ngọt để sản xuất lúa và vun trồng những vườn cây trái sum suê. Tuy ở nhiều nơi trên địa bàn huyện Hồng Dân và huyện Phước Long bị nhiễm phèn mặn, nhưng một số hộ dân ở đây đã tìm tòi học hỏi, nghiên cứu và dày công lai tạo nên giống nho chịu được phèn mặn.

Du lịch sinh thái vườn là mô hình  không mới, nhưng hai vườn nho ở Hồng Dân và Phước Long là mô hình hoàn toàn mới ở Bạc Liêu và đang là tâm điểm chú ý của du khách gần xa. Những tấm hình check-in của bạn trẻ đến tham quan vườn trồng nho trên giàn của vợ chồng anh Phan Thanh Cần và chị Trần Thanh Lẹ (ấp Đầu Sấu Đông, xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân), đã giúp cho đôi vợ chồng trẻ này mở ra hướng đi mới cho việc sản xuất kết hợp làm du lịch. Những chùm nho đỏ mọng căng bóng dưới ánh nắng đã thu hút hàng trăm lượt du khách đến đây tham quan mỗi ngày. Anh Cần cho biết: “Tôi đi du lịch ở Ninh Thuận thấy mô hình trồng nho rất hay, nên nảy sinh ý tưởng mang giống nho này về quê mình trồng thử. Sau hai năm kiên trì với không ít lần thất bại, tôi đã thành công. Tôi đang dự định mở rộng thêm diện tích khoảng 500m2 nữa để hình thành khu du lịch sinh thái”.

Hiện tại, vườn nho của anh Cần chưa đủ điều kiện để có thể gọi là làm du lịch. Tuy nhiên, với tâm thế vừa làm vừa mở rộng quy mô để thu hút và đón khách nhiều hơn, chuyên nghiệp hơn, chính là bước đồng hành cùng Nhà nước làm du lịch. Chị Lẹ bộc bạch: “Vì vườn nho chưa có nhiều dịch vụ để phục vụ du khách, nên chúng tôi luôn hỗ trợ hết sức mình giúp khách tham quan cảm thấy hài lòng nhất”. Hiện tại, ngoài bán nho trái, cây giống, vợ chồng anh Cần còn cung cấp một số sản phẩm làm từ nho như: mật nho, rượu nho, nho trái từ Ninh Thuận, các loại nước ép trái cây… “Có hai dạng khách đến đây, trẻ thì tham quan, giải trí, còn lớn tuổi hơn thì học hỏi và trao đổi kinh nghiệm trồng nho. Từ việc trồng chơi ở nhà cho mát, đến việc mở rộng phát triển du lịch là bước đi dài, chúng tôi cần đầu tư nhiều kinh phí, thời gian và công sức thì mới chuyên nghiệp hơn”, anh Cần chia sẻ.

Đi theo con đường liên huyện, chúng tôi đến một vườn nho khác rộng hơn, nhiều giàn hơn do anh Hứa Phong (ấp Long Đức, TT. Phước Long, huyện Phước Long) vun trồng. Tương tự anh Cần, anh Hứa Phong cũng mới trồng nho khoảng 2 năm nay. Từ ý định ban đầu là trồng nho sạch cho gia đình ăn và tạo bóng mát để thư giãn, giải trí, vườn nho sai trái của anh Hứa Phong đã cho sản lượng ổn định khoảng 70kg/60 gốc nho. Điểm thu hút của vườn nho này là có không gian cho du khách tự do khám phá: cầu tre bắc qua nhà thủy tạ, thả thức ăn cho cá, hái táo phía sau vườn nho… Anh Hứa Phong cho biết: “Với lượng khách ghé tham quan ổn định như hiện nay, tôi cũng có ý tưởng tăng thêm dịch vụ để làm du lịch. Hiện tại tôi chỉ bán nho trái, cây giống và hỗ trợ kỹ thuật cho khách. Tính đến thời điểm này, bà con nhiều nơi ghé vườn tôi mua khoảng 1.000 cây giống. Tôi nghĩ không bao lâu nữa, người dân Bạc Liêu sẽ khỏi phải ra tới Ninh Thuận để ăn nho, mà địa phương đã đủ cung ứng”.

Như vậy, ngoài giá trị kinh tế cao, cây nho đã mở ra hướng phát triển du lịch sinh thái mới cho vùng đất phía Bắc Quốc lộ 1A, hòa vào bức tranh du lịch đầy màu sắc của tỉnh nhà.

Ngọc Trân

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.