“Hóa thành bất tử”…

Thứ Tư, 25/07/2018 | 16:07

“Có những phút làm nên lịch sử/ Có cái chết hóa thành bất tử/ Có những lời hơn mọi bài ca/ Có con người như chân lý sinh ra”. Trong bài thơ “Hãy nhớ lấy lời tôi”, nhà thơ Tố Hữu đã viết những lời thơ ấy để ngợi ca Nguyễn Văn Trỗi, một người anh hùng trong chiến tranh Việt Nam. Ngày 15/10/1964, người anh hùng đó đã thực hiện cuộc đánh bom nhằm vào Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ - Robert MC Namara. Và những câu thơ ấy kể từ khi ra đời để ngợi ca một người cũng trở thành tuyên ngôn cho khí tiết anh hùng của những con người “đem thân liều cho nước” - những thương binh, liệt sĩ Việt Nam!

Ông Dương Ngọc Sương (người con thứ sáu) thắp nhang trước phần mộ mẹ mình là AHLLVTND - Mẹ VNAH Nguyễn Thị Mười. Ảnh: N.V


Trên dải đất hình chữ S một thời đạn bom khói lửa, đâu đâu cũng có những mất mát hy sinh. Đau thương, nước mắt đã nhiều nhưng cũng dệt thành những khúc ca bi tráng, những trang sử vẻ vang không-thể-nào-quên từ những mất mát, hy sinh ấy. Ngày Thương binh - liệt sĩ (27/7) hàng năm chính là dịp để cả dân tộc, đất nước, đặc biệt là những người trẻ hôm nay tưởng nhớ về những anh hùng dân tộc ấy! 
Ở Bạc Liêu, một mảnh đất gần cuối cực Nam Tổ quốc xa xôi cũng có những “cái chết hóa thành bất tử” để đời sau ghi nhớ. “Máu tim anh nhuộm đỏ đất anh nằm”, vâng, là những cái chết vì dân tộc, vì giống nòi nên máu của họ làm mảnh đất quê hương thêm tươi thắm! Đó là những cái tên đã trở thành tên đất, tên trường, tên đường… cho thế hệ mai sau không lãng quên lịch sử và biết đến hai tiếng “tri ân” những anh hùng liệt sĩ trên quê hương mình. 
Vùng đất Mỹ Trinh (xã Hưng Phú, huyện Phước Long) luôn tự hào là nơi đã sinh ra một người phụ nữ kiên cường bất khuất: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) - Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) Nguyễn Thị Mười. Câu nói bất hủ của Mẹ Mười đã được sử sách ghi lại: “Mẹ làm hầm bí mật ở nhà chứa các con, nếu bị địch đánh, gia đình mẹ sẵn sàng hy sinh với các con”. Đúng là như vậy, một gia đình nông dân nghèo khó như Mẹ Mười thì gia sản lớn nhất chính là… tấm lòng yêu nước. Và Mẹ đã đem gia sản đó cống hiến hết cho cách mạng vào những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp: Mẹ cùng chồng và 6 người con trai tham gia cách mạng. Ngày 26/5/1970, trong một cuộc đấu không cân sức tại chính ngôi nhà thân yêu của mình, Mẹ đã cố hết sức và dùng mọi cách để che giấu đồng đội. Và Mẹ đã cùng hai người con anh dũng hy sinh! Mẹ trở thành liệt sĩ - AHLLVTND - Mẹ VNAH!
Trong số các huyện, thị xã, thành phố ở Bạc Liêu có huyện mang tên một AHLLVTND. Đó là huyện Hồng Dân, tên của AHLLVTND Trần Hồng Dân. Trên mảnh đất ấy, buổi trưa ngày 8/6/1946, có người thanh niên quả cảm một mình chiến đấu với kẻ thù để bảo vệ tài liệu và cơ quan của Đảng lúc đó không bị rơi vào tay địch. Anh một mình cầm súng chiến đấu, đến khi súng hết đạn anh vẫn đánh trả đến hơi thở cuối cùng. Trần Hồng Dân bị địch bắt và bắn chết tại chỗ. Bọn địch đê hèn còn dùng dao xắt chuối chặt thi thể của anh. Anh chết không toàn vẹn hình hài và như câu thơ của Tố Hữu viết, “máu tim anh nhuộm đỏ đất anh nằm”…
Bạc Liêu còn có AHLLVTND Nguyễn Minh Nhựt sáng ngời khí tiết với lời tuyên thệ: “Chiến đấu đến hơi thở sau cùng, thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, quyết tâm giành thắng lợi, nếu không hoàn thành nhiệm vụ dứt khoát sẽ không trở về”. Và anh đã không trở về trong trận chiến bi hùng ngày mùng 2 Tết Mậu Thân tại rạp hát Chung Bá cùng với 38 đồng chí của mình. Thà hy sinh, không để rơi vào tay giặc, anh đã đập gãy súng rồi nhảy lầu tự sát!
Và còn rất nhiều anh hùng liệt sĩ, AHLLVTND, Mẹ VNAH trên đất Bạc Liêu. Những người đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu, hay những người chưa có danh hiệu - những liệt sĩ vô danh, sự hy sinh ấy xứng đáng để đời sau tạc dạ, ghi ơn! Nói về tấm gương của những “người ngã xuống cho đất nước đứng lên”, lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Chính họ làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi, tinh thần của họ luôn sống với non sông Việt Nam”. Đất Bạc Liêu tự hào sinh ra những con người như thế!
Thế hệ trẻ hôm nay được sống trong hòa bình, độc lập, tự do; được tạo mọi điều kiện để học tập, cống hiến và trưởng thành. Tất cả đều nhờ công sức của những cha anh đi trước đã dành cả tuổi xuân, cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Tuổi trẻ vì vậy hãy luôn tâm niệm “ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay?” khi nghĩ về những anh hùng liệt sĩ hôm qua. Tuổi trẻ hôm nay hãy nghĩ suy, hành động, dám nghĩ, dám làm, noi theo bản lĩnh của những thế hệ đi trước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mình!
Ngày Thương binh - liệt sĩ hàng năm, chúng ta lại thành kính tưởng nhớ những con người đã hóa thành bất tử trên khắp đất nước Việt Nam, như lời thơ bất hủ của nhà thơ Tố Hữu: “Anh đã chết rồi/ Anh còn sống mãi/ Chết như sống, anh hùng, vĩ đại”…
Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.