Giữ gìn và phát huy giá trị tết truyền thống

Thứ Sáu, 01/02/2019 | 17:00

Vào mỗi dịp năm hết tết đến, trên mạng xã hội lại râm ran những lời bàn ra tán vào về việc nên hay không bỏ tết hoặc gộp chung giữa tết ta vào tết Tây cho giản tiện. Những hoạt động ý nghĩa cũng như sự chia sẻ chân thành của bạn trẻ học đường - lớp người sẽ gánh trên vai trọng trách kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trong thời đại công nghiệp 4.0 - sẽ cho chúng ta câu trả lời thỏa đáng về việc có nên “bỏ tết” cổ truyền dân tộc.

Bạn trẻ đi chợ hoa đường Nguyễn Tất Thành (TP. Bạc Liêu). Ảnh: Đ.K.C

“Cảm giác đoàn tụ, quây quần bên người thân, họ hàng… trong những ngày tết thật thiêng liêng. Sau một năm tất bật vì cơm - áo - gạo - tiền, công việc, học hành thì điều mà ai cũng mong chờ nhất là được về quê, được đắm chìm trong cái không khí chộn rộn sắm sanh, trang hoàng nhà cửa để đón tết bên những người thân yêu nhất. Ba thì nhễ nhại mồ hôi bên những gốc mai tước hết lá để kịp trổ nụ mấy ngày xuân; má, chị Hai thì bận rộn bên chái bếp chuẩn bị cho mấy mẻ mứt dừa, nguyên liệu gói bánh tét; mấy đứa em hí húi chùi sáng bộ lư đồng; mấy luống vạn thọ, cúc đủ màu cũng rực rỡ hơn trong nắng mới… là những hình ảnh thôi thúc những người con xa quê như chúng tôi nhanh chân quay về tổ ấm để đoàn tụ gia đình”, bạn Nguyễn Quốc Khang (huyện Đông Hải, sinh viên năm thứ ba ngành Xã hội học - Trường đại học KH-XH&NV TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ.

Mới đây, Đoàn khoa Nông nghiệp - Trường đại học Bạc Liêu tổ chức hội thi “Gói bánh tét” mừng Đảng, mừng xuân Kỷ Hợi năm 2019. Các bạn trẻ tíu tít nói cười, cùng nhau lau lá chuối, khéo léo gói những đòn bánh tét… không thua gì những người thợ lành nghề. Những đòn bánh xanh mướt, tròn lẳng được chất ngay ngắn vào nồi, bắc lên cái lò dã chiến, rồi mọi người cùng nhau thêm củi, canh bánh chẳng khác gì không khí tết xưa. Vui nhất là thành phẩm ấy không chỉ đậm đà hương vị quê hương, mà còn là những món quà xuân ý nghĩa thấm đẫm tình người, tình bạn, sự sẻ chia được trao tay những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để vui xuân đón tết. Đây là hoạt động thường niên trong chuỗi hoạt động “Xuân yêu thương” được trường duy trì góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tết cổ truyền của dân tộc.

Trước đó, Trường THPT Chuyên Bạc Liêu đã tổ chức hội thi trang trí “Mâm ngũ quả ngày xuân” và các trò chơi dân gian truyền thống với sự tham gia của hơn 1.000 học sinh của trường. Những đôi tay khéo léo, kết hợp với cách bài trí sáng tạo, những mâm ngũ quả chào xuân Kỷ Hợi đã mang đến nhiều thông điệp ý nghĩa về một mùa xuân an lành, như ý…

Các bạn trẻ học đường còn tranh thủ mấy ngày trước tết diện áo dài cùng hội bạn thân xuống phố, dạo chợ hoa và lưu lại những bức ảnh thanh xuân trong nụ cười tươi tắn. Bạn Thanh Ngọc (sinh viên năm thứ hai, ngành Quản trị kinh doanh - Trường đại học Cần Thơ) cho biết: “Một tuần trước khi nghỉ tết, không chỉ riêng tôi mà nhiều bạn khác cứ mong ngóng cho mau hết tuần để được về quê cùng mẹ đi mua sắm tết. Năm nào cũng vậy, tôi luôn dành phần đi chợ hoa, lựa cho gia đình những chậu hoa đẹp với hy vọng một năm mới an lành, thịnh vượng. Không chỉ vậy, tôi còn hẹn với nhóm bạn thân mỗi năm lại làm một kỷ yếu mini để lưu lại những khoảnh khắc đẹp của mùa xuân quê hương!”.

Kế hoạch du xuân, chúc tết ông bà, họ hàng, thắp nhang cho tổ tiên… cũng được các bạn trẻ lên kế hoạch. Truyền thống “Mùng Một tết cha, mùng Hai tết mẹ, mùng Ba tết thầy” luôn được lớp người trẻ gìn giữ trong mấy ngày tết.

Nhìn những gương mặt rạng ngời niềm vui hòa vào dòng người tất bật chuẩn bị đón xuân của lớp người trẻ thì đủ biết tết truyền thống quan trọng, thiêng liêng với họ biết nhường nào! Cái hồn cốt dân tộc, bản sắc văn hóa Việt đã thẩm thấu đến tâm can mỗi tâm hồn và chắc rằng sẽ trường tồn mãi với thời gian dù cho xã hội có phát triển đến độ nào. Vậy nên xin đừng bàn chuyện “bỏ tết” nữa nhé!

Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.