Giữ “dòng chảy” cho nghệ thuật Đờn ca tài tử

Thứ Hai, 05/06/2023 | 15:56

Cứ đến cuối tuần, nhà sinh hoạt văn hóa - thể thao ở ấp Bến Bào (xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân) lại trở thành điểm hẹn của các tài tử miệt vườn đến đây đờn, ca thỏa thích. Cũng vì đam mê đã “ngấm” vào máu nên các thành viên tự bỏ tiền để trang bị nhạc cụ, dàn âm thanh và mua bánh trái, trà nước phục vụ những buổi sinh hoạt. Đó là cách mà câu lạc bộ (CLB) này nói riêng, nhiều đội, nhóm trong tỉnh giữ gìn “dòng chảy” nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) trong đời sống hiện đại.

Buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Đờn ca tài tử xã Vĩnh Lộc A.

NUÔI DƯỠNG TÌNH YÊU

Trên mảnh đất Bạc Liêu được mệnh danh là một trong những “cái nôi” của nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ, phong trào tài tử dù có lúc sôi nổi, khi trầm lắng nhưng tình yêu dành cho bộ môn nghệ thuật truyền thống này luôn được nuôi dưỡng trong đời sống văn hóa của người dân. Từ thành thị cho đến những vùng nông thôn, âm nhạc tài tử đã trở thành “món ăn tinh thần” của người dân mỗi lúc nông nhàn, trong các đám tiệc.

Dự khán một buổi sinh hoạt của CLB ĐCTT xã Vĩnh Lộc A, chúng tôi càng cảm nhận rõ sự đam mê cháy bỏng của các tài tử miệt vườn. Họ là những nông dân, cán bộ hưu trí tìm đến CLB để có một sân chơi văn nghệ ở tuổi xế chiều và quan trọng hơn là giữ gìn bộ môn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của quê hương Bạc Liêu. Hay tin có nhà báo đến ghi hình, các cô, chú trong CLB đã “chiêu đãi” chúng tôi những bài ca mới tập. Dù đã ngoài 60 tuổi nhưng chất giọng, ngón đờn của các thành viên vẫn mùi mẫn hút hồn người nghe.

Tài tử Phan Minh Tiền - Chủ nhiệm CLB ĐCTT xã Vĩnh Lộc A chia sẻ: “CLB có 15 thành viên hầu hết là nông dân, có cả những người là vợ chồng vì yêu thích ĐCTT nên “hợp quân” để sinh hoạt cho vui. Ngoài mục đích giải khuây sau những giờ lao động vất vả với ruộng đồng, việc duy trì tập dượt vào cuối tuần còn để giữ “lửa” đam mê, khi cần có thể tổ chức giao lưu, tham gia các cuộc thi của huyện”.

Một buổi ngoại khóa của trẻ em tại Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Ảnh: H.T

KHƠI THÔNG “DÒNG CHẢY”

Nhìn lại kết quả thực hiện Đề án bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật ĐCTT (gọi tắt là Đề án) thời gian qua, Ban Chỉ đạo Đề án tỉnh nhận thấy khó khăn lớn nhất là ở công tác truyền nghề. Thực tế hiện nay, các nghệ nhân giỏi nghề, nhất là nghệ nhân đờn đa phần đã lớn tuổi.

Để khơi thông “dòng chảy” cho nghệ thuật ĐCTT, hằng năm tỉnh rà soát đề nghị Nhà nước xét công nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân nhân dân để ghi nhận sự cống hiến, khơi dậy trách nhiệm truyền nghề của nghệ nhân. Tiếp đó, năm 2019, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về quy định chính sách đãi ngộ cho lực lượng nghệ nhân tham gia hoạt động trình diễn nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh.

Sau nhiều năm gián đoạn, việc đưa ĐCTT vào giảng dạy trong môn học Âm nhạc tại các trường học sẽ được tổ chức trở lại trong năm 2023. Bà Nguyễn Tố Quyên - Trưởng phòng Quản lý Văn hóa và Gia Đình (Sở VH-TT&DL), cho biết: “Trong năm nay, 2 sở VH-TT&DL và GD-ĐT phối hợp chọn những điểm trường, cấp học trên địa bàn TP. Bạc Liêu, huyện Vĩnh Lợi để thí điểm dạy các bài tài tử, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, nếu hiệu quả sẽ mở rộng ra những địa bàn khác. Mục đích của hoạt động là giúp học sinh tiếp cận, yêu thích để lan tỏa tình yêu nghệ thuật ĐCTT trong giới trẻ”.

Để tiếp sức cho phong trào ĐCTT cơ sở, Ban Chỉ đạo Đề án tỉnh cũng trang bị nhạc cụ, dàn âm thanh cho các thiết chế văn hóa, các CLB mới thành lập để nâng cao chất lượng sinh hoạt, thu hút nhiều người dân tham gia tập luyện. Đồng thời, hỗ trợ các địa phương mở lớp hướng dẫn 20 bản Tổ ĐCTT cho cán bộ văn hóa cấp xã, giáo viên, thành viên các CLB để tình yêu âm nhạc tài tử, phong trào tài tử ngày càng lớn mạnh trong mỗi người, trên những vùng quê trong tỉnh. 

Hơn 100 năm ra đời, phát triển với những nỗi thăng trầm, nghệ thuật ĐCTT vẫn như một “dòng chảy” khi êm đềm, khi dữ dội trong đời sống của người dân, trở thành thứ đặc sản trứ danh góp phần làm giàu truyền thống văn hóa cho đất và người Bạc Liêu hôm nay.

HỮU THỌ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.