DU LịCH BẠC LIÊU: Khát vọng ra “biển lớn”

Thứ Sáu, 26/10/2018 | 15:55

Rất nhiều thiệt thòi và cả những thách thức phải đối mặt tại thời điểm Bạc Liêu bắt tay làm cuộc “cách mạng” du lịch. Đó là tiềm lực kinh tế hạn hẹp, thiên nhiên lại không ưu đãi, cơ sở hạ tầng yếu kém, thế mạnh không đủ sức cạnh tranh, hệ thống sản phẩm - dịch vụ du lịch gần như là con số 0 tròn trĩnh… Vậy mà, Bạc Liêu với điểm tựa lớn nhất là khát vọng, sức mạnh đoàn kết đã từng bước đánh thức tiềm lực, làm nên những điều “kỳ tích”. Không thể nói đã tạo ra thắng lợi rực rỡ nhưng Bạc Liêu đã sớm điền tên mình trên bản đồ du lịch đất Chín Rồng. 
Nhìn một cách toàn diện, thành quả tạo được rất nhiều nhưng vẫn còn lắm hạn chế, bất cập khiến du lịch Bạc Liêu tự đánh mất vị thế, phát triển chưa tương xứng với nguồn tài nguyên du lịch vốn có. Tiềm năng và thế mạnh du lịch đã được nhìn thấy rất rõ, nhiệm vụ còn lại của tỉnh là làm thế nào để hiện thực hóa khát vọng, tận dụng những lợi thế sẵn có, tranh thủ thời cơ đưa du lịch Bạc Liêu vươn ra “biển lớn”.

Bài 1: Dấu ấn của Nghị quyết 02

Cách đây 7 năm, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu khóa XIV đã nhìn xa trông rộng được vai trò quan trọng của ngành “công nghiệp không khói”. Việc ban hành Nghị quyết 02 về “Đẩy mạnh phát triển du lịch” thể hiện rõ khát vọng lớn lao, tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo tỉnh. Để hôm nay, du lịch không những trở thành ngành kinh tế có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của tỉnh, mà Bạc Liêu còn vẽ nên những nét chấm phá trong bức tranh tổng thể vùng đất Chín Rồng.

Do chưa được đầu tư, khai thác thành sản phẩm hoàn thiện nên điện gió Bạc Liêu vẫn đang là tiềm năng du lịch. 

ĐỘT PHÁ TỪ MỘT NGHỊ QUYẾT
Kể từ ngày 24/6/2011 và mãi cho đến hôm nay, Bạc Liêu vẫn được nhắc đến là địa phương đầu tiên trên vùng đất Chín Rồng ban hành nghị quyết chuyên đề về du lịch - Nghị quyết 02 về “Đẩy mạnh phát triển du lịch”. Khát vọng cùng với quyết tâm dám nghĩ, dám làm đã dấy lên cuộc “cách mạng” du lịch ở Bạc Liêu. Vấn đề phát triển du lịch trở thành nhiệm vụ mang tính chiến lược của cả hệ thống chính trị. Từ mảnh đất thuộc vùng trũng của ĐBSCL, nhiều công trình mang đậm thương hiệu văn hóa Bạc Liêu lần lượt được hình thành, nhiều dự án động lực được đầu tư, khai thác dựa trên tiềm năng và lợi thế so sánh… 
Chỉ mất 7 năm, Bạc Liêu đã sở hữu 8/35 sản phẩm du lịch tiêu biểu ĐBSCL, đứng đầu toàn vùng. Tính từ năm 2011 - 2017, tổng lượng khách đến với Bạc Liêu đạt 6,6 triệu lượt, tăng bình quân 10%/năm. Với vai trò là ngành kinh tế tổng hợp, sự phát triển của du lịch đã góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, làm thay đổi diện mạo đô thị... 
Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, khẳng định: “Thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI, Bạc Liêu là một tỉnh yếu trong vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL. Vậy mà trong thời gian ngắn, ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh đã bứt phá mạnh mẽ để vươn lên tốp khá, trở thành điểm hẹn văn hóa của vùng. Thành quả này được khởi nguồn từ tầm nhìn chiến lược, sự quan tâm, quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, điển hình là Nghị quyết 02. Sự thành công của du lịch tại nhiều địa phương đã cho thấy, nơi nào có sự quan tâm, nhập cuộc của lãnh đạo thì du lịch nơi đó phát triển mạnh”.
Trong bối cảnh sản phẩm du lịch của nhiều địa phương dễ trùng lắp bởi đặc trưng vùng sông nước, thì Bạc Liêu lại không lẫn vào đâu được với những sản phẩm mang tính đặc thù cao, ít "đụng hàng". 8 điểm du lịch tiêu biểu là thành quả xứng đáng của một hành trình ôm ấp hoài bão, biến khát khao thành hiện thực. Không quá khi nói, sắc màu Bạc Liêu đang góp phần hoàn thiện thêm bức tranh du lịch vùng, nâng cao vị thế và khả năng cạnh tranh cho ĐBSCL trong dòng chảy du lịch quốc gia.

Du khách tham quan Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Ảnh: H.T

“BƯỚC SẢI” CHƯA XỨNG TẦM
Đánh giá từ Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Bạc Liêu đã có “bước sải” dài trên hành trình phát triển du lịch. Thế nhưng, “bước sải” này chưa vững chắc, xứng tầm với thương hiệu của một địa phương chiếm hơn 22% trong tổng sản phẩm du lịch tiêu biểu ĐBSCL. 
“Du lịch Bạc Liêu thấy gì từ chỗ đứng hiện tại, trong khi tỉnh đã đi trước các địa phương trong vùng một bước về phong trào làm du lịch. Với tiềm năng và thế mạnh như thế, những con người như thế nếu biết tận dụng cơ hội thì lẽ ra Bạc Liêu đã có một vị thế xứng đáng hơn trong khu vực, thậm chí là quốc gia”, ông Vưu Chấn Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nêu ý kiến.
Lượng khách đến với Bạc Liêu khá lớn, song đối tượng là khách quốc tế lại rất thấp. Trong tổng số 6,6 triệu lượt khách đi du lịch Bạc Liêu thì chỉ có 200.000 du khách quốc tế. Việc chưa khai thác được thị trường quốc tế nên nguồn thu du lịch của tỉnh còn thấp cũng là vấn đề khó tránh khỏi.
Trong năm 2017, Bạc Liêu đón khoảng 1,5 triệu lượt khách, đứng thứ 7/13 tỉnh, thành phố trong khu vực; doanh thu đạt khoảng 1.200 tỷ đồng, đứng thứ 4/13 tỉnh, thành phố ĐBSCL. Các chỉ số về du lịch đều tăng nhưng nếu đặt lên bàn cân với các địa phương trong vùng thì những gì Bạc Liêu đạt được quả thật còn rất khiêm tốn. Chỉ riêng tổng lượt khách chọn đến Bạc Liêu đã kém TP. Cần Thơ 5 lần, kém An Giang 4,8 lần, kém Kiên Giang 4 lần, thấp hơn cả Đồng Tháp, Tiền Giang và Sóc Trăng.
Số lượng không quyết định chất lượng rất đúng với thực trạng du lịch Bạc Liêu. Nắm trong tay nhiều sản phẩm nhất nhưng không tận dụng nó trở thành ưu thế phát triển thì không thể làm giàu từ du lịch. Vậy, đâu là những vấn đề bất cập, hạn chế đã khiến một tỉnh nhiều tiềm năng và thế mạnh như Bạc Liêu vẫn loay hoay đi tìm vị thế xứng tầm?!
HỮU THỌ

Ông Lê Phú Dũng, Giám đốc Saigontourist Tây Nam bộ, thẳng thắn nhìn nhận: “So sánh lợi thế về du lịch của tỉnh là mỗi khi nhắc đến Bạc Liêu, bật ra trong suy nghĩ của du khách là: giai thoại lẫy lừng về Công tử Bạc Liêu, cánh đồng điện gió hùng vĩ trên biển có một không hai ở đồng bằng, vùng đất hội tụ tài tử... Tuy nhiên, điều đáng tiếc là dù nguồn tài nguyên đa dạng nhưng Bạc Liêu chưa tìm cách khai thác nó thành sản phẩm du lịch tròn trịa, phần lớn chỉ mới dừng lại là điểm tham quan. Trong cái nhìn của những doanh nghiệp lữ hành, vùng đất này vẫn còn tiềm ẩn nhiều giá trị hấp dẫn mà nếu được khai thác hợp lý thì làm giàu nhờ du lịch là chuyện không khó”.

Bài 2: Nhận diện những “điểm nghẽn”

Thẳng thắn thừa nhận, đã qua du lịch Bạc Liêu chỉ đi một mình nên có thể đi nhanh chứ không thể đi xa. Dù trong tay là những “chú gà chiến” nhưng Bạc Liêu chưa bán được sản phẩm chủ lực, nguồn thu dịch vụ chủ yếu từ những mặt hàng có giá trị thấp… Việc để tồn tại những “điểm nghẽn” trong cách làm du lịch đã cản đường phát triển của du lịch tỉnh nhà.

* Công ty lữ hành Vietravel khai trương chi nhánh Bạc Liêu. 
* Nguồn nhân lực phục vụ du lịch của Bạc Liêu hiện nay vừa yếu lại vừa thiếu. Ảnh: H.T

KHÓ PHÁT TRIỂN VÌ NHIỀU “ĐIỂM NGHẼN”
Một vấn đề làm “nghẽn” con đường du khách đến với Bạc Liêu chính là hạ tầng giao thông yếu kém. Phát triển du lịch thế nào được khi những con đường xuống cấp, nhỏ hẹp dẫn tới Khu Quán âm Phật đài, Khu du lịch Nhà Mát, điện gió, chùa Hưng Thiện, Tháp cổ Vĩnh Hưng… đang thật sự làm nản lòng du khách. Dù cho sản phẩm hấp dẫn đến mấy nhưng khó lòng mời du khách quay lại khi những con đường chưa thông lối.
So với các loại hình kinh tế khác của tỉnh, số lượng 200 tổ chức, cá nhân tham gia làm dịch vụ du lịch là chưa đủ mạnh. Không chỉ vậy, đó đều là những doanh nghiệp, cơ sở có quy mô vừa và nhỏ nên năng lực đầu tư rất hạn chế, chậm đổi mới, ít quan tâm phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ. Phong trào “Nhà nhà làm du lịch, người người làm du lịch” của tỉnh vẫn đang “nghẽn” lại vì không khơi dậy, phát huy được sức mạnh nội lực từ các thành phần xã hội.
Đặc biệt, nguồn nhân lực làm du lịch cũng là nguyên nhân gây “tắc nghẽn” con đường đi đến trái tim du khách. Khó có thể làm hài lòng, gây nhớ thương du khách khi đội ngũ vận hành “dây chuyền” cung ứng dịch vụ du lịch vừa yếu, vừa thiếu. Theo kết quả điều tra, chỉ khoảng 50% lao động tại các điểm, khu du lịch, nhà hàng - khách sạn được đào tạo ngắn hạn. Thử hỏi, chỉ trong vài ba ngày tập huấn thì làm sao có được những con người giỏi chuyên môn, cứng tay nghề, chưa kể đến khả năng giao tiếp ngoại ngữ. Với việc tổ chức đào tạo còn mang tính phong trào, dễ dãi trong cấp chứng nhận tay nghề phục vụ đang vô tình tạo ra một nguồn lao động thừa lượng - thiếu chất. Trong khi đó, yêu cầu phát triển du lịch hiện nay ngày càng chú trọng đến yếu tố con người, một nguồn nhân lực chất lượng sẽ mang đến dịch vụ chất lượng.
Bà Cao Xuân Thu Vân, Giám đốc Sở VH-TT&DL, thừa nhận: “Đã qua, nguồn nhân lực du lịch của Bạc Liêu thiếu trầm trọng về số lượng, đừng nói đến chất lượng. Thực trạng này do hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, nhiều địa phương còn cho đây là trách nhiệm của ngành chức năng. Ngoài ra, các điểm tham quan cũng không chủ động đề xuất, đăng ký cấp thẻ thuyết minh viên tạo cái nhìn thiếu chuyên nghiệp. Chuyện nhân viên vụng về trong phục vụ, ứng xử thiếu lịch sự với khách du lịch có xảy ra, dù không nhiều nhưng đã làm cho hình ảnh du lịch Bạc Liêu chưa thật sự đẹp trong lòng du khách”.

TRẠM DỪNG CỦA ĐỒNG BẰNG
Sở hữu nhiều sản phẩm tiêu biểu nhất vùng, nhưng Bạc Liêu chỉ “đóng vai” trạm dừng trên hành trình khám phá những cung đường miền Tây. Trong tổng lượng khách đến Bạc Liêu chỉ có 36% lượng người sử dụng dịch vụ lưu trú, bình quân số ngày lưu trú là 1,3 ngày. Theo thống kê của ngành Du lịch, cứ 100 người đến Bạc Liêu thì có từ 20 - 30 người đi du lịch, còn lại là khách hành hương, tham quan. Thời gian du khách ở Bạc Liêu là từ 3 - 4 tiếng nên nguồn thu dịch vụ chỉ là những đồng tiền lẻ từ việc bán vé, nước uống...
Nhiều công ty, doanh nghiệp lữ hành hàng đầu khu vực miền Tây và TP. HCM có chung quan điểm là rất khó thiết kế tua đi Bạc Liêu vì thiếu những dịch vụ “ăn theo”. Ăn gì, vui chơi - giải trí ở đâu, có gì mua sắm... là những câu hỏi mà du khách luôn đặt ra mỗi khi đến Bạc Liêu. 
Có thích thì mới đến tìm hiểu, có yêu thì mới trở lại nhưng du khách lấy cớ gì để lưu trú, tiêu tiền vào những dịch vụ gì ở Bạc Liêu. Nên hiểu rằng, bản chất của du lịch là văn hóa, nhưng mục tiêu cuối cùng chính là kinh tế. Không thể khiến du khách xài tiền cũng đồng nghĩa với làm du lịch không sinh lãi, không tạo ra lợi nhuận.
Chúng ta hay tự hào, điểm mạnh của tỉnh là hình thành được những tuyến du lịch nội ô TP. Bạc Liêu. Nhưng ngược lại, việc xây dựng tập trung 7/8 sản phẩm du lịch tiêu biểu nằm trên một địa bàn lại chính là một điểm yếu. Bởi, du khách chỉ mất thời gian không quá một ngày để thấy toàn cảnh bức tranh du lịch Bạc Liêu. Trong khi đó, nhiều địa phương trong vùng như: TP. Cần Thơ, Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang... đã giải thành công bài toán giữ chân du khách khi phân chia sản phẩm chủ lực về các vùng nông thôn. Không chỉ lượng khách lưu trú tăng, cách làm này còn thúc đẩy phong trào đầu tư làm du lịch trong nhân dân, giúp dân “hốt bạc”, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Không thể mãi là trạm dừng chân của vùng, nhiệm vụ đặt ra với Bạc Liêu lớn hơn là phải tăng tốc, bứt phá để vươn lên tốp đầu. Mục tiêu này không hề quá sức nếu Bạc Liêu nhìn thấy được những “điểm nghẽn” và sớm có hành động, giải pháp cải tổ mạnh mẽ.
HỮU THỌ

Ông Phan Đình Huê, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội, góp ý: “Làm dịch vụ - du lịch đơn giản là nếu giữ chân khách được 2 tiếng thì chỉ bán được ly nước, 4 tiếng sẽ bán được bữa ăn, còn từ 8 - 10 tiếng sẽ bán được chỗ ngủ, chỉ cần bán được chỗ ngủ sẽ bán được thêm nhiều thứ khác. Bạc Liêu muốn giữ chân du khách nghỉ qua đêm thì phải tạo ra sự khác biệt, nhất là phát triển các dịch vụ về đêm mà chưa nơi nào có”.

Bài cuối: Cả hệ thống chính trị cùng nhập cuộc

Từ sau hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, đã bắt đầu thấy một Bạc Liêu hạ quyết tâm lớn hơn với nhiệm vụ phát triển du lịch. Có lẽ, sự kỳ vọng lần này còn nhiều hơn vì nền tảng đang có đầy hứa hẹn, đường hướng phát triển cũng rất rõ ràng, quan trọng hơn là sự ủng hộ mạnh mẽ từ Trung ương và các địa phương trong vùng. Đã đến lúc cả hệ thống chính trị của Bạc Liêu cùng nhập cuộc để thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tiến tới ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

TẬP TRUNG VÀO MŨI NHỌN
Bạc Liêu có hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng nhưng đâu là sản phẩm chủ lực? Việc quá dàn trải trong đầu tư dẫn đến sản phẩm không được khai thác đến nơi đến chốn, nhiều sản phẩm vốn là “viên ngọc quý” chưa thể tỏa sáng. Trong bối cảnh sức cạnh tranh của du lịch vùng ngày càng lớn, Bạc Liêu phải làm rõ con đường phát triển, tập trung gia tăng sức “chiến đấu” cho những sản phẩm chủ lực.
Thông tin từ Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, nguồn vốn của các nhà đầu tư rót vào ngành “công nghiệp không khói” ĐBSCL đa phần hướng về khu du lịch Phú Quốc (Kiên Giang). Do đó, các tỉnh trong vùng nói chung, Bạc Liêu nói riêng phải nghiên cứu khai thác những gì sẵn có để tiết kiệm vốn đầu tư nhưng vẫn tạo ra giá trị lớn. Trong 8 sản phẩm tiêu biểu, tỉnh cần tính toán kỹ và dồn tâm huyết, nguồn lực đầu tư để tạo ra sản phẩm “đầu đàn”. Đôi khi, du lịch ăn nên làm ra chỉ từ một sản phẩm độc đáo. Hiệp hội Du lịch ĐBSCL gợi ý, Bạc Liêu có lượng khách lớn đi du lịch tâm linh, vậy tại sao không phát huy thế mạnh này, rồi khai thác thêm những sản phẩm - dịch vụ đi kèm. Hay loại hình du lịch năng lượng với điện gió, điện mặt trời được xem là niềm tự hào mới của ĐBSCL cũng có thể trở thành sản phẩm “đinh” trong tương lai.    
Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: “Sau con tôm, Bạc Liêu đã xác định rất rõ, du lịch là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Quan trọng không chỉ là thu về bao nhiêu ngân sách mà làm du lịch là dịch vụ phát triển, người dân có lời. Do đó, phải phát huy tối đa những gì du lịch Bạc Liêu có và xác định đúng sản phẩm trọng tâm, mũi nhọn để tập trung khai thác và phát triển các dịch vụ đi theo, không đầu tư dàn trải và phong trào. Sức mình có hạn thì phải tập trung khai thác thế mạnh, rồi từ từ khai thác cái mới để phát triển mạnh mẽ”. 
Chủ tịch UBND tỉnh quả quyết, UBND tỉnh ủng hộ mạnh mẽ và chấp nhận rủi ro đầu tư nhưng ngành Du lịch phải tạo được thương hiệu riêng cho sản phẩm. Bạc Liêu là tỉnh còn khó khăn nên việc đầu tư đồng vốn phải sinh lãi, lan tỏa, tạo động lực cho phát triển các lĩnh vực khác.

* Lãnh đạo Bạc Liêu và các nhà đầu tư, doanh nghiệp ký kết hợp tác đầu tư trên các lĩnh vực, trong đó có du lịch.
* Quảng trường Hùng Vương - một trong những điểm du lịch tiêu biểu của Bạc Liêu. Ảnh: H.T

NIỀM TIN TỪ QUYẾT TÂM CHÍNH TRỊ
Có rất nhiều điều để kỳ vọng, rồi đây du lịch Bạc Liêu sẽ vươn ra “biển lớn”. Đầu tiên là việc Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Quang Dương, đảm nhận vai trò Trưởng Ban chỉ đạo đẩy mạnh phát triển du lịch Bạc Liêu, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Du lịch Bạc Liêu. Người đứng đầu cấp ủy của tỉnh đã tỏ rõ quyết tâm với vai trò “thuyền trưởng” để cùng với các ngành, các cấp và nhân dân tỉnh nhà lèo lái con tàu du lịch Bạc Liêu.
Bên cạnh đó, sự ra đời của Hiệp hội Du lịch Bạc Liêu cho thấy các doanh nghiệp đã có sự đoàn kết, suy nghĩ và hành động vì lợi ích chung nhiều hơn. Việc xây dựng một “mái nhà chung” cho doanh nghiệp sẽ giúp du lịch Bạc Liêu phát huy sức mạnh nội lực và thu hút ngoại lực đầu tư, hình thành chuỗi dịch vụ có giá trị gia tăng và chất lượng cao.
Du lịch Bạc Liêu hôm nay không thụ động chờ nhà đầu tư đến “gõ cửa”, mà đã chủ động đi tìm cơ hội cho mình. Đang có những bước đi sốt sắng, khôn ngoan khi tỉnh liên tục mời ngành Du lịch, các doanh nghiệp dịch vụ hàng đầu khu vực và cả nước về để “khoe” những gì đang có, sắp có. Nhiều doanh nghiệp đã bị chinh phục bởi tấm chân tình, thiện chí của lãnh đạo tỉnh và gật đầu đồng ý cùng Bạc Liêu bàn bạc kế sách làm giàu từ du lịch. Còn các địa phương trong vùng cũng mong muốn kề vai sát cánh với Bạc Liêu xây dựng những sản phẩm liên vùng đẳng cấp, với sức “áp phê” lớn hơn.
Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Quang Dương chỉ đạo đầy tâm huyết: “Các ngành, các cấp cần xác định kinh tế du lịch là khâu đột phá để tập trung chỉ đạo; phải thay đổi mạnh mẽ tư duy và cách tiếp cận về phát triển du lịch; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, không ngừng tạo dựng và hoàn thiện môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng để doanh nghiệp du lịch phát triển; tạo điều kiện để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch. Đặc biệt, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, các sở, ngành, tổ chức, cá nhân phải thể hiện quyết tâm chính trị cao để triển khai thực hiện mục tiêu đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Du lịch đảm bảo tính chuyên nghiệp, tạo tiền đề đưa du lịch phát triển bền vững”.
Khi cả hệ thống chính trị cùng nhập cuộc, khát vọng trở thành một trong những trung tâm của ngành “công nghiệp không khói” đất Chín Rồng sẽ không còn xa với Bạc Liêu. Niềm tin và động lực đang lớn dần lên, nhất là khi du lịch được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo là 1 trong 4 trụ cột phát triển xanh mà Bạc Liêu cần tập trung hướng đến, được Bạc Liêu xác định là 1 trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội.
HỮU THỌ  

Tại hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Bạc Liêu năm 2018, Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc mong muốn: “Bạc Liêu phải có khát vọng, phải có tầm nhìn trong phát triển, tầm nhìn dài hạn và bền vững hơn nữa, không có khát vọng thì không thể nào phát triển được. Tỉnh phải tập trung xây dựng chiến lược phát triển du lịch có tầm cỡ, suy nghĩ kỹ xem phát triển nhằm vào phân khúc thị trường nào, cần xây dựng hệ sinh thái du lịch sống động, nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm... Dựa vào lợi thế so sánh, Bạc Liêu cần hướng tới phát triển xanh với 4 trụ cột, gồm: nông nghiệp, năng lượng tái tạo, công nghệ chế biến và đặc biệt là phát triển du lịch - dịch vụ. Nếu biết khai thác hiệu quả bền vững tiềm năng, lợi thế gắn với xu hướng công nghệ mới, Bạc Liêu hoàn toàn có thể trở thành “viên ngọc xanh” bên bờ biển Tây Nam của Tổ quốc”.

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.