Đong đưa cầu khỉ

Thứ Hai, 28/01/2019 | 16:26

Tôi có đầy cảm hứng để viết về cây cầu khỉ khi ngoài phố, người ta nô nức tổ chức các “hội xuân” đã đưa hình ảnh cây cầu khỉ vào không gian mùa xuân. Những cây cầu khỉ “giả” ấy làm tôi bồi hồi nhớ về chiếc cầu khỉ thật trên dòng sông quê tôi một thời…
Nói “một thời” vì bây giờ, nông thôn đã hiếm hoi cầu khỉ. Chương trình xóa cầu khỉ đã xóa sổ những chiếc “cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi” trên dòng sông quê và trong câu hát ru của bà, của mẹ. Những cây cầu kiên cố, có lan can, tay vịn, đủ rộng để cho xe hai bánh, xe bốn bánh chạy qua đã thay dần cầu khỉ. Sự tiện nghi ấy có thể giúp người dân quê sống thoải mái hơn, không lo hiểm nguy cho trẻ nhỏ…, nhưng ký ức về một thời tay vịn, chân lần qua cây cầu khỉ, tôi chắc rằng vẫn luôn là kỷ niệm, là ký ức không quên trong tâm khảm nhiều người.

Cây cầu khỉ được phục dựng tại hội xuân của Trường tiểu học Tâm Tâm (TP. Bạc Liêu). Ảnh: C.T

Nếu không nằm trong miền ký ức, không gây vấn vương thì cầu khỉ đã không đi vào thơ, nhạc, họa, câu hò, lời ru nhiều đến như vậy. Nhắc về hình ảnh sông nước miền Tây thì sẽ hình dung ngay bức tranh quê với cây cầu dừa soi bóng nước. Có ai lớn lên mà không một lần nghe mẹ hát ru ngọt ngào: “Ầu ơ… Ví dầu cầu ván đóng đinh/ Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi/ Khó đi mẹ dắt con đi/ Con đi trường học, mẹ đi trường đời”. Âm nhạc thì tự cổ chí kim có muôn vàn câu ca về cầu khỉ, cầu dừa: “Ngoại gửi cho anh hình ảnh quê nhà, ngõ về thôn xa cầu khỉ đi qua…” (ca khúc “Tình ngoại”), “Đưa nhau về với miệt vườn, mùa xuân này em hứa với anh, dắt anh qua cầu khỉ uống nước dừa, chiều hóng mát bên sông” (ca khúc “Miệt vườn quê em”), “Bình minh chim hót anh Sáu về thăm ghé miền quê em… qua mấy lần cầu khỉ đong đưa, cầu tre lắt lẻo đậm đà quê hương” (ca khúc “Anh Sáu”)…
Cầu khỉ gợi hứng trong văn học - nghệ thuật có lẽ bởi nó gồng gánh và chở đầy ký ức tuổi thơ của biết bao người sinh ra và lớn lên ở miệt sông nước, nơi có sự hiện diện của cây cầu khỉ quê mùa. Cầu khỉ khó đi, mà lại dễ đi vào tâm thức con người, vì nó chứng kiến những bước chân của ký ức đi qua. Bước chân của mẹ dắt tay con đi qua cây cầu khỉ đến trường, của những đứa bạn dắt tay nhau cùng đến lớp và cùng đi qua những tháng ngày tuổi thơ. Cũng là nơi đôi lứa nắm tay nhau bước qua những yêu thương, hò hẹn thuở ban sơ cho đến ngày cùng dắt dìu về chung tổ ấm. Hình ảnh chú rể nắm tay cô dâu lần từng bước trên cây cầu khỉ đong đưa gợi hứng cho biết bao tay nhiếp ảnh.
Tiếng Anh dịch “cầu khỉ” thành từ “Foot bridge” nghĩa là “cầu bàn chân”. Tiếng Việt dịch cầu khỉ là loại cầu được làm rất đơn sơ, bằng loại cây của địa phương (dừa, tre, phi lao…) để bắc qua kênh rạch ở nông thôn. Vì người đi khòm lưng nên người ta hình dung như dáng đi của… khỉ và đặt tên là cầu khỉ. Những định nghĩa giản đơn như chính sự đơn giản của cây cầu. Ấy vậy mà lại gợi hứng cho biết bao người. Ít nhất là cho tôi, lúc này, khi nhìn người ta đang dựng những cây cầu khỉ quê mùa trong những hội xuân vui vầy nơi phố thị.
Nhật Quỳnh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.