Đồng bào Khmer Nam bộ: Tưng bừng mở hội tại Bạc Liêu

Thứ Sáu, 17/11/2017 | 18:23

Mang đậm sắc thái văn hóa Khmer Nam bộ, từng hoạt động, từng tỉnh, thành phố, thậm chí là tâm trạng háo hức của mỗi người dân có mặt và tham gia, đã làm nên không khí từng bừng, rộn rã cho ngày đầu tiên khai hội Ngày hội VH-TT&DL đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VII - Bạc Liêu 2017 (gọi tắt là ngày hội).

Trong khi những tiếng reo hò làm náo động tuyến kênh xáng Quản Lộ - Phụng Hiệp (đoạn trước Công an huyện Phước Long) cổ vũ cho giải đua ghe Ngo chính thức khai mạc sáng hôm qua (17/11), thì hội thi nghệ thuật quần chúng cũng đã khai màn tại Nhà hát Cao Văn Lầu. Sự phân bố lịch cho các hoạt động của Ban tổ chức với thời gian trùng khớp lại diễn ra tại những địa điểm khác nhau là nhằm cho đồng bào Khmer khắp nơi trong tỉnh Bạc Liêu có thể thụ hưởng những hoạt động phong phú, vui tươi, đậm đà bản sắc của ngày hội. Thế nhưng, điều đó cũng gây… tiếc nuối cho không ít người, nhất là thành phần nằm trong Ban tổ chức, ban thẩm định, trọng tài, diễn viên, vận động viên và kể cả… cánh nhà báo, phóng viên, vì họ chỉ có thể “chọn 1 trong 2”. Tiếc nuối vì hoạt động nào cũng là “món ăn tinh thần” đặc sắc không thể bỏ qua nhân ngày hội 3 năm mới diễn ra 1 lần. 

Không khí tràn ngập sắc màu văn hóa của đồng bào Khmer Nam bộ trong lễ khai mạc ngày hội. Ảnh: H.T


Đã nhiều lần tham gia ngày hội với vai trò là nhạc công, anh Chao Xiêm (tỉnh An Giang) bộc bạch: “Công tác tổ chức của Bạc Liêu rất chu đáo, tôi cảm nhận được không khí thoải mái khi đến nơi này. Chúng tôi sẽ thi diễn hết mình để cống hiến cho ngày hội những tiết mục mang đậm sắc thái văn hóa của đồng bào Khmer”. Với mục đích giới thiệu và sẻ chia cùng nhau những nét đẹp văn hóa - nghệ thuật của mỗi địa phương, góp nên hương sắc cho văn hóa Khmer Nam bộ, từng đoàn nghệ thuật nói chung, từng cá nhân nói riêng đã cống hiến hết mình trên sân khấu. Minh chứng là phần “chào sân” hội thi biểu diễn nghệ thuật quần chúng, 3 đơn vị Bạc Liêu, An Giang, Bình Phước đã mang về những tiết mục vui tươi, đầy xúc cảm và quan trọng hơn hết là giữ trọn bản sắc dân tộc của đồng bào Khmer Nam bộ. Khán giả đã dành nhiều tràng pháo tay cho những tiết mục của Bạc Liêu. Những cánh sen hồng trên đôi tay dịu dàng của các diễn viên múa đã làm nên một tiết mục lung linh xen lẫn niềm xúc động trong ca khúc “Châu Thới sáng mãi Đền thờ Bác”. Rồi một không gian vui như tết được nghệ thuật hóa trên sân khấu sáng đèn, đó là trích đoạn lễ hội Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer. Lễ cúng ông bà, mang vật phẩm đến chùa cúng Phật, tụng kinh, những trò chơi dân gian vui nhộn đã làm cả hội trường như chìm trong không gian văn hóa Khmer hết sức đậm đà! Những âm thanh độc đáo của dàn nhạc ngũ âm đã làm cả khán phòng im bặt, rồi khúc độc tấu của nhạc cụ dân tộc thánh thót khiến người xem tràn ngập những cung bậc cảm xúc! Những bộ trang phục tuyền thống từ trang phục cưới đến trang phục lễ hội, trang phục đời thường, trang phục lao động của đồng bào đã khiến mọi người choáng ngợp trước vẻ đẹp nửa lung linh, nửa bình dị, nhưng tựu trung lại, không thể lẫn với bất kỳ dân tộc nào… Mỗi đơn vị một cách dàn dựng khác nhau, tuy nhiên thông điệp chung là giới thiệu những nét đẹp thuộc về văn hóa truyền thống đã làm cho ngày hội đầu tiên thật sự như đắm chìm trong không gian độc đáo của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ.
Nếu như bên trong sân khấu khán giả dán mắt vào từng tiết mục thì trước Nhà hát Cao Văn Lầu, chúng tôi được thưởng lãm những “bảo tàng” thu nhỏ của từng tỉnh, thành phố tham gia ngày hội. Những bộ trang phục truyền thống, những dụng cụ lao động gắn với nghề truyền thống, những hiện vật liên quan đến đời sống của đồng bào, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào thể hiện trên từng khuôn ảnh, những ngôi nhà sàn gỗ, mô hình chùa chiền… đã làm bừng lên nét đẹp của không gian văn hóa Khmer đích thực. Anh Thạch Nam Phương, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Cà Mau, chia sẻ: “Ngoài những hiện vật, tranh ảnh của bảo tàng thì chúng tôi còn sưu tầm hiện vật từ trong đồng bào Khmer. Khi biết được mục đích, ý nghĩa của ngày hội, bà con rất nhiệt tình và mong muốn được giới thiệu những nét đẹp văn hóa của mình đến với bạn bè khắp nơi nhân dịp này”. Còn chị Thạch Thị Hường (xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) vừa nhiệt tình gói cốm dẹp cho mọi người, vừa cho biết mình may mắn là người đại diện cánh chị em phụ nữ trổ tài đầu bếp trong ngày hội này. Có hẳn một hội thi ẩm thực trong ngày hội, nhưng Sóc Trăng lại khéo léo giới thiệu món cốm dẹp ngay trước không gian trưng bày triển lãm, giới thiệu nghề truyền thống của tỉnh mình.
Và một bầu không khí như vui hơn mở hội chính là chương trình nghệ thuật “Bạc Liêu niềm vui hội tụ” vào tối qua trên sân khấu lớn trước Quảng trường Hùng Vương. Hàng ngàn đồng bào đã có mặt tại sân khấu, và xem trực tiếp trên sóng truyền hình Việt Nam, 12 tỉnh, thành phố tham gia ngày hội. Những âm thanh rộn ràng, những sắc màu văn hóa thật sự đã hội tụ về đây làm nên một đêm nghệ thuật hoành tránh mà ấm áp, đậm đà bản sắc, khởi điểm cho những ngày hội vui!
Vẫn còn 2 ngày diễn ra nhiều hoạt động phong phú nữa, tuy nhiên ngày đầu tiên khai hội, đồng bào Khmer Nam bộ đã thật sự mang về không khí tưng bừng trên đất Bạc Liêu. Thật đúng là “Bạc Liêu, niềm vui hội tụ” khi bản sắc văn hóa hội tụ, đua chen tỏa sắc khoe hương.
Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.