Đôi bàn tay

Thứ Hai, 17/09/2018 | 17:12

Nắng ngả về chiều, gió từ đồng xa thoảng đưa mùi rơm khô, đẫm vị phù sa ngai ngái đưa tôi về thăm nhà. Cánh đồng làng trơ đầy rạ, đất ngửa mặt hứng sương đêm nũng nịu đòi con nước. Hoàng hôn mệt nhoài rơi đều trên đường quê, ngõ xóm ánh nắng vàng uể oải. Vài mái lá nhấp nhô trong khói chiều bảng lảng, nhẹ tênh. Chạng vạng, mé sông con nước trườn mơn bờ bãi. Phía ấy, mẹ tôi chắc giờ này đang ngồi đan thảm trước hàng ba hay bận bịu với bữa cơm chiều?

Quê tôi, xưa nay vẫn vậy, hễ chiều về thì vẳng xa xa có tiếng chim vịt kêu vang. Âm thanh buồn mà ấm áp biết mấy. Cây bần nơi bãi bồi như chờ ai mà nghiêng mình đối bóng. Bên ánh lửa tàn mất ngọn, hơi nước trong ấm bốc cao, ba ngồi bên bộ bàn tròn, hớp cốc trà, nếm vị đắng phía đầu lưỡi mà vị ngọt lần dài phía vòm họng. Sau một buổi ngụp lặn đặt lú, ba về nhà. Vừa uống trà, ba vừa kể cho má nghe những câu chuyện thường ngày: chuyện con nước lớn, nước ròng, chuyện mùa cá rủ nhau về quẫy ổ… Má ngồi lắng nghe, đôi tay đều đặn đan thảm, miệng huyên thuyên nói chuyện đặt hàng, mẫu thảm trên hợp tác xã, chuyện giá cả leo thang…
Có lần ngồi cạnh má, tôi hỏi: “Má theo nghề đan thảm này bao lâu rồi, má nhớ không?”. Má cười, rồi bấm đốt ngón tay - bàn tay gầy guộc, khô ráp chi chít những vết trầy xước: “Cũng đã hơn 20 năm con à”. Má nói tiếp, ánh mắt má sáng lên: “Hồi ấy, ba bây đâu có biết chẻ lác, đánh dây nhưng nặng gánh mưu sinh nên ngoài việc đặt lú ra, thấy má vất vả nên ổng làm phụ riết rồi quen tay…”.
Má kể, hồi mới 14 tuổi, đã được bà ngoại truyền cho má nghề đan lác, từng sợi lác kết nên những thảm lác bắt mắt, đều đặn. Vì vậy, má luôn nặng lòng với nghề truyền thống của gia đình. Má đã “kế nghiệp” và thổi bùng ngọn lửa yêu nghề cho gia đình và cả xóm khi về đây làm dâu. Sợi lác quê nghèo đã nối dài chuỗi yêu thương kết thành những trang sách thơm tho của tôi trên bước đường đại học. Cuối tháng giao hàng cho vựa, má cắc củm gửi hai phần tiền công cho tôi, phần còn lại trang trải cho gia đình.
Thi thoảng về thăm nhà, tôi thích ngồi kế má học nghề đan. Má tỉ mỉ dạy cho tôi đan lác. Vừa dạy, má vừa nói: “Đan lác cũng không có gì là khó. Mối lác nào cần đan trước, sợi lác nào cần đan sau thì con phải chú ý. Sản phẩm làm ra muốn bền và đẹp thì người thợ phải biết khéo léo từng mối đan. Cũng giống như anh em tụi con trong nhà, phải có trước có sau, lớn rồi đến nhỏ, trên thuận dưới hòa thì gia đình mới êm ấm…”. 
Mai này, khi tốt nghiệp, tôi nhất định sẽ về quê mình để xin việc. Lúc ấy, mỗi chiều về tôi sẽ được nghe tiếng con bìm bịp kêu nước lớn. Con nước theo dòng, hàng đáy thi gan cùng mưa bão. Cuối cơn mưa, chái bếp dịu dàng bên làn khói xám. Để được nhìn hố mắt sâu gầy của ba, nhìn ba ung dung ngồi uống trà. Tôi được nhìn gương mặt thật hiền từ của má, đôi tay kéo sợi dây đưa nhịp võng thời gian. 
Đôi bàn tay của má, đôi bàn tay một đời đan lên những sợi lác ước mơ nuôi tôi khôn lớn.
Nguyễn Văn Kiệt

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.