Đến Tây Ninh thăm căn cứ Trung ương Cục miền Nam

Thứ Sáu, 18/01/2019 | 16:58

Đây là lần thứ hai tôi trở lại Tây Ninh, lần đầu cách đây hơn 2 năm. Hai chuyến đi, hai tư cách và… hai tâm trạng khác nhau. Chuyến đầu tiên, cùng với đoàn cán bộ Báo Bạc Liêu, tôi đi với tư cách khách du lịch. Cách đây độ một tuần, tôi trở lại Tây Ninh với tư cách “người đi học làm du lịch” (nói chính xác là tháp tùng cùng đoàn công tác ngành Du lịch Bạc Liêu để ghi nhận kinh nghiệm làm du lịch).
Chuyến đi đầu tiên, tôi chỉ cảm nhận Tây Ninh là xứ… nóng. Cái nóng đủ làm anh em trong đoàn khi về ai nấy cũng bị bệnh vì sốc nhiệt. Nhưng lần trở lại này, tôi cảm nhận Tây Ninh không nóng bức bởi khí hậu, mà nồng ấm bởi tình người. Chúng tôi đến thăm Khu di tích căn cứ Trung ương Cục miền Nam, chìm ngập trong xúc cảm bởi lời thuyết minh của anh cán bộ quản lý kiêm thuyết minh viên khu di tích, nên cảm nhận điều đó.

…Từ trung tâm TP. Tây Ninh, xe chúng tôi men theo Quốc lộ 22B đến cửa khẩu Xa Mát khoảng 44km, rồi tiếp tục rẽ phải theo Tỉnh lộ 792. Chạy thêm chừng 7km đến một ngã ba, xe lại rẽ phải theo đường căn cứ Trung ương Cục khoảng 9km thì đã thấy khu di tích thấp thoáng trước mắt. Đây là khu di tích được phục chế, tôn tạo thuộc khu rừng đặc dụng có tên gọi “Chàng Riệc” tại Rùm Đuôn (ấp Tân Tiến, xã Tân Lập, huyện Tân Biên).
Trong 60km, những người “bạn đường xa” như chúng tôi nhận thêm nhiều thông tin lý thú về khu di tích đặc biệt này. Anh em cán bộ làm du lịch Bạc Liêu thì ghi nhận để học cách gìn giữ, bảo quản và nâng tầm giá trị cho những di tích lịch sử - văn hóa ở địa phương, riêng tôi thu thập tư liệu là để “hầu chuyện” cùng độc giả qua ghi chép này. Cùng ngồi xe với chúng tôi trên đường đi, anh Thịnh, một cán bộ ngành Văn hóa tỉnh Tây Ninh giới thiệu: “Trung ương Cục miền Nam là cơ quan đầu não lãnh đạo trực tiếp cách mạng miền Nam từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho đến thắng lợi hoàn toàn. Trải qua nhiều lần thay đổi tên gọi, địa điểm, Rùm Đuôn là căn cứ sau cùng của Trung ương Cục miền Nam mà Ban lãnh đạo Trung ương Cục chọn làm nơi ở, làm việc cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (năm 1975). Năm 1990, khu căn cứ được Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT&DL) công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Xác định đây là khu căn cứ điển hình, có giá trị rất lớn về mặt lịch sử, khoa học, văn hóa và quân sự, cần phải được bảo tồn và phát huy, nên năm 2012 Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định công nhận đây là di tích quốc gia đặc biệt”.

Đoàn công tác Sở VH-TT-TT&DL Bạc Liêu nghe thuyết minh về khu di tích căn cứ Trung ương Cục miền Nam (tỉnh Tây Ninh). Ảnh: C.T


Nhìn địa hình toàn khu, giữa đại ngàn bốn bề là rừng, tôi chợt nhớ câu thơ “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” của nhà thơ Tố Hữu và hiểu được đó là ưu thế về mặt quân sự. Nên nơi đây đã được chọn làm địa bàn đứng chân sau cùng của Trung ương Cục miền Nam.
Anh Cao Hoài Phương (Tổ phó Tổ di tích căn cứ Trung ương Cục miền Nam) đón chúng tôi bằng nụ cười đôn hậu, thái độ chân thành. Suốt hành trình vào căn cứ Trung ương Cục là lời dẫn chuyện của một cán bộ tâm huyết với nghề, và trong tâm thế của một công dân Tây Ninh đầy tự hào với vùng đất là căn cứ địa quan trọng của cách mạng trong lịch sử. Bất cứ hiện vật nào trong toàn khu di tích, từ ngôi nhà ở và làm việc của các đồng chí lãnh đạo, cán bộ Trung ương Cục; cho đến những vật dụng nhỏ nhất như cái radio, bàn làm việc có ngăn kéo lắp một khoảng trống bí mật chứa tài liệu mật, đến chiếc giường nằm ngủ có một tủ nhỏ đựng tài liệu mật… đều được anh Phương giải thích cặn kẽ, thấu đáo. Đến nỗi, chúng tôi nghe mà hình dung được ở chỗ đó, phía đằng kia…, các đồng chí lãnh đạo cách mạng kiệt xuất của chúng ta đã chỉ huy từng trận đánh với những suy tư, trăn trở, những chiến thuật quân sự khéo léo để có một chiến thắng vẻ vang. Chúng tôi ghi hình ảnh rất nhiều ở những ngôi nhà là nơi ở và làm việc của các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng, Phạm Thái Bường… Khi một thành viên trong đoàn Bạc Liêu thắc mắc “liệu thời điểm đó đã có loại radio trưng bày trong một số nhà ở, làm việc của các đồng chí lãnh đạo?”, thì anh Phương giải thích thật thuyết phục. Anh Phương kể bằng chuyên môn của cán bộ quản lý di tích và bằng sự hiểu biết của một người dân Tây Ninh nắm bắt lịch sử địa phương rằng: Đồng chí Phạm Hùng là một người rất mê đờn ca tài tử, hễ rảnh rỗi là ông lại mở radio chọn chương trình đờn ca tài tử mà nghe. Cho nên chiếc radio không chỉ là phương tiện để nắm bắt thông tin thời sự mà còn để các vị thư giãn, lấy niềm vui tinh thần để khỏa lấp những giờ căng thẳng vì chiến sự, mất mát đau thương.
Chúng tôi được anh Phương dẫn đi thăm nhiều hạng mục của khu di tích. Có thể điển hình là khu trưng bày với gian trung tâm và hai gian cánh; gian trung tâm là nơi trang trọng nhất dành cho mảng tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; kế đến là khu tưởng niệm các vị lãnh đạo đã mất và các anh hùng liệt sĩ. Một nơi không thể bỏ qua là hội trường lớn, được trang trí giản đơn nhưng thu hút người tham quan là bản đồ quân sự về diễn biến của chiến trường miền Nam. Đến đây, chúng tôi như được sống trong những thời khắc chiến đấu vẻ vang, rồi tự trỗi dậy niềm tự hào dân tộc khi nghe tiếng động cơ xe tăng, máy bay, âm thanh pháo dội bom gầm được phục chế rất thật.
Thuyết minh di tích là một công việc đặc biệt. Giải thích cho người ta hiểu và thấm thía giá trị một di tích thì người thuyết minh phải là “người dẫn chuyện”, là người tự cảm thụ được giá trị rồi truyền cảm hứng để người lắng nghe thật sự đi vào câu chuyện lịch sử của di tích ấy! Ở một khu di tích với tên gọi đặc biệt, tầm quan trọng đặc biệt và giá trị thời đại đặc biệt như di tích căn cứ Trung ương Cục miền Nam, chúng tôi nhận ra điều đó khi nhìn cách dẫn chuyện của anh Phương. Anh đã đưa chúng tôi vào những thời khắc huy hoàng của lịch sử trên vùng đất Tây Ninh này, trước hết là bằng nhiệt huyết của một công dân Tây Ninh, sau là một cán bộ có tâm với nghề. (Đến đây, xin giải thích rõ là chuyến đi đầu tiên, tôi đã không vào tận những ngóc ngách của khu di tích nên cũng “hẫng hụt” kiến thức về khu này). Được biết, hàng năm khu đón hơn 1.000 đoàn khách trong cả nước, chưa kể những đoàn khách học sinh - sinh viên thường xuyên đến đây để tổ chức các hoạt động về nguồn. 
Chị Cao Xuân Thu Vân, Giám đốc Sở VH-TT-TT&DL Bạc Liêu, nói là sẽ chỉ đạo đồng chí Trưởng Ban quản lý di tích tỉnh Bạc Liêu tổ chức đoàn thuyết minh viên lên Tây Ninh để học tập kinh nghiệm. Riêng tôi, được về thăm căn cứ Trung ương Cục miền Nam lần này, mới thấy Tây Ninh đâu chỉ có cái nắng nung người mà còn có những tình cảm ấm áp, chân thành. Tình cảm đó thể hiện trong sự đón tiếp nồng hậu, trong thái độ dẫn chuyện bằng cái tâm. Điều đọng lại qua chuyến đi này có lẽ là một đoạn thuyết minh mà tôi hết sức tâm đắc: “Khu di tích căn cứ Trung ương Cục miền Nam là lịch sử trong cả một pho lịch sử bằng vàng thời chống Mỹ cứu nước của Đảng, của dân tộc.  Quay lại lịch sử chính là để vững bước đi lên, lòng tự hào về truyền thống cha anh và biết ơn những người đi trước cũng chính là nguồn nội lực để viết tiếp pho sử bằng vàng thời kỳ CNH-HĐH đất nước thân yêu”.
Chúng tôi đến đây học tập mô hình quản lý một khu di tích lịch sử đặc biệt cũng là với mong muốn Bạc Liêu có những “địa chỉ đỏ” để du khách tìm về nhiều hơn, và “quay lại lịch sử” để tự hào hơn nữa, khẳng định nội lực của quê hương mình.

Ghi chép của Cẩm Thúy

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.