Để tài nguyên trở thành sản phẩm du lịch

Thứ Hai, 03/12/2018 | 15:57

Tài nguyên du lịch (DL) dồi dào là tiền đề, nhưng chưa hẳn đã “làm giàu” cho ngành “công nghiệp không khói” của một địa phương. DL phát triển khi tiềm năng, tài nguyên biến thành sản phẩm cụ thể. Người đi du lịch muốn thụ hưởng sản phẩm DL trên con đường trải nghiệm từng điểm đến chứ không phải tìm hiểu, “nghiên cứu” DL ở dạng… tiềm năng, tài nguyên.

Tài nguyên chưa phải là sản phẩm
“Làm DL gian khổ lắm!”, trong một hội nghị về DL ĐBSCL, có một nhận định như thế! Nhiều đại biểu đều thừa nhận nhận định ấy không sai. Gian khổ là vì phải hội tụ rất nhiều nhân tố mới quyết định sự thành công. Một địa phương muốn phát triển DL, đòi hỏi trước hết nơi đó phải có nguồn tài nguyên DL dồi dào, tài nguyên ấy có thể là truyền thống văn hóa - lịch sử, những di tích đặc biệt, danh lam thắng cảnh, phong tục tập quán đặc trưng… Nguồn tài nguyên chỉ mới là tiềm năng, muốn tạo được sức hút mời gọi du khách thì nhất định, tài nguyên phải được “biến” thành sản phẩm DL. Sự “biến” ở đây dĩ nhiên đòi hỏi có sự “nhúng tay”, nhập cuộc của bộ ba không thể thiếu trong công cuộc “cách mạng” ngành DL: Nhà nước (cơ quan quản lý, chính quyền địa phương), doanh nghiệp và người dân! 
Gần đây, trong một buổi làm việc với đoàn giám sát HĐND tỉnh về tình hình thực hiện quy hoạch DL đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030, Giám đốc Sở VH-TT&DL - Cao Xuân Thu Vân khẳng định rằng: “Muốn thay đổi DL, trước mắt phải thay đổi tư duy từ cán bộ quản lý. Cán bộ quản lý phải nhận thức được vai trò của DL và nắm rõ cách làm DL”. Giám đốc Sở đã phân tích rõ nguyên nhân vì sao Bạc Liêu có nhiều điểm đến, di tích, di sản văn hóa… rất hấp dẫn nhưng DL vẫn chưa phát triển xứng tầm. Chung quy lại là vì chúng ta chỉ có tài nguyên mà chưa “biến” tài nguyên thành sản phẩm, ngặt nỗi không phải ai cũng nhận ra điều này.
Trong năm, Sở đã tổ chức lớp tập huấn xoay quanh những nội dung như: Quản lý tài nguyên DL như thế nào để biến thành sản phẩm, xây dựng sản phẩm DL là như thế nào… Đó là những vấn đề “sát sườn” của cuộc cách mạng DL, đưa DL Bạc Liêu bứt phá lên vị trí tốp khá trong DL ĐBSCL trong tương lai gần, để DL xứng tầm là 1 trong 5 trụ cột quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thế nhưng, băn khoăn một nỗi: lớp tập huấn chưa thu hút sự quan tâm của những cán bộ quản lý, chính quyền địa phương. Trong khi, phải hiểu rõ vấn đề thì mới bắt tay thực hiện, vạch ra hướng đi thích hợp. 

Du khách tham quan Quảng trường Hùng Vương. Ảnh: C.T

Xây dựng sản phẩm DL
Xây dựng sản phẩm DL, tất nhiên không phải là nhiệm vụ chỉ thoái thác cho mỗi ngành chức năng! Ngành chức năng đóng vai trò là đơn vị tham mưu, quản lý về chuyên môn, còn việc phát triển thành sản phẩm DL lại đòi hỏi thêm sự bắt tay nhiệt tình của chính quyền địa phương đang quản lý trực tiếp những tài nguyên DL. 
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc - nghệ thuật mang giá trị cao để làm DL nhưng không phải di tích nào cũng là điểm DL! Một số ít địa phương quản lý di tích thậm chí còn để di tích bị xuống cấp, chưa kịp thời trong công tác bảo tồn thì nói chi đến việc xây dựng thành sản phẩm DL?! 
Làm thế nào để biến tài nguyên thành sản phẩm DL? Xin điển hình một điểm tham quan hấp dẫn ở huyện Vĩnh Lợi. Khi tham quan tháp cổ Vĩnh Hưng, nhiều du khách đã thích thú thốt lên rằng có một “miền Trung giữa lòng Bạc Liêu”. Nhưng ngặt nỗi, một công trình kiến trúc nghệ thuật sau hơn 20 năm được công nhận là di tích cấp quốc gia vẫn chỉ là điểm tham quan! Muốn tháp cổ Vĩnh Hưng trở thành sản phẩm DL thì đòi hỏi phải đầu tư thêm những hạng mục liên quan tối cần thiết như… nhà vệ sinh, điểm kinh doanh quà lưu niệm, bảo đảm vấn đề an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, và đặc biệt là phải có “câu chuyện về di tích” qua lời giới thiệu của thuyết minh viên chuyên nghiệp. Xúc tiến những việc làm này đòi hỏi sự hợp tác của chính quyền địa phương, doanh nghiệp và hộ dân làm du lịch. 
Xây dựng sản phẩm DL đòi hỏi sự hợp tác song phương giữa bên quản lý chuyên môn và chính quyền địa phương trực tiếp quản lý di tích sở tại. Một thời gian dài đã có sự nhập nhằng: Chính quyền địa phương “ngộ nhận” làm DL là nhiệm vụ của sở chuyên trách (tức Sở VH-TT&DL), trong khi sở này chỉ tham mưu, đề xuất về mặt chuyên môn. “Di tích nào thuộc địa phương quản lý thì nên giao địa phương đầu tư phát triển sản phẩm DL, Sở VH-TT&DL sẽ tích cực tham mưu, kết hợp với vai trò là ngành chuyên môn”, đó là một đề xuất của ngành DL.
“Thậm chí, nghệ thuật Đờn ca tài tử hiện nay cũng chỉ là tài nguyên, chứ chưa phải là sản phẩm DL”, đó là lời khẳng định của chính người đứng đầu quản lý về DL. ĐCTT chỉ thành sản phẩm DL chỉ khi có mô hình biểu diễn độc đáo, thu hút du khách. “Bóc tách” được nét đặc trưng riêng có, chứ không chỉ là biểu diễn các bài bản chung chung, vì đó là tài nguyên mà ở bất kỳ tỉnh, thành phố nào của khu vực ĐBSCL cũng đều có. Và dựa trên tài nguyên sẵn có, ngành chức năng đang xúc tiến từng bước (tham mưu, phối hợp với các đơn vị liên quan) để xây dựng sản phẩm du lịch đưa vào các tua, tuyến du lịch của vùng. Đó là những điểm tham quan điển hình như: chùa Xiêm Cán, chùa Hưng Thiện, kể cả điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL như Quảng trường Hùng Vương cũng rất cần thêm những mô hình, dịch vụ DL hấp dẫn hơn mới thật sự là sản phẩm DL thu hút khách tham quan chứ không chỉ là địa điểm để du khách dừng chân nhìn ngắm.
Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.