Đầu tư chương trình nghệ thuật mang tính hiện đại: Còn lắm cái khó!

Thứ Tư, 17/07/2019 | 15:56

Từ cuối năm 2018 đến nay, Nhà hát Cao Văn Lầu (NHCVL) đã có nhiều nỗ lực vực dậy phong trào văn hóa - nghệ thuật tỉnh nhà. Với những đêm cuối tuần sáng đèn sân khấu, NHCVL đã tạo ra điểm đến hấp dẫn cho người dân TP. Bạc Liêu cũng như phục vụ một bộ phận du khách đến đây nghỉ qua đêm. Thế nhưng, khán giả Bạc Liêu vẫn mong chờ những chương trình nghệ thuật được đầu tư mang tính hiện đại, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của đông đảo khán giả thuộc nhiều thành phần. 

Trong chuyến lưu diễn tại một số tỉnh, thành phố phía Nam mới đây, Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam đã có 2 đêm diễn tại Bạc Liêu. Chương trình ca nhạc kịch tổng hợp “Hương sắc Hà Nội” và kịch thiếu nhi “Giấc mơ nàng tiên cá” đã thổi một luồng gió mới vào đời sống tinh thần của khán giả Bạc Liêu, đặc biệt là các bạn nhỏ. Với Bạc Liêu, việc đầu tư cho một sân khấu hiện đại như thế, theo lãnh đạo NHCVL thì còn nhiều cái khó.
Sân khấu truyền thống giữ gìn bản sắc
Trở về với sân khấu truyền thống của NHCVL, với hai chương trình nghệ thuật tổng hợp “Hào khí non sông” và “Bạc Liêu ngày ấy”, xen kẽ trích đoạn một số vở cải lương, khán giả được xem những chương trình đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam và bản sắc văn hóa đất Bạc Liêu. Nếu “Hào khí non sông” đưa người xem về với những triều đại vua chúa của hành trình lịch sử Việt Nam hào hùng; thì “Bạc Liêu ngày ấy” giúp khán giả hiểu về thời Bạc Liêu mở đất, sự kiện Nọc Nạng, về danh tiếng Công tử Bạc Liêu trong lịch sử nối dài cho thương hiệu du lịch Bạc Liêu hôm nay, về bản “Dạ cổ hoài lang” bất hủ của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu…
Không thể phủ nhận ý tưởng độc đáo của những người trong vai trò đạo diễn dàn dựng, viết nội dung kịch bản để sáng tạo những tiết mục văn nghệ độc đáo trên một sân khấu truyền thống gìn giữ đúng chất bản sắc văn hóa của Việt Nam nói chung và Bạc Liêu nói riêng; từng bước phát huy đúng công năng của NHCVL. Thế nhưng, nếu chỉ dừng lại ở đó thì NHCVL chưa đủ sức hấp dẫn để khán giả tìm đến. Xây dựng chương trình để phục vụ người dân (trên địa bàn TP. Bạc Liêu) và quảng bá giá trị văn hóa - lịch sử, vùng đất, con người (đối với du khách) là điều cần thiết, nhưng cũng cần nghĩ đến nhu cầu, thị hiếu phong phú của nhiều thành phần khán giả bây giờ. Một sân khấu hiện đại phục vụ cho giới trẻ lồng ghép với sân khấu gìn giữ bản sắc như bấy lâu nay, thiết nghĩ là điều NHCVL nên vươn tới.

Kịch “Tơ trời mong manh” trong chương trình ca nhạc kịch tổng hợp chủ đề “Hương sắc Hà Nội” của Nhà hát Tuổi trẻ. Ảnh: C.T
 

Vươn tới sân khấu hiện đại
Chương trình ca nhạc kịch “Hương sắc Hà Nội” của nhà hát Tuổi Trẻ là sự hòa trộn của truyền thống và hiện đại. Những bài ca đi cùng năm tháng về Hà Nội, những bài dân ca Nam bộ xen lẫn một số bản nhạc trẻ đang “hot” hiện nay; việc phối trộn độc đáo đó cộng với sự tinh tế trong dàn dựng tổ hợp múa, bố trí màn hình led, âm thanh, ánh sáng sống động, phục trang đẹp… khiến khán giả thích thú khi thưởng thức. Hài kịch “Tơ trời mong manh” và “Mày là bố tao” diễn xuất tự nhiên, từng mảng miếng hài khiến khán giả cười không ngừng nghỉ. Từ nhân vật chính đến vai phụ đều chăm chút cho vai diễn của mình. “Giấc mơ nàng tiên cá” đưa khán giả đắm chìm vào thế giới đại dương bao la, gặp lại nhiều nhân vật cổ tích quen thuộc: nàng Tiên cá, vua Thủy Tề, phù thủy Bạch tuộc đen, chàng hoàng tử… Thiết bị màn hình led công nghệ 5D hỗ trợ giúp vở diễn thêm sống động như thật. Cô Lê Kim Ngọc (một khán giả ở phường 1) cho rằng: “Nếu chương trình nào cũng hay như vậy thì NHCVL sẽ kéo khán giả đến đông lắm”. 
Anh Ngô Quốc Khánh, Phó Giám đốc NHCVL, thừa nhận: “Ý tưởng làm sân khấu tổng hợp đan xen truyền thống và hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu vốn đa dạng của khán giả thuộc nhiều thành phần trong xã hội, chúng tôi đã có từ lâu, thế nhưng có rất nhiều cái khó! Trước mắt là chưa có những ca sĩ chuyên nghiệp, có thể vừa hát vừa biểu diễn (nhảy, múa) làm sôi động sân khấu, diễn viên kịch cũng chưa có đội ngũ qua đào tạo chuyên môn. Còn chưa kể về những trang thiết bị hiện đại bổ trợ cho một sân khấu hiện đại. Chẳng hạn kịch thiếu nhi “Giấc mơ nàng tiên cá” của Nhà hát Tuổi trẻ tốn ít gì cũng vài trăm triệu đến 1 tỷ đồng chi cho các khâu phục trang, kỹ thuật, đạo diễn, diễn viên… Những chương trình phục vụ tết của NHCVL rất được khán giả yêu thích, đó là vì có kinh phí để thuê ca sĩ chuyên nghiệp…”. Không thể so được với quy mô, tính chuyên nghiệp của Nhà hát Tuổi trẻ, nhưng theo anh Khánh, nếu vận động được nguồn tài trợ xã hội hóa thì NHCVL hoàn toàn có thể trình làng một sân khấu hiện đại với ê-kíp “hiện đại”.
Phó Giám đốc NHCVL cũng cho biết đang chuẩn bị ra mắt vở cải lương “Cây đèn thần” để phục vụ đối tượng khán giả thiếu nhi Bạc Liêu trong mùa Trung thu năm nay. Đó cũng là nỗ lực của NHCVL trong việc làm mới mình, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khán giả Bạc Liêu.
Nhật Quỳnh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.