Ký ức một thời

Có từ bao giờ hàng me xanh ngát…?

Thứ Sáu, 15/05/2020 | 18:09

Có lần tôi đem câu ấy hỏi nhà nghiên cứu Trần Phước Thuận, ông nói hàng me bên đường Trần Phú dễ có đến cả trăm năm tuổi. Là vì khi thành lập tỉnh Bạc Liêu vào năm 1882, người ta bắt đầu xây dựng dinh thự, đường sá, cầu cống… cùng với đó là trồng những hàng me, hàng điệp, hàng còng… Tôi, cũng bởi cái tình gắn bó hàng me, đoán rằng cả trăm năm này chắc nhiều người Bạc Liêu đã từng gắn bó kỷ niệm với hàng me thân thương ấy lắm.

Ngày lên học cấp 3, tự nghĩ mình đã thành người lớn. Những lúc có được ít tiền, tụi tôi hẹn nhau ở dãy cà phê hàng me. Phì phèo điếu CAPSTAN, mở bung vài cái nút áo ngực là thành người sành điệu ngay thôi mà. Thơ phú ra trò phết: “Bạc Liêu tôi/ Có hàng me xập xình tiếng nhạc/ Có con đường bàng bạc đêm trăng/ Ly đá bào mát lạnh chân răng/ Bún nước lèo không đâu ngon bằng quán lề đường gần cây xăng phường một...”. Bọn con gái ý tứ hơn. Nghe kể, hồi đó mấy cô nương đi hàng me ngồi quán, ngó qua bàn người lớn, thấy người ta tính tiền rồi đi, nước trong ly còn bao nhiêu cũng chừa ly mình y chang vậy. Chắc để khẳng định cái sự… “sành điệu như củ kiệu” (!!!).

Hồi đó, nhóm bạn học phổ thông của tôi khá nhút nhát. Nhưng “soi” nhau thì dữ lắm luôn. Tên nào lỡ rung rinh bởi nàng nào, cũng chỉ dám nhờ bạn bè rủ nàng ra hàng me ngồi chung cả nhóm. Luật bất thành văn, chầu nước ấy “chính chủ” trả tiền. “Điểm nhấn” là khi chủ quán bưng nước ra, sau khi chia đều khắp lượt, “khổ chủ” vụng về vươn tay khe khẽ cầm lấy cái muỗng cặm trong ly nước của nàng, nhè nhẹ quậy quậy nước đá tan nhanh cho nàng dễ uống, với một dáng vẻ không thể nào ân cần hơn được nữa… Trong khi ấy, bọn bạn nam bạn nữ hình như đã uống gần cạn phần nước của mình. Dòm vậy đủ biết rồi hén!!! Lại có nhỏ bạn, từ hàng me về, hôm sau vô lớp, nhận được mảnh giấy của nhỏ kia búng qua cái vèo: “Tao phát hiện ánh mắt ảnh nhìn mày không giống nhìn người khác…”. Đủ biết rồi hén!!!

Thằng bạn trong nhóm có bồ. Một ngày không đẹp trời cho lắm, bên ly nước cạnh gốc me, nó nhăn nhó mà rằng: “Cũng gốc me này, cái bàn này đây, hôm bữa cùng nàng…”. “Đẳng cấp sành điệu” mà, nó gọi ly cà phê đá (triết lý của nó: Phàm là đàn ông, phải uống cà phê đá ít đường). Bồ của nó được ly đá me sữa. “Đá me sữa, đặc biệt chỉ cà phê hàng me Bạc Liêu mình mới có, Hạnh uống đi”. Khổ mày chưa bưởi ơi! Bạn gái nó có biết uống sữa đâu. Tiền trong túi đủ trả vừa đúng ly nước “thường thường” và ly “đặc biệt”, nên thằng bạn “sành điệu” chỉ còn biết đẩy nhẹ cái ly cà phê “thường thường” về bạn gái, kéo cái ly “đặc biệt” về mình (ha ha). Cũng may, gương mặt chắc sần sượng lắm của nó lúc ấy được màn đêm “bảo bọc”, ánh đèn đường vàng vọt “phàm là” không đủ sáng để chọc quê nó…

Ra trường. Mỗi đứa mỗi cuộc sống riêng. Những lần họp bạn, bọn tôi vẫn chọn nơi đong đầy kỷ niệm ấy làm chốn hẹn hò. Hồi đó, trụ sở Báo Minh Hải tọa lạc ngay cạnh hàng me. Thằng bạn tôi kẹt tiền, hỏi mượn. Không có tiền trong túi, sẵn có cái giấy báo lãnh nhuận bút, tôi rủ nó đi cùng. Lên lầu, quẹo trái hai lần thì tới chỗ phát và được nhận món nhuận bút đầu tiên trong đời. Ấy là mẩu tin ngắn, nhưng có kèm ảnh minh họa, về hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Quang Vinh (TX. Minh Hải) mỗi tháng thu về 650 rúp. Tôi còn nhớ ánh nhìn thằng bạn, khi ngồi uống nước bên gốc me, lúc tôi móc cọc tiền lẻ vừa nhận được, ngắt phân nửa đưa nó đi dự đám cưới bà con họ hàng gì đó của nó dưới quê.

Thời gian trôi. Trong đám bạn tôi hồi ấy, vẫn có đứa, có lúc tìm đến hàng me này, ngó người, ngó đất, ngó cây hàng buổi trời, để rồi lai láng như vầy: “… Tôi đạp xe đi dưới lá me rơi/ Lẫn với dòng người và để lại sau tôi một trời áo trắng/ Áo dài trắng bay hoài trong gió sớm/ Trang điểm sáng này những khoảnh trắng trinh nguyên/ Như quên đi bao nỗi muộn phiền/ Cuộc sống quanh đây nên thơ lắm đó/ Một chút lá me rơi rơi trong gió/ Một thoáng áo dài nhẹ bay, nhẹ bay”.

Kim Sơn

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.