Có một siêu thị ngang chợ

Thứ Sáu, 01/11/2019 | 16:48

Chị sẽ không để ý sự có mặt của cái siêu thị mini ngang chợ nhiều đến thế nếu không thấy cái tấm vải vuông in chữ đỏ treo ngang trần nhà lồng chợ “Chợ Xóm Mới bán hàng tươi và sống, ở đâu rẻ hơn? Ở đây rẻ nhất”. Chị nhớ hôm qua lúc đi làm về, cái siêu thị nhỏ còn lỏng chỏng đồ đạc trước khi khai trương đã giăng một biển hiệu to đùng “100% tươi sống, rẻ hơn ở chợ!”.

Chợ là phần linh hồn của Xóm Mới, lúc đầu là cái xóm nhỏ của những anh Năm xe ôm, chú Bảy bốc vác, bà Tám cháo lòng, có bà Chín bán bánh mì pate gan nổi tiếng, có nhà Chệt gồng gánh gia đình từ bên Trung Hoa qua đây thời loạn lạc. Xóm Mới hồi xưa nhỏ xíu, quanh quẩn ở ngã ba Lương Thực, cái chợ vì vậy cũng túm tụm, sơ sài, nép bên miếng đất trống cạnh cái xưởng tiện của một đại gia trong xóm lúc bấy giờ. Xóm nghèo, chợ cũng nghèo, lác đác một người bán thịt, hai người bán rau, vài người bán cá cùng mấy món đồ quê, có thêm một hàng bán cơm sườn cho mấy bà đi chợ mà có dẫn con nít theo. Đó cũng là những hình ảnh đầu tiên được lưu vào ký ức của chị về cái nơi trú ngụ hơn nửa đời người này.

Rồi xóm không còn mới nữa, ngoại trừ cái tên thì tất cả đều đã già, từ con người, ngôi nhà đến cái chợ. Khi tấm áo phố thị ngày càng chật với con đường mở rộng thênh thang, với những cư dân lạ lẫm, giàu có mới về, chợ cũng theo trào lưu hội nhập mà tập tành thay đổi. Chợ dọn ra nơi ở mới, rộng rãi, chia từng khu vực cho mỗi loại hàng hẳn hoi. Nhưng rồi trong cái không gian mới ấy, chị vẫn thấy một chợ Xóm Mới rất cũ. Chợ có thêm nhiều người buôn bán mà mấy ông quản lý gạch gạch trong sổ thu thuế hàng ngày với cái tên nghe nặng mùi giấy tờ “hộ kinh doanh”, thực chất cũng là mấy cô, mấy dì bám theo cái chợ từ hồi nó còn nghèo đến giờ, cùng với mấy người xứ khác về bày ít rau, cá để lo cho cuộc sống. Người từ chợ cũ rớt lại không bao nhiêu, cái thời má chị còn đi chợ thì chỉ có dì Lan bán dưa mắm, đồ chay, dì Út bán chè, chị Dung bán cá. Nhiều người mới, chị quen từ khi biết một mình xách giỏ đi tìm con cá ngon, miếng thịt tươi về chăm bẵm bữa ăn cho gia đình nhỏ như dì Ba bán rau, chị Phương bán thịt, bà Chín bán cá… bây giờ cũng đã là người rất cũ.

Bữa thấy tấm vải giăng ngang chợ là bữa chị dẫn con gái đi cùng. Để chị dạy con theo cách của má, cho con đi chợ, giúp con nghe tiếng đời ở nơi lao xao nhất. Con bé thấy dòng chữ, bật cười “ngộ quá”. Bà Chín bán cá giải thích cho má con chị bằng cái giọng ồm ồm đặc trưng: “Có công an cho phép mới treo đó nghen. Cưng đi coi thử đi, đồ siêu thị không bao giờ tươi như ở đây”. Chị dẫn con qua mấy lối đi nhầy nhụa nước, tiếng rao, tiếng mời, cả những tiếng chê đồ không ngon để đòi giảm giá thêm một chút trộn trong mùi cá, mùi thịt, hơi nóng từ mái tôn cũ. Cô gái mới lớn của chị cằn nhằn: “Mẹ cứ bắt con đi chợ…”, chị hiểu ý con sau câu bỏ lửng ấy. Chỗ bà Ba bán rau khô ráo hơn, nhưng chị lại không mua được thứ gì. Nhìn người đàn bà xơ xác nằm co ro trong cái góc nhỏ giữa bề bộn mấy bó rau héo, vài trái bí đao, bầu, mướp trơ trọi, chị không nỡ cất tiếng. Chạy chợ từ lúc hai giờ sáng từ một cái xóm nghèo cách chỗ bán gần chục cây số, khi chợ hơi vắng là bà tranh thủ ngủ bù. Nhiều lần như thế, người đi chợ cũng quen. Có người kêu bà thức, có người nhẫn nại đợi một chút, người không đợi được thì qua sạp bên kia. Chẳng ai nỡ lấy rau của bà.

Bước ra khỏi chợ, bên kia đường cái siêu thị nhỏ giăng đầy bảng quảng cáo với lời mời chào hàng loạt hàng giảm giá đã có vẻ đã sẵn sàng cho ngày khai trương. Chị quay qua hỏi con gái: “Chưa mua rau nữa, mình ghé chỗ nào đi con”. Câu trả lời của con như sắp sẵn: “Thì qua siêu thị đi mẹ, vừa mát vừa sạch”…

Như Anh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.