Cho trời lại sáng…

Thứ Tư, 09/01/2019 | 16:17

Những ngày đầu năm - “tết Tây” đã qua, nhân loại đang khởi động cho một năm mới bắt đầu. Tuy nhiên ở Việt Nam, người dân vẫn thường gọi thời điểm này là những ngày cuối năm. Là tháng Chạp, tháng cuối cùng của năm theo âm lịch. Đó cũng là thời điểm người ta phải tất tả trăm thứ việc để tổng kết một năm và đón mùa tết cận kề.

Nhưng năm nay, sự bộn bề ấy ở Bạc Liêu đâu chỉ là để chuẩn bị cho năm mới, mà còn là trăm việc lo cho dân. Những căn nhà tốc mái, đổ sập; những cánh đồng lúa ngã rạp trong biển nước vì mưa bão, hay muối của diêm dân tan chảy theo mưa trái mùa, và những khu “chợ chạy”, “chợ tạm” luôn rất cần sự chăm lo ấy. Là để “sau cơn mưa trời lại sáng”, cho tết được vui vầy.

Lực lượng dân quân tự vệ, bộ đội biên phòng phường Nhà Mát (TP. Bạc Liêu) giúp người dân dọn dẹp nhà cửa bị sập do ảnh hưởng bão số 1. Ảnh: H.T

1. Sáng sớm 4/1/2019, tôi nhận cuộc điện thoại của anh Nguyễn Văn Thanh, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Bạc Liêu, giờ là một chủ vuông tôm ở ấp Minh Điền (xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải). Anh nói như “đưa tin” cho phóng viên: “Em hay tin lốc xoáy ở Minh Điền hồi khuya nay chưa? Sập và tốc mái gần 50 căn nhà…”. Sau đó, anh còn chụp ảnh gửi cho tôi. Tòa soạn đã có phóng viên chuyên trách theo dõi và thông tin về ảnh hưởng bão số 1 trên địa bàn tỉnh, nên tôi đón nhận tin này bằng cái tâm chia sẻ của một con người đối với những con người đang khốn khổ vì thiên tai, khi cái tết rất gần. Tôi ngồi bần thần hình dung như thế này: Trong từng mái nhà bị sập kia, hẳn là những người chủ nhà đã từng tính toán, tết này sẽ sắm thêm vài món vật dụng trong nhà, sẽ sắp xếp gian bếp như thế nào, tủ, bàn, ghế nhà trước ra sao cho chu tất, sáng sủa đón khách vào ba ngày tết… Thế mà, chỉ sau một cơn lốc xoáy, tất cả chỉ còn là đống đổ nát. Những căn nhà chưa sập đổ hoàn toàn cũng chỉ còn trơ khung. Vật dụng trong nhà ướt mèm, đảo lộn. Những con người chưa bị mưa gió quật ngã nhưng tinh thần họ cũng chơi vơi trong đau khổ, khốn khó. Nhà anh Tám Trên (ấp Minh Điền) có lẽ là một trong những hoàn cảnh đau thương nhất. Gia đình anh có hai đứa con, vì ở xa trường học nên anh đã gửi một đứa về nhà người thân ở Cà Mau để tiện bề học hành. Còn một đứa anh chịu khó đưa rước ra một trường học ở TX. Giá Rai. Không may, chỉ một thời gian ngắn đưa rước con đi học, anh bị tai nạn giao thông, chấn thương về não và mất sức lao động. Đứa con ấy phải chuyển về trường xã học vì không ai đưa rước. Gia đình chỉ có ít đất đai để sống lay lắt qua ngày bằng con tôm, con cá. Thế mà giờ đây ngôi nhà còn đổ sập. Hai vợ chồng khóc ròng khi nhìn mái ấm thành đống đổ nát sau cơn lốc xoáy.

Nhưng, những người dân khốn khó như anh Tám Trên, và tất cả những bà con gánh chịu hậu quả sau cơn bão số 1 đã không cô đơn trong cơn hoạn nạn. Tấm hình anh Thanh gửi cho tôi đầy xúc động, và sau đó, rất nhiều hình ảnh tương tự vậy được các tờ báo đăng tải. Là hình ảnh những chiến sĩ bộ đội biên phòng, lực lượng quân dân, chính quyền địa phương xốc vác giúp đỡ dân ngay sau bão. Lãnh đạo tỉnh thì tổ chức thành nhiều đoàn đến tận nơi an ủi, động viên và hỗ trợ tiền cho người dân khắc phục khó khăn trước mắt. Facebook thì ngập tràn những hình ảnh tan tác sau cơn bão để kêu gọi mọi người “lá lành đùm lá rách” chung tay giúp đồng bào để “sau cơn mưa trời lại sáng”.

2. Ở ấp Trà Co (xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình) nơi có những cánh đồng lúa chín vàng đẹp như tranh vẽ mỗi mùa giáp tết, năm nay nhiều đồng lúa chỉ còn là khung cảnh tan hoang: lúa sập nằm xếp lớp trong nước. Hơn 2 tháng ròng chăm sóc ruộng nương, chờ mùa thu hoạch để sắm sanh cho tết và trả nợ cuối năm (đối với những nhà nghèo), thế mà…! Hàng năm, các cơn bão thường khởi động ở khúc ruột miền Trung và các tỉnh phía Bắc, năm nay cơn bão đầu tiên lại “ghé” miền Nam. Điều đó cho chúng ta một bài học rằng đừng chủ quan với việc phòng tránh thiên tai, hãy chủ động “lường trước” trong tất cả mọi việc, biết “tích cốc phòng cơ” để có thể ứng phó với bất kỳ rủi ro nào.

Và những nông dân, diêm dân ở Bạc Liêu nói chung cũng không cô đơn trong sự khốn khó vì lúa sập, muối tan chảy thành nước. Những cuộc họp “hết việc chứ không hết giờ” và không kể ngày nghỉ của ngành chức năng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở chính là để cứu bà con không bị thương nhân ép giá, đầu cơ trục lợi, làm giàu trên nỗi khổ của người dân. Một kho dự trữ muối quốc gia tại “tỉnh muối” như Bạc Liêu tuy chưa thành hình hoàn chỉnh nhưng cũng đang được những người có trách nhiệm cật lực hết mình để cứu từng vuông muối của những bà con làm nghề “mặn hơn muối” này.

Bà con tiểu thương đến bốc thăm vị trí mua bán ở khu chợ mới. Ảnh: T.Đ

3. Mấy ngày qua, trên khắp các ngả đường ở TP. Bạc Liêu, đi đâu cũng bắt gặp xe thông tin lưu động của chính quyền tuyên truyền cho mọi người về việc di dời 2 chợ tạm trên đường Trần Huỳnh và đường Điện Biên Phủ. Tết tới nơi rồi, nhu cầu mua sắm của người dân sẽ tăng lên. Cảnh chen lấn xô bồ, người xe ngập ngụa trong nắng, trong thái độ cáu gắt (rất thường thấy) vì phải tranh nhau từng khoảng trống để dừng mua, rồi xảy ra va quẹt làm sao tránh khỏi cãi vã… Đó không phải là cảnh chợ văn minh của thời đại văn minh này. Việc sắp xếp những cái chợ văn minh như khu chợ Nông sản thực phẩm và chợ đối diện chùa Phật học (phường 3, TP. Bạc Liêu) chính là hướng tới những tiêu chí cần thiết như: chợ phải khang trang, thoáng mát, đầy đủ ánh sáng, đảm bảo vệ sinh môi trường, nước sạch sinh hoạt và đủ phương tiện phòng cháy chữa cháy. Bà con tiểu thương có thể gặp khó khăn trong việc thay đổi vị trí mua bán, nhưng cần phải đồng thuận cùng chính quyền địa phương vì những mục tiêu cần thiết ấy. Lâu dài, chính là vì lợi ích của tiểu thương! Người tiêu dùng xem việc đi chợ như việc phải… thở ôxy mỗi ngày, nên người ta cần một bầu không khí trong lành, một môi trường văn minh để được… thở, được mua sắm sạch sẽ, an toàn. 

Hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn sau bão, xây dựng chợ văn minh, an toàn để chấm dứt cảnh “chợ chạy”, “chợ tạm” mất an toàn giao thông, mất mỹ quan đô thị… là những việc làm thể hiện sâu sắc tinh thần “vì dân” của Đảng, chính quyền. Nên có những việc làm đòi hỏi sự đồng thuận giữa đôi bên. Có những chữ “đồng” ấy trong mọi việc thì tin chắc rằng “sau cơn mưa trời lại sáng”, khó khăn nào rồi cũng được san bằng. Trời lại sáng, người lại hân hoan để còn cùng nhau đón một mùa vui đang về thật gần.

Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.