Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Khmer: Những ý kiến tâm huyết

Thứ Hai, 25/02/2019 | 16:32

Bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào Khmer nói riêng luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị. Nhận thấy văn hóa dân tộc Khmer có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Bạc Liêu, ngành chức năng và đơn vị hữu quan đã có những ý kiến tâm huyết cho công tác bảo tồn.

* Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL:
“Phát triển du lịch để bảo tồn hiệu quả hơn”

Cùng với những sản phẩm tiêu biểu như: Điện gió, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu…, thì chùa Xiêm Cán (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) thật sự gây ấn tượng và được đoàn khảo sát đánh giá cao về tiềm năng phát triển du lịch. Ngôi chùa được bình chọn là một trong những công trình nghệ thuật kiến trúc Phật giáo Nam tông đẹp nhất Nam bộ. Chính vì vậy, Bạc Liêu cần sớm bắt tay khai thác tiềm năng chùa Xiêm Cán để tạo ra một sản phẩm mới, cũng như làm đa dạng màu sắc “bức tranh” du lịch của mình. Theo tôi, nơi đây sẽ hấp dẫn du khách hơn nếu đầu tư một cách bài bản các loại hình dịch vụ như: homestay, trình diễn và phục vụ ẩm thực dân tộc Khmer, bán quà lưu niệm, tổ chức trò chơi dân gian và biểu diễn nghệ thuật Khmer… Nếu các dịch vụ này hình thành, chùa Xiêm Cán sẽ trở thành một điểm đến thú vị trong hành trình khám phá Bạc Liêu. Không chỉ bảo tồn và quảng bá rộng rãi hơn bản sắc văn hóa Khmer, việc phát triển du lịch cũng sẽ giúp người dân nơi đây cải thiện cuộc sống.
* Bà Cao Xuân Thu Vân, Giám đốc Sở VH-TT-TT&DL Bạc Liêu: 
“Tăng cường đào tạo thế hệ kế thừa”

Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, hành động về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Khmer. Tiêu biểu là tổ chức lễ hội, các giải thi đấu thể thao, tết cổ truyền Khmer, hỗ trợ kinh phí mua sắm ghe Ngo, dàn nhạc ngũ âm… Đi liền với đầu tư, UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở VH-TT-TT&DL chú trọng thực hiện công tác đào tạo để xây dựng thế hệ kế thừa. Sắp tới, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị hữu quan mời nghệ nhân trong và ngoài tỉnh mở lớp dạy nhạc ngũ âm cho học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh. Mục tiêu đặt ra là mỗi học sinh sau khi ra trường đều có thể chơi được một vài loại nhạc cụ trong dàn nhạc ngũ âm. Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ làm việc với các chùa Khmer để củng cố, phát triển số lượng và chất lượng các đội văn nghệ; tạo điều kiện cho các đội ghe Ngo trong tỉnh tập luyện, thi đấu thường xuyên nhằm thúc đẩy phong trào thể thao quần chúng trong đồng bào dân tộc.

Dạy các điệu múa Khmer cho học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh. Ảnh: H.T

* Nhạc sĩ Thạch Mô Ly, Phó Giám đốc Nhà hát Cao Văn Lầu, Trưởng Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu: 
“Bảo tồn từ gốc”

Mặc dù được quan tâm bảo tồn, song nhiều loại hình nghệ thuật Khmer xuất phát từ dân gian dần bị mai một trong đời sống hiện đại. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân tộc phải được bắt đầu từ cái gốc. Nghĩa là bảo tồn tại nơi nó được sinh ra - những vùng có đông đồng bào sinh sống và trong chính mỗi người Khmer. Muốn như thế thì phải khơi dậy tình yêu, niềm tự hào trong đồng bào để họ nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của nghệ thuật dân tộc trong đời sống.
Đặc biệt là khơi dậy trách nhiệm, sự đóng góp của cộng đồng người Khmer để đầu tư mạnh mẽ hơn cho việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân tộc.
HỮU THỌ (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.