27/7 - ngày chia sẻ những nỗi đau

Thứ Sáu, 26/07/2019 | 16:30

Những ngày của tháng 7, có lẽ trong tất cả chúng ta - nhất là những người đã đi qua chiến tranh, những người mẹ, người vợ có chồng, con là thương binh, liệt sĩ chắc không khỏi bùi ngùi, xót thương về những người thương yêu của mình - những người đã vĩnh viễn nằm xuống cho Tổ quốc hồi sinh hôm nay.
Hơn 40 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, rồi chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc cũng ngần ấy thời gian, nhưng trong tim người còn sống hôm nay vẫn luôn khắc khoải, chờ đợi người thương yêu “ra đi không về nữa”. Người ra đi thì đã ra đi, nhưng người ở lại cứ day dứt khôn nguôi. Đó là một nghịch cảnh không nói hết bằng lời!
Mẹ tôi, khi bà còn sống (bà mất cách đây gần 10 năm), ngày 27/7 đối với bà luôn là những ngày sâu thẳm, miên man, quặn thắt…
Tôi có người anh ruột - anh Hai tôi, hy sinh vào Tết Mậu Thân 1968 lúc vừa tròn 18 tuổi. Ngày anh hy sinh, chính mẹ là người vuốt mắt con mình trước khi chôn cất. Vậy mà đằng đẵng mấy chục năm sau mẹ vẫn “không tin” điều đó là sự thật. Bà cứ mong manh hy vọng, đó chỉ là một giấc chiêm bao. Rồi chờ đợi và… chờ đợi đến mỏi mòn… Đúng như tâm trạng của một nhà thơ đã viết: “Ba mươi năm chờ con mòn ngạch cửa. Dù biết con không về”!... Rồi những đồng tiền Nhà nước trợ cấp cho gia đình liệt sĩ luôn được bà nâng niu, gói ghém cẩn trọng và bảo với anh em tôi: “Đợi anh Hai bây về trao lại cho nó vui”, còn bà thì… khóc!

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương và đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu thăm Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hạnh (91 tuổi, có 2 con là liệt sĩ) ở phường 1, TP. Bạc Liêu. Ảnh: P.T.C

Câu chuyện của mẹ tôi chắc cũng là tâm trạng chung của bao người mẹ, người vợ có chồng, có con hy sinh cho Tổ quốc. Nỗi đau mất chồng, mất con đã là quá lớn. Nhưng nỗi đau của sự chờ đợi, hy vọng, đặt cả niềm tin vào một phép màu nào đó còn lớn hơn nhiều. Nó cứ dai dẳng, cấu xé khôn nguôi với người ở lại. Đã có nhiều người vợ cùng những hy vọng mong manh của những phép màu đã “lặng lẽ thờ chồng và lặng lẽ… chờ chồng” đến đầu bạc răng long mà phép màu đâu đã xảy ra!
Nhiều lần tôi tự hỏi, liệu tôi (và chúng ta) có bao giờ thấu cảm hết nỗi đau với các chị, các mẹ. Chắc là chưa. Bởi “có mất mát nào lớn bằng cái chết”… mà chỉ có người trong cuộc (những người vợ, người mẹ, trong đó có mẹ tôi) mới thấu hết nỗi đau đến tận tâm can này.
Để tỏ lòng biết ơn và chia sẻ với những mất mát đau thương ấy, Đảng và Nhà nước đã lấy ngày 27/7 làm Ngày Thương binh - liệt sĩ, một ngày để tri ân, tưởng nhớ, khắc dạ ghi tâm bằng lòng thành kính nhất đến các anh hùng liệt sĩ, đến các mẹ, các chị, những người đã đổ máu xương cho Tổ quốc trường tồn. Tổ quốc, nhân dân và bao lớp người tiếp nối sẽ không thể nào quên, không được phép lãng quên, để nhằm bù đắp phần nào cho những hy sinh, mất mát đó.
Đã có rất nhiều chủ trương, chính sách, rất nhiều các hoạt động thiết thực giúp đỡ, sẻ chia cùng các mẹ, các chị, những thương binh, gia đình có công với nước… Phần lớn các gia đình có công với nước đều được chăm lo, giúp đỡ (dù chưa vẹn toàn). Chủ trương của Đảng, Nhà nước là vận dụng mọi chính sách để chăm lo đời sống vật chất cho mọi gia đình đều có cuộc sống “ít nhất phải bằng và tốt hơn mức sống trung bình ở khu dân cư”. Và điều đó đã hiện hữu trong mỗi gia đình. Rồi còn bao nhiêu chương trình hành động, việc làm của nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương, nhiều tổ chức, đoàn thể… với tấm lòng “đền ơn, đáp nghĩa” đã và đang diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi, mọi thời gian với mong mỏi được bù đắp phần nào cho những mất mát, hy sinh cao cả ấy... Những hành động, việc làm đó đã góp phần an ủi, động viên mọi gia đình vượt qua nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống…
Tuy nhiên, có một nỗi đau - những vết thương lòng của những người vợ, người mẹ - Mẹ Việt Nam anh hùng cứ luôn quặn thắt, không thể nào nguôi ngoai được. Từ hình ảnh của mẹ tôi, tôi đã nhìn thấy sự trống vắng, cô đơn, mỏi mòn, chờ đợi… Chờ đợi một điều gì sâu thẳm suốt tháng năm. Với Mẹ Việt Nam anh hùng - những người mẹ chỉ có một người con độc nhất hy sinh. Những người mẹ có đến năm, bảy người con hy sinh thì sao? Thật tình tôi không đủ can đảm để trả lời câu hỏi của chính mình!
Mấy dòng cảm xúc này trong ngày 27/7, tôi xin phép nghiêng về phía nỗi đau để được chia sớt, cảm thương cùng các mẹ - những người mẹ là những tượng đài của sự hy sinh, của lòng dũng cảm và tượng đài của những nỗi đau thầm lặng cứa ruột, cứa lòng…
Mấy dòng này cũng là lời tri ân tự đáy lòng của một đứa con đang hưởng sự tự do, hạnh phúc trong một đất nước hòa bình hôm nay.
Nguyễn Duy Hoàng

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.