Vấn đề bạn đọc quan tâm

Giấy khai sinh: Mở - đóng tương lai của trẻ?!

Thứ Tư, 10/07/2013 | 17:34

Khi chúng tôi đi tìm hiểu thông tin để viết bài này, nhiều người không tin ở thời điểm hiện nay còn trẻ không có giấy khai sinh (GKS). Sau thời gian đi thực tế, chúng tôi khẳng định từ TP. Bạc Liêu đến các huyện đều có những trường hợp như thế. Không GKS kéo theo nhiều cái không khác: không bảo hiểm y tế, không học hành… Những cái không này sẽ đưa đến một cái “có” cho trẻ: tương lai mờ mịt!

Nhà trường từ chối trẻ không GKS

Những ngày cuối tuần, rất dễ nhận thấy trẻ con TP. Bạc Liêu được cha mẹ đưa đến các khu vui chơi giải trí. Các em hết chơi trò đu quay, lại lên tàu lượn. Cha mẹ đi theo giữ chúng đến đuối người, còn trẻ em vẫn háo hức với các trò chơi quen thuộc. Ngược lại, ở nơi cách thành phố khoảng 40 phút xe máy, có 2 đứa trẻ đang cùng bạn bè trong xóm chơi bắn bi. Đứa lớn là Trần Văn Trọng (10 tuổi), em ruột là Trần Văn Tống (7 tuổi) đang sống với ông nội ở ấp Hoàng Quân I (xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi). Chơi bắn bi chán, các em lại khoác vai nhau ra cầu chơi trò ném đất xuống kênh. Tiếng lõm bõm làm chúng vui tai. Bị người lớn la rầy, chúng lại kéo nhau đi lòng vòng trong xóm.

Trọng và Tống được sinh ra trên đất Cam-pu-chia. Sau khi vợ mất, anh Toản (cha của 2 đứa trẻ) đưa con về sống với ông nội cách nay 2 năm. Quay về Cam-pu-chia làm nghề sửa xe hơi, và từ đó, anh Toản chưa liên lạc lại với gia đình. Chị Diệu (cô ruột của Trọng và Tống) đưa các em lên xã làm GKS. Xã yêu cầu phải có cha hoặc mẹ ruột đến thì mới làm GKS. Bặt tin người em, chị Diệu đành dắt 2 cháu trở về. Đến ngày bạn bè trang lứa trong xóm tựu trường, hai anh em Trọng phải ở nhà. Thấy cháu thích đi học, chị Diệu dẫn Trọng lên trường Tiểu học Hoàng Quân I để gửi vào học. Không GKS, nhà trường từ chối tiếp nhận em vì sợ cấp trên về kiểm tra. “Con thích đi học không?”, tôi hỏi em Tống. “Thích”. “Đi học để làm gì?”. “Để làm thầy giáo”.

Hai anh em Trọng và Tống không được nhận vào học vì chưa có giấy khai sinh (ảnh trên).

Ông nội của các em - ông Trần Văn Tứ - từ chiến trường trở về với nhiều mảnh đạn còn nằm trong cơ thể. Vết thương tái phát, năm 1998, ông phải cưa một phần chân phải. Tuổi cao, bị thương tật nên ông đem 5 công đất ruộng của gia đình cho người ta mướn với giá 3,5 triệu đồng/năm. Và đó là nguồn thu nhập chính của ông để nuôi 2 cháu. Trong nhà tài sản giá trị nhất là chiếc tivi hiệu Kanayo. Thấy ông không khả năng nuôi cháu, có người gợi ý nên đem chúng gởi vào chùa nuôi dưỡng. Ông Tứ gạt phăng ý kiến này. Ba ông cháu đùm bọc nhau trong nếp nhà lá không cao hơn đầu họ bao nhiêu.

Nhiều lý do…!

Cũng tại Vĩnh Lợi, ở khu vật liệu xây dựng Văn Hiền cũ (thuộc ấp Cù Lao, xã Hưng Hội) có khoảng 40 nóc gia, nhưng có hơn chục trẻ không có GKS. Thấy người lạ đến, nhiều trẻ nhỏ xúm quanh. Đứa thì lưa thưa tóc, đứa thì mặc độc chiếc quần, “khoe” làn da đen nhẻm. Gặp một người phụ nữ đi từ Hương lộ 6 vào với đôi quang gánh trên vai, tôi bắt chuyện. Chị tên Liêu Ngọc Lộc, 31 tuổi, vừa bán rau cải ở khu vực cầu Quay (phường 3, TP. Bạc Liêu) về. Nơi đây cách trung tâm thành phố khoảng 3 cây số nên mỗi sáng chị ra chợ cầu Xáng lấy 20 - 30kg rau cải rồi đem bán lại kiếm chút tiền nuôi 3 đứa con thơ. Bờ vai phải của chị hơi xệ so với bờ vai còn lại. Nó giống với hoàn cảnh gia đình chị, khi người chồng - trụ cột gia đình - đã mất cách nay hơn 3 năm. Cha mất nên cả 3 đứa con gái đều mang họ mẹ. Đứa lớn là Bé Trang (7 tuổi), kế đến là Mỹ Lan (5 tuổi) và Bé Vi (3 tuổi). Cả 3 đều không có GKS. Những lần “vượt cạn” của chị đều do một tay bà mụ vườn giúp đỡ. Chị Lộc đã 2 lần lên xã làm GKS cho các con, nhưng không có giấy chứng sanh, giấy xuất viện nên không thể làm được. Phòng “một cửa” của xã hướng dẫn về nhờ trưởng ấp đứng ra họp dân để xác nhận chị có 3 đứa con. Khoảng 15 người trong cộng đồng đã xác nhận, nhưng đến nay các con chị vẫn chưa thể có cái thủ tục đầu đời ấy.

Bé Sơn Minh Tiền (bồng trên tay) chưa có giấy khai sinh vì cha mẹ chưa “đủ tuổi” đăng ký kết hôn (ảnh dưới). Ảnh: N.Q

Ở khu này, nhiều trẻ không GKS với nhiều lý do. Bé Kim Thị Ngọc Trinh (hơn 9 tháng tuổi) chưa có GKS vì cha mất giấy chứng minh nhân dân nên không đăng ký kết hôn được. Bé Sơn Khang (hơn 2 tuổi), cha mẹ ly hôn, gởi bà nội nuôi dưỡng. Mẹ của bé Danh Thị Hồng Ca (6 tháng tuổi) không thể đăng ký kết hôn vì tuổi ghi trong giấy tờ mới 15 tuổi (tuổi thật là 19)… Cũng có bé không GKS là do cha mẹ không chịu đi làm. Họ viện lý do không có tiền thì bị chị Trần Thị Hiểu, cán bộ phụ nữ ấp Cù Lao ngắt ngang: “Làm GKS chỉ tốn hơn 20 ngàn đồng, làm gì mà không có tiền”. Họ lại đổ thừa không có xe, dù từ đây đến xã chỉ chừng 10 phút cuốc bộ.

Trước khi đi xuống khu này, tôi đã trao đổi về vấn đề GKS cho trẻ với ông Lâm Trung Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Hội, ông cho hay toàn xã chỉ còn 1 - 2 trẻ không GKS do cha mẹ không đăng ký kết hôn, tảo hôn, hoặc sinh mụ vườn. Đây là xã có tỷ lệ đồng bào dân tộc Khmer chiếm đa số. Ông Sơn cho biết thêm, xã đã được công nhận phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2012 và vừa được kiểm tra, tái công nhận.

Từ xã Hưng Hội, đi đò qua kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau là đến “nhà” vợ chồng anh Thái - chị Tuyết (ấp Kim Cấu, xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu). Con gái anh chị đã đến tuổi học lớp 1, nhưng vẫn phải ở nhà vì không GKS. Anh Thái là người gốc ở đây, nhưng khi “lấy vợ”, ra riêng không có hộ khẩu nên con cái sinh ra xã không làm GKS. Sau lần lên xã làm giấy cho con không được, nhiều năm trôi qua anh chưa thấy cán bộ ấp, xã một lần đến thống kê, hỏi han đến con mình.

Đi dọc đê biển từ TP. Bạc Liêu qua huyện Hòa Bình, đến huyện Đông Hải sẽ còn thấy nhiều, nhiều trẻ sinh ra không một tờ giấy… lận lưng. Những đứa trẻ sinh ra trong vạt rừng, lớn lên theo con nước và lênh đênh cùng sóng biển.

Làm khác… tập huấn

Bạc Liêu là một trong những tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL có số phụ nữ lấy chồng nước ngoài nhiều. Không phải lúc nào lấy chồng nước ngoài cũng có cuộc sống sung túc. Ngược lại, nhiều bà mẹ phải gởi con về cố hương nhờ ông bà ngoại nuôi giúp. Chính “yếu tố nước ngoài” đã khiến trẻ em khó làm GKS ở Việt Nam.

Bà Trần Thị Xuân (ấp Nhà Thờ, xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi) đang nuôi cháu ngoại Wu Chen Chu (tên tiếng Việt là Bảo Ngọc, 4 tuổi) thay con. Bà mang Bảo Ngọc từ Đài Loan về khi bé được hơn 40 ngày. Việc làm của con gái bà Xuân ở xứ người bấp bênh nên không kham nổi tiền gởi trẻ (khoảng 10 triệu đồng tiền Việt mỗi tháng). Cháu ngoại bà ở Việt Nam chỉ có cái hộ chiếu “hộ thân”, gia đình bà chưa biết phải đi lên cơ quan nào để làm GKS cho cháu. Do không GKS nên năm 2012, bà phải gởi cháu học ở một trường mầm non tư thục ở TP. Bạc Liêu, cách nhà gần một giờ chạy xe.

Cũng ở ấp này, bé Chiêu Mề Lũ (Mỹ Như, 7 tuổi) cũng phải học trường tiểu học tư thục ở TP. Bạc Liêu vì không GKS. Để cho cháu được đến trường, gia đình lấy bản sao GKS Đài Loan gởi vô trường tiểu học Tân Huê. Ông ngoại của bé Mề Lũ cho hay việc làm GKS Việt Nam cho bé gặp khó. Ông Phan Thanh Sơn, Công an ấp Nhà Thờ, nói rõ hơn về cái khó này: “Năm ngoái, tôi đi tập huấn ở Sở Tư pháp, một lãnh đạo sở nói chỉ cần người thân mang GKS nước ngoài của trẻ lên là làm được. Nhưng khi lên, cán bộ sở yêu cầu phải có mẹ của bé hoặc có giấy ủy quyền của mẹ bé mới làm GKS được”.

Trẻ đâu biết GKS là gì? Thế mà cái tờ giấy ấy ảnh hưởng đến trẻ quá lớn, có thể nói quyết định tương lai một con người. Không có nó, nhiều quyền lợi cơ bản, trẻ không được hưởng.

NGUYỄN QUỐC

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.