Truyện ngắn

Miền quê không xa…

Thứ Tư, 03/04/2013 | 15:46

…Và ông về thật.

Hai năm trước, ngày ông từ giã xóm giềng để đi nước ngoài đoàn tụ gia đình, do được đứa con gái duy nhất bảo lãnh là một bất ngờ đối với lối xóm. Không ai ngờ, cuối đời ông lại đi nước ngoài định cư. Lối xóm và những người quen thuộc đã quen với hình ảnh ông từ lúc trời còn tờ mờ sáng đến nhá nhem tối cùng chiếc xe đạp sườn ngang chở cái cần xé cỡ lớn phía sau đựng bánh mì được ủ bởi mấy viên than hồng, khiến bánh mì của ông bán lúc nào cũng nóng giòn. Phía trước, trên ghi-đông của chiếc xe đạp cũ kỹ ông treo mỗi bên một chùm bánh tét loại nhỏ. Bán bánh mì là nghề của ông thuở giờ ở khu vực quanh chợ Bạc Liêu, nhiều người biết mặt. Họ quen cả tiếng ông rao hàng với một câu gọn lỏn: “Bánh mì… hôn”, mà tiếng “hôn” lúc rao, ông kéo hơi dài thành ra còn nghe nhỏ xíu. Mấy năm sau này, khi đã trên 50 tuổi, ông mới trang bị thêm chiếc xe đạp sườn ngang để tới lui cho cặp giò đỡ ngán.

Chiếc xe đạp sườn ngang là do thằng Bảy sửa xe đạp đầu hẻm mót phụ tùng nhiều năm rồi ráp lại cho ông với giá rẻ như bèo. Chiếc xe đạp cũ kỹ giá trị chẳng bao nhiêu nhưng giải phóng được cặp giò lúc tuổi đã nhiều thành ra cái nghĩa, cái tình của xóm giềng đối với ông càng thêm sâu nặng. Sống được đến ngày hôm nay, với đất đai, người thân thuộc, gắn vào đời ông ân nghĩa đã nhiều. Nhưng trong cái xóm nghèo này, nhiều năm qua, có 2 người đối với ông có phần đặc biệt hơn, khi hỏi mua bánh mì ông chỉ tặng mà không bao giờ bán. Đó là thằng Bảy sửa xe đạp và cô Ba bán bánh khọt.


Quán cô Ba bán bánh khọt cặp bên chỗ thằng Bảy sửa xe đạp. Cô vốn là người phụ nữ khéo tay trong việc nấu nướng và làm bánh, đặc biệt là với các món bánh bình dân bán trong xóm hàng ngày. Cô Ba thay đổi các món bánh thường xuyên để khách hàng khỏi ngán. Bánh đúc, bánh khọt, bánh củ cải, bánh chuối, hủ tíu xào… Mái lá lụp xụp đó thành điểm dừng của nhiều người trong xóm. Ai đi ra, đi vô có việc đợi chờ cũng dừng chân kêu 1 ly trà đá. Ai sửa xe đạp chỗ thằng Bảy cũng qua bên này mua vài điếu thuốc lẻ, có cớ để đụt nắng, tránh mưa.

Nhà cô Ba ngay đầu hẻm trước đây là độc đạo, lại là người sống nhiều năm trong xóm nên thường thường cô Ba cũng được hỏi thăm những thông tin hết sức đời thường, đậm đà tình nghĩa mà thường chỉ nghe câu hỏi đó với những người trong gia đình hoặc thân thiết với nhau thôi. Ví dụ như: “Chị Ba à, thấy ông nhà tôi uống cà phê về chưa?”, “Dì Ba ơi, thấy thằng Tý của con đi học về chưa?”. Hay có khi là: “Chừng nào thấy con Hảo, con Hoa đi chợ, dì Ba kêu nó ghé nhà con một chút, con chờ nghen”... Mỗi lần nghe một câu nói tương tự như vậy, người nghe, nếu như không phải là người trong xóm sẽ cứ sờ sợ một câu trả lời: “Ai mà rảnh”. Nhưng không, cô Ba miệng vẫn tươi cười và trả lời tận tường từng câu hỏi đó.

Ông bán bánh mì có lẽ là người đầu tiên nhận ra điều đó nhưng chỉ nói thầm trong bụng - cái tính thiệt là gần gũi, dễ thương! Cô Ba nhỏ hơn ông gần chục tuổi mà vẫn sống độc thân cho tới bây giờ. Mấy năm sau ngày vợ ông mất, và sau ngày con gái ông lấy chồng nước ngoài, buổi chiều sau khi bánh mì đã hết, ông thường dừng chân ở quán cô Ba. Một là để nhận bánh tét bán dùm cô Ba, hai nữa là ông nhâm nhi vài ly rượu đế. Quán cô Ba không bán rượu, nhưng cô sẵn lòng mua giúp những khi ông muốn uống. Ông chỉ uống 3 chun nho nhỏ và mua của quán cô Ba vài bọc đậu phộng rang nhâm nhi lấy lệ. Mấy gói đậu phộng rang cô Ba cũng chẳng tính tiền.

Ông không nói ông buồn và cô Ba cũng không hỏi. Có thể hỏi thăm, tâm sự với nhau đủ thứ chuyện trong đời, nhưng những chuyện riêng tư thì ông và cô Ba đều không hỏi, chỉ sợ làm buồn nhau. Duy, chỉ một lần ông làm gan hỏi một câu, ấy cũng là những ngày gần ngày ông đi nước ngoài. Ông uốn lưỡi không biết bao nhiêu lần để hỏi: “Cô Ba còn chờ ai không mà tới nay chưa chịu lập gia đình?”. Hôm đó, buổi chiều ông uống nhiều hơn 1 xị rượu và sau câu hỏi đó, tưởng chừng áp thấp sẽ lớn lên thành bão, nhưng cô Ba cũng chỉ cười và nói: “Tôi còn chờ một người, anh không biết đâu…”.

* * *

Chỉ vậy thôi, sau đó ông từ giã xóm giềng, từ giã cô Ba để đi định cư ở nước ngoài. Ông hứa, thế nào ông cũng sẽ quay lại xóm này, chí ít cũng một lần trong đời. Và hôm nay ông về thật, dù chỉ mới 2 năm. Ông nói nhớ quê hương, xóm làng, nhớ bà con lối xóm... Nhưng, nói gọn lại, ông muốn về nước nhìn lại nơi “chôn nhau, cắt rún” của mình, nơi người bạn đời ông đã nằm lại trong lòng đất quê hương… cho dù là lần cuối cùng ông cũng vui. Ông có nói riêng với cô Ba thêm một câu rằng, nhất là tết nhứt, đầu tiên vẫn nhớ tới mấy đòn bánh tét. Ông không nói nhớ cô Ba.

So với 2 năm về trước, ngày ông ra đi, quán của cô Ba vẫn không mấy khác. Và ông cũng không mấy khác, khác chăng là chiếc quần bò, áo sơ mi không mới, bỏ ngoài, giầy Adidas… Có lẽ người ta không ngạc nhiên vì sao mới đi ông đã quay về trong khi ở đây, từ lâu ông không còn ai là người thân thích nữa. Mà người ta ngạc nhiên có lẽ vì bây giờ, nói cách nào thì ông cũng đã là Việt kiều mà sao thấy ông có vẻ không sang, không đẹp, không giàu…

Con hẻm nhỏ 2 năm trước đây lầy lội vào mùa mưa nay đã cao ráo và rộng hơn nhiều nhờ đã tráng xi măng. Thêm vào đó là ở cuối con hẻm ngày trước nay đã mở ra một khu vực rộng rãi với nhiều ngôi nhà cao tầng và đường sá ngang dọc khang trang. Ông ngỡ ngàng không nhận ra chính nơi mà mình đã từng sinh sống, vui buồn, nơi chính mình đã từng mang theo hình ảnh từng gốc cây, bụi lúa làm nỗi nhớ mỗi lúc đi xa.

Lúc chỉ còn ông, thằng Bảy sửa xe đạp và cô Ba, ông nhờ cô Ba mua dùm xị rượu để nhâm nhi với thằng Bảy. Ngà ngà say, ông lại hỏi cô Ba cái câu mà ngày trước có lần bạo gan ông đã hỏi. Cô Ba cũng trả lời bằng câu trả lời của ngày xưa, có điều khác hơn một chút, ngày trước cô Ba nói: “Tôi còn chờ một người, anh không biết đâu…”, còn bây giờ, vế sau, cô đổi lại: “…Anh cũng biết mà!”.

Ông biết là cái chắc, có điều, bây giờ bản thân ông đã rơi vào nghịch cảnh, ông đã ra nước ngoài, đã đi xa. Không biết tại cái tính nhát gan hay vì lòng tự trọng, phải chi hồi xưa nói luôn cho rồi, vòng vo làm chi biết ngày nào xuồng chèo tới bến! Ông lặng thinh, đắn đo không biết trả lời câu gì cho phải lẽ. Sau cùng thì ông cũng nói, có điều câu nói của ông chắc là cũng chỉ để nói với ông: “Thiệt! Bất nhơn…”.

Cô Ba mời ông và thằng Bảy sửa xe đạp bữa cơm quê nhà sau 2 năm trời xa cách mà chắc là ông mong nhớ lắm. Không khí của bữa cơm gia đình ấm cúng trên quê hương mình nên ông uống rượu hơi nhiều. Khề khà bên mâm cơm với những người thân quen nhất đời ông bây giờ. Ông nói: “Quê hương nói chớ, có xa xôi gì…”.

TRẦN XUÂN LINH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.