Trong nước

Đạo đức người làm báo trong kỷ nguyên số

Thứ Bảy, 18/03/2017 | 15:21

Kỷ nguyên số đã và đang tạo nhiều thuận lợi cho người làm báo. Tuy nhiên, nó cũng tạo ra môi trường cạnh tranh thông tin khốc liệt, làm nảy sinh những thách thức lớn chưa từng có đối với nền báo chí chuyên nghiệp. Đây là nhận định của các đại biểu tham dự Diễn đàn “Đạo đức người làm báo trong kỷ nguyên số” do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức vào ngày 17/3, tại Hà Nội.

Ảnh minh họa. Nguồn: vnmedia

Báo chí không còn độc quyền trong việc cung cấp thông tin

Những năm gần đây, báo chí Việt Nam phát triển theo hướng hội nhập, với đầy đủ các loại hình báo chí. Cùng với đó, việc ra đời của mạng xã hội với các ứng dụng vô cùng nhanh nhạy và linh hoạt trở thành thách thức lớn cho báo chí chuyên nghiệp. Báo chí hiện đang phải đối mặt với sức ép cạnh tranh thông tin từ các trang mạng xã hội đang có sức lan tỏa mạnh mẽ trên khắp thế giới. Ông Minh Nam, Tạp chí Người làm báo, chia sẻ: chỉ cần một vài thiết bị cá nhân phổ biến như điện thoại thông minh hay máy tính bảng, thông tin và hình ảnh về một sự kiện hay nhân vật nào đó sẽ dễ dàng được đưa lên internet và nhanh chóng lan truyền với tốc độ chóng mặt, đến khắp nơi trên thế giới chỉ trong một vài giây. Ngoài việc tạo ra sức ép cạnh tranh về tốc độ lan tỏa thông tin, mạng xã hội còn làm thay đổi cách thức làm báo truyền thống. Thuật ngữ “làm báo Facebook” giờ không còn xa lạ, khi một số phóng viên, đặc biệt là những người trẻ, đã từ bỏ cách thu thập, tiếp cận và thẩm định thông tin theo kiểu truyền thống, chuyển qua đi “săn” tin trên mạng xã hội.

“Khai thác, nhặt nhạnh thông tin từ mạng xã hội rồi xào xáo để biến thành tin tức của mình đưa lên trang báo đang trở thành một xu hướng "tác nghiệp" được không ít người làm báo theo đuổi. Và từ sự tùy tiện này, họ không chỉ bỏ qua vai trò xã hội, mà còn vi phạm đạo đức nghề nghiệp, trực tiếp làm suy giảm niềm tin của người đọc…”, ông Minh Nam khẳng định.

Đồng quan điểm này, ông Trịnh Quốc Dũng, Ban Nghiệp vụ - Hội Nhà báo Việt Nam, cho rằng: vai trò cung cấp thông tin đã không còn là đặc quyền riêng của các cơ quan báo chí truyền thống mà thay vào đó là vai trò đơn lẻ của mỗi nguồn tin trên truyền thông xã hội, nơi cung cấp thông tin nhanh nhất và trực tiếp nhất đến với công chúng.

Với sự xuất hiện của Internet và truyền thông xã hội, mỗi cá nhân tham gia có thể đóng vai trò của người cung cấp thông tin cho công chúng hay nói cách khác, việc cung cấp thông tin đã không còn là việc làm đặc thù của nhà báo. Khái niệm “nhà báo công dân” xuất hiện cùng với sự phát triển và ra đời của Internet và truyền thông xã hội. Tuy nhiên, nhà báo khi tham gia thông tin trên truyền thông xã hội, cùng với những kỹ năng nghề mà họ được trang bị, rèn luyện, trau dồi qua quá trình hoạt động báo chí sẽ khẳng định vai trò của mình qua sự chuyên nghiệp trong việc thông tin một cách chính xác, khách quan và có trách nhiệm.

Gương mẫu thực thi đạo đức báo chí

Là người chịu trách nhiệm trước cơ quan chủ quản báo chí và trước pháp luật về mọi hoạt động của cơ quan báo chí, Tổng Biên tập được trao cho “quyền lực” để thực thi nhiệm vụ. Trước đây, khi chưa có Internet và thông tin điện tử, việc Tổng Biên tập thực thi trách nhiệm và nghĩa vụ đạo đức báo chí để làm gương cho cấp dưới dường như dễ dàng, thuận lợi hơn. Từ khi bước vào kỷ nguyên số, trách nhiệm của Tổng Biên tập năng nề hơn, áp lực lên công việc của họ hàng ngày, hàng giờ, thậm chí hàng phút (như đối với việc điều hành xuất bản báo điện tử). Vì thế sự gương mẫu của Tổng Biên tập trong việc thực thi đạo đức báo chí là cực kỳ quan trọng.

Là người lãnh đạo cơ quan báo chí, ông Trần Trọng Dũng, Tổng Biên tập báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: Điều quan trọng là Ban Biên tập và cụ thể là Tổng Biên tập phải phải gương mẫu thực hiện. Tổng Biên tập không chỉ có bản lĩnh chính trị và trình độ chuyên môn sâu rộng, có khả năng quản lý và điều hành mà còn phải là người có tư cách đạo đức. Tổng Biên tập phải luôn thể hiện quan điểm chỉ đạo để tờ báo giữ đúng tôn chỉ, mục đích, phục vụ lợi ích đất nước, lợi ích nhân dân. Điều đó giúp cho việc thực hiện đạo đức báo chí thuận lợi. Đặc biệt trong kỷ nguyên số, khi mà việc sao chép các nội dung thông tin trên mạng trở nên quá dễ dàng thì vai trò của Tổng Biên tập càng quan trọng trong việc giữ được những nguyên tắc của đạo đức báo chí. “Nếu Tổng Biên tập cổ súy hay nhẹ hơn là thấy phóng  viên có những biểu hiện vi phạm đạo đức báo chí trong quá trình tác nghiệp như cố tình sao chép, đạo văn, “đánh hội đồng” doanh nghiệp, tiết lộ nguồn tin vô nguyên tắc, xâm phạm bí mật đời tư… mà không phê phán thì mặc nhiên phóng viên có vi phạm sẽ coi là “sếp” đã bật đèn xanh cho làm”, ông Trần Trọng Dũng nhấn mạnh.

Bên cạnh sự gương mẫu của người đứng đầu cơ quan báo chí, người làm báo cũng cần đề cao trách nhiệm của mình trong quá trình tham gia thông tin trên truyền thông xã hội. Ông Trịnh Quốc Dũng khẳng định: một nhà báo chuyên nghiệp với đầy đủ kỹ năng, nghiệp vụ báo chí được đào tạo và luôn trau dồi nâng cao nghiệp vụ trong quá trình hoạt động báo chí cần đề cao trách nhiệm khi tham gia thông tin trên truyền thông xã hội. Trách nhiệm của nhà báo khi tham gia thông tin trên truyền thông xã hội chính là trách nhiệm công dân của nhà báo, là trách nhiệm của nhà báo với cộng đồng và trách nhiệm nghề nghiệp (đạo đức nghề nghiệp) của nhà báo.

Ông Minh Nam, Tạp chí Người làm báo, thì nhấn mạnh: Trong cuộc chạy đua thông tin gay gắt giữa báo chí và mạng xã hội, báo chí muốn tồn tại và phát huy hiệu quả không còn con đường nào khác là phải xây dựng được niềm tin với công chúng. Bởi công chúng vẫn rất cần tới những tác phẩm báo chí có chất lượng, chứ không phải những bài báo chỉ để thỏa mãn sự tò mò, hiếu kỳ kiểu giật gân, câu khách. Nếu chúng ta nỗ lực hơn để đem lại thông tin hữu ích nhiều chiều thì không lo ngại quyền năng báo chí bị lấn lướt. Công chúng chắc chắn không quay lưng với những thông tin chuẩn xác mà báo chí đem lại.

(Theo ĐCSVNO)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.