Quản lý nuôi chim yến - có phải bài toán khó?

Thứ Tư, 19/02/2020 | 17:41

Nỗi ám ảnh của người dân trong khu dân cư hiện nay không gì khác hơn là những căn nhà yến mọc lên ngày càng nhiều, kéo theo đó là ô nhiễm về không khí, tiếng ồn, môi trường sống của cư dân trong khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thậm chí, nhà đất trong khu vực có nhiều nhà yến cũng khó bán hơn những nơi khác, do không ai muốn di chuyển đến ở một nơi mà suốt ngày phải nghe tiếng gọi yến đinh tai nhức óc.

Một cơ sở nuôi chim yến nằm trong khu dân cư trên đườngTrần Huỳnh nối dài. Ảnh: C.L

Mạnh ai nấy làm

Trong vai một người đang muốn đầu tư nhà để dẫn dụ chim yến, tôi được giới thiệu gặp anh H. Theo anh H., có 2 thứ để dẫn đến thành công cho một người nuôi yến - đó là xác định được chỗ sẽ cất nhà yến có gọi được yến đến hay không và việc lắp đặt nhà yến phải đúng kỹ thuật. Để xác định có thể gọi yến hay không, nếu khu vực đó chưa có ai nuôi thì anh H. sẽ mang máy gọi yến đến, lắp thử 1 - 2 ngày; còn nếu đã có người nuôi trước thì bỏ qua bước này.

Theo thống kê sơ bộ tại Bạc Liêu, số lượng nhà nuôi, dẫn dụ chim yến có hơn 1.500 hộ, với sản lượng thô thu về 1,2 tấn/tháng. Bạc Liêu có khoảng 8 cơ sở sơ chế yến, còn những điểm bán yến lẻ thì nhiều vô số theo kiểu tự nuôi, tự bán, tự sơ chế không qua kiểm tra, đăng ký. Với giá bán dao động từ 18 - 20 triệu đồng/kg, nhiều hộ nuôi thu lợi nhuận cao, có thể vài chục đến cả trăm triệu đồng/tháng. Mặc dù không phải nhà yến nào cũng dẫn dụ yến thành công, thu được lợi nhuận cao, nhưng chỉ cần một hộ nuôi thành công là sẽ có hàng chục hộ xung quanh bắt chước làm theo, bất chấp những hệ lụy khôn lường từ nuôi yến tự phát trong khu dân cư. Thế nhưng, không chỉ anh H. mà rất nhiều người nuôi yến khi được hỏi về vấn đề pháp lý liên quan đến việc xây nhà yến, dẫn dụ chim yến trong khu dân cư như thế nào, đều lắc đầu không biết. Thậm chí, không xin giấy phép xây nhà yến mà người dân chỉ xin giấy phép xây dựng nhà ở, sau đó thì tự lắp các trang thiết bị để dẫn dụ chim yến.

Những ám ảnh mang tên nhà yến

Chỉ tính riêng ở địa bàn TP. Bạc Liêu đã có trên 700 hộ nuôi yến, tập trung đông ở địa bàn phường 1, phường 7, phường 2. Mọi người đều rất dễ dàng phân biệt được khu vực nuôi chim yến bởi tiếng loa phát ra từ những chiếc máy dẫn dụ chim. Các khu dân cư như Địa ốc, Hoàng Phát, Tràng An, 577…, nhiều nơi thật sự trở thành nỗi ám ảnh khi suốt ngày phải đối diện với tiếng gọi chim yến đinh tai nhức óc. Đó là còn chưa kể nguy cơ dịch bệnh phát sinh, ô nhiễm môi trường...

Ông N.Đ.T (ngụ phường 1, TP. Bạc Liêu) bức xúc: “Lúc mua nhà ở, tôi đã cố ý tìm khu vực yên tĩnh, không có nhà yến để có thể nghỉ ngơi sau một ngày làm việc căng thẳng đầu óc. Nhưng vừa về ở không bao lâu thì một chủ đất cất nhà yến ở gần. Họ không sống ở đây, chỉ cất nhà nuôi yến. Những buổi trưa của gia đình công chức không còn bình yên bởi tiếng gọi chim yến, những ngày cuối tuần hay nghỉ lễ cũng không còn ý nghĩa. Chúng tôi thiết nghĩ chính quyền cần sớm có những quy định nghiêm, xử lý ổn thỏa để đảm bảo cuộc sống của người dân không bị ảnh hưởng”.

Không còn lựa chọn khác vì việc dời nhà ra khỏi khu vực nuôi yến không phải ai cũng có điều kiện, rất nhiều cư dân đành chọn giải pháp “sống chung với lũ”. Chị Ngọc (phường 7) phải đóng cửa nhà suốt ngày để giảm bớt tiếng ồn từ nhà sát bên nuôi chim yến. Ngoài vấn đề tiếng ồn, còn là ô nhiễm do phân yến rơi vãi, nỗi lo lắng những khi có dịch cúm… Chị Ngọc phản ánh: “Một hộ nuôi nhưng cả chục hộ bị ảnh hưởng. Giữa lợi ích kinh tế cá nhân với ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống người dân, tôi nghĩ chính quyền nên cân nhắc để quy hoạch, quản lý cho phù hợp”.

Kim Phượng

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.