Quản lý án treo - nhiều địa phương còn xem nhẹ

Thứ Sáu, 09/11/2018 | 16:25

Việc quản lý các trường hợp đang thi hành án treo tại địa phương hiện có nhiều bất cập. Người chấp hành án treo cũng như chính quyền địa phương nơi quản lý các đối tượng này cũng gặp khó khăn, nhất là trong khâu quản lý, giáo dục, giám sát, hỗ trợ đối tượng hòa nhập cộng đồng.

Công an huyện Hồng Dân báo cáo tình hình quản lý chấp hành án treo trên địa bàn huyện. Ảnh: K.K

Trong đợt giám sát về công tác chấp hành pháp luật trong quản lý án treo tại các huyện, thị, thành phố của Ban pháp chế HĐND tỉnh, nhìn chung, công tác quản lý đối tượng bảo đảm đúng quy định pháp luật. Công tác tiếp nhận, mời gọi, lập hồ sơ luôn đúng yêu cầu và thời hạn quy định. Các đối tượng được hưởng án treo đa phần đều chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương và nghĩa vụ của người chấp hành án.

TP. Bạc Liêu là một trong những địa bàn làm khá tốt công tác quản lý người chấp hành án treo. Gần 3 năm (từ ngày 1/1/2016 đến tháng 9/2018), thành phố quản lý 71 đối tượng, đã chấp hành xong 44 trường hợp.

Đánh giá về hoạt động quản lý án treo tại cơ sở, Thượng tá Lê Quyết Chiến, Phó trưởng Công an TP. Bạc Liêu cho biết, có được kết quả tốt là nhờ sự quyết tâm của các cơ quan, đặc biệt là Cơ quan Thi hành án hình sự thành phố, sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương với lực lượng công an các xã, phường trong giám sát, quản lý người chấp hành án. Từ đó kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thi hành án. Còn khó khăn, hạn chế của công tác quản lý đối tượng này một phần là do nhận thức pháp luật của đối tượng chấp hành án và gia đình họ. Bên cạnh đó, không ít địa phương (cấp cơ sở) còn tâm lý xem đây là trách nhiệm của riêng lực lượng công an.

Trên thực tế, tại nhiều địa phương mà đoàn giám sát đến tìm hiểu, câu chuyện giao “khoán” việc quản lý, giám sát, giáo dục người được hưởng án treo cho công an địa phương chiếm tỷ lệ rất cao. Chỉ có tại thị trấn Ngan Dừa (huyện Hồng Dân), do các đối tượng được hưởng án treo (3 đối tượng) là phụ nữ, nên UBND thị trấn Ngan Dừa đã chủ động giao việc giám sát, quản lý, giáo dục đối tượng cho Hội LHPN thị trấn đảm trách.

Vậy, việc quản lý người chấp hành án treo gặp vướng mắc nhất ở đâu? Chính quyền cũng như lực lượng công an đều cho rằng do nhận thức của nhiều phía. Không ít địa phương cho rằng, án treo chỉ mang tính hình thức, không nghiêm khắc nên chưa thật sự quan tâm đến công tác này, xem đây là công việc của cơ quan công an, tòa án, thậm chí có trường hợp đi đâu, làm gì địa phương cũng không rõ. Còn việc giáo dục, hỗ trợ người chấp hành án treo, nhiều xã, phường cũng không kham nổi do kinh phí hạn chế, không có nguồn vốn hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng; giáo dục thì chỉ thực hiện cho đúng thủ tục gọi hỏi, chứ chưa đi sâu, đi sát hoàn cảnh đối tượng. Cộng đồng xã hội cũng chưa hết tâm lý kỳ thị, khiến người đã hoặc đang thi hành hình phạt tù khó vay vốn, tìm việc làm.

Án treo là một chế định mang tính khoan hồng, nhân đạo, hạn chế những hình phạt mang tính chất giam giữ, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới và tạo điều kiện cho người chấp hành án tái hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, để việc quản lý án treo đạt hiệu quả thì cần có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan tư pháp với chính quyền địa phương, cộng đồng xã hội.

K.P

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.