Khi luật chưa đi vào cuộc sống!

Thứ Tư, 08/05/2019 | 17:57

Về nguyên tắc, các quy định pháp luật được ban hành phải dựa trên nền tảng lợi ích và nguyện vọng chính đáng của người dân. Việc chấp hành nghiêm pháp luật của người dân sẽ giúp cho việc quản lý xã hội của cơ quan chức năng tốt hơn, góp phần xây dựng một nhà nước pháp quyền. Hiện nay, có quá nhiều quy định pháp luật được ban hành nhưng người dân không biết, không quan tâm, hoặc phớt lờ. Bên cạnh những chính sách thiếu thực tiễn nên không đi vào cuộc sống, cũng phải ghi nhận tình trạng người dân không có ý thức chấp hành luật.

Pa-nô tuyên truyền “đưa hiến pháp, pháp luật vào cuộc sống” tại TP. Bạc Liêu.

Luật “chết”

Luật mà không đi vào cuộc sống thì chẳng khác gì luật “chết”. Đơn cử như Luật Phòng chống tác hại thuốc lá ban hành 6 năm nay nhưng vẫn chưa thể đi vào cuộc sống. Luật cấm các hành vi hút thuốc lá nơi công cộng, thế nhưng nhiều người vẫn hút, vẫn vô tư bán thuốc lá trên đường phố, bán cho người vị thành niên…

Hay như quy định về nuôi chó, mèo phải đăng ký với UBND xã, phường, phải chích ngừa dại đúng quy định. Song, trên thực tế, có mấy người nuôi chó, mèo mà đến UBND đăng ký. Người dân không thi hành vì chẳng thấy ai phạt hay nhắc nhở. Gần đây, nhiều trường hợp trẻ bị chó cắn chết, người ta mới loay hoay tìm hiểu những quy định liên quan đến quản lý chó, mèo đã bị... đóng mốc meo trên kệ.

Về bảo vệ môi trường, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, người dân vứt rác bừa bãi sẽ bị phạt đến 7 triệu đồng. Luật đã ban hành, nghị định hướng dẫn cũng đã có, chế tài xử lý cụ thể, rõ ràng, nếu việc triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt thì chắc chắn việc xả rác bừa bãi nói riêng, vấn đề bảo vệ môi trường nói chung sẽ được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, tại Bạc Liêu chưa thấy việc áp dụng Nghị định 155 để xử phạt. Người dân, các tổ chức vẫn vô tư xả thải rác gây ô nhiễm môi trường! Thế nên, luật có, quy định có mà vẫn không thể điều chỉnh được hành vi!

Nghị quyết cũng chung số phận

Trong đợt giám sát việc chấp hành pháp luật trong công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo do Thường trực HĐND tỉnh thực hiện (giữa tháng 3/2019), có một nội dung HĐND tỉnh khá quan tâm. Đó là việc các địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết số 14/2017/NQ-HĐND quy định chế độ bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, sau khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 14, UBND tỉnh đã ký Quyết định số 230/QĐ-UBND (ngày 30/12/2017) quy định chế độ bồi dưỡng đối với những người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo. Quyết định này đã được triển khai đến các sở, ban ngành cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố. Tuy nhiên, khi đoàn giám sát trực tiếp kiểm tra, giám sát các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thì phát hiện các địa phương này không biết Nghị quyết số 14 của HĐND tỉnh?! Còn cấp huyện, thị xã, thành phố báo cáo có triển khai thực hiện Nghị quyết số 14, nhưng việc áp dụng đúng tinh thần Nghị quyết 14 ở cơ sở là không có. Nghị quyết số 14 nếu được triển khai thực hiện nghiêm túc chính là liều thuốc, động lực để khích lệ tinh thần những cán bộ thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân ở cơ sở, góp phần giảm thiếu gánh nặng khiếu nại vượt cấp đang là vấn đề nhức nhối được lãnh đạo tỉnh quan tâm. Đây là một trong những điển hình cho tình trạng chính sách, pháp luật ban hành ở địa phương nhưng không được áp dụng vào thực tiễn. Và còn không ít các chính sách ban hành rồi bị xếp xó vẫn tiếp tục diễn ra.

Nghị quyết số 14 của HĐND vẫn còn “may mắn” khi được cấp có thẩm quyền giám sát, kiểm tra, đôn đốc thực hiện. Còn bao nhiêu nghị quyết, quyết định tương tự chưa được giám sát, chưa được tổng kết, đánh giá về hiệu quả cũng như hiệu lực của nó trong cuộc sống?! 

Đoàn giám sát HĐND tỉnh kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 14/2017 của HĐND tỉnh tại phường 7, (TP. Bạc Liêu). Ảnh: K.P

Để chính sách, pháp luật đi vào cuộc sống

Ở cấp Trung ương, một khi chính sách xa rời cuộc sống sẽ kéo theo nhiều hệ lụy như: tốn kinh phí để xây dựng cơ chế chính sách, tốn công sức để thực hiện, làm giảm niềm tin của nhân dân. Ở địa phương, những chính sách không đi vào cuộc sống còn làm ảnh hưởng đến sự phát triển của địa phương; thể hiện trình độ ban hành các văn bản pháp luật; chưa tính đến yếu tố thực tiễn cũng như góc độ xung đột pháp lý giữa văn bản Trung ương và địa phương.

Để đưa các chủ trương, chính sách, pháp luật đi vào cuộc sống, bên cạnh những vấn đề tầm vĩ mô, ở góc độ soạn thảo, ban hành các văn bản pháp luật, chính sách phải đảm bảo đủ trình độ, năng lực. Cùng với đó, vấn đề hết sức cần thiết là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phải được thực hiện đồng bộ, thường xuyên và hiệu quả.

Điều quan trọng nhất là các chính sách, pháp luật phải có chế tài để áp dụng, xử lý, răn đe. Và một khi đã ban hành thành luật thì bắt buộc mọi người phải thực hiện, không có vùng ưu ái, không có nhân nhượng. Việc xử lý nghiêm khắc, công bằng cũng chính là một cách tuyên truyền hữu hiệu để người dân và toàn xã hội chấp hành, trở thành thói quen, nếp nghĩ. Đó là lúc luật thật sự đi vào cuộc sống.

Kim Phượng

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.