Khai thác bán đất mặt ruộng và đốt đồng sau thu hoạch: Lợi bất cập hại

Thứ Tư, 02/05/2018 | 17:05

Sau khi thu hoạch lúa xong, nông dân đốt rơm rạ, đào đất mặt ruộng để bán. Thói quen này gây ô nhiễm môi trường, tác động xấu đến sức khỏe cộng đồng và để lại hệ lụy xấu cho nghề trồng lúa.

Mới đây, Cơ sở cai nghiện ma túy (trực thuộc Sở LĐ-TB&XH Bạc Liêu) có công văn gửi các ngành tỉnh, chính quyền TP. Bạc Liêu yêu cầu xử lý, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường từ việc khai thác, vận chuyển đất mặt ruộng tại xã Vĩnh Trạch. Trong 3 tháng nay, các doanh nghiệp vận chuyển đất cặp cơ sở không dùng bạt phủ lên xe làm bụi mịt mù. Ông Quảng Trọng Đô, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy cho biết: “Học viên hàng ngày đều lên khiếu nại, yêu cầu cơ sở báo đến cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm không khí, trả lại môi trường trong lành thì họ mới an tâm học tập và điều trị”.

Người dân ấp Trà Co (xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình) đốt đồng sau thu hoạch lúa. Ảnh: N.Q

Theo Công văn 100/CSCNMT-TCHC ngày 26/4/2018 của Cơ sở cai nghiện ma túy, đơn vị đã làm việc với UBND xã Vĩnh Trạch, yêu cầu địa phương có trách nhiệm báo cáo với UBND TP. Bạc Liêu để có hướng can thiệp, song đến nay tình hình không cải thiện, ngược lại doanh nghiệp chở đất ngày càng tăng số lượt. Từ đó, diễn biến bệnh viêm đường hô hấp và một số bệnh khác có liên quan đến ô nhiễm không khí tại cơ sở đang báo động, tăng cao đột xuất. Đồng thời, ảnh hưởng xấu đến tiến độ xây dựng, nâng cấp cơ sở để tiếp nhận thêm khoảng 100 học viên mới từ các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn 1384/UBND-KT ngày 12/4/2018...

Việc đào đất mặt ruộng để bán diễn ra phổ biến trên địa bàn tỉnh từ nhiều năm nay, dù theo quy định của pháp luật, hành vi này bị cấm bởi đây là hình thức trực tiếp hủy hoại nguồn tài nguyên đất. Lớp phù sa trên mặt ruộng bị lấy đi sẽ lộ ra lớp đất phèn, ảnh hưởng không tốt đến năng suất lúa cho các vụ sau. Lớp đất mặt màu mỡ bị khai thác đem bán để đắp nền nhà, công trình…, chỉ còn lại lớp đất nghèo dinh dưỡng để trồng lúa thì tất nhiên sinh kế của người nông dân sẽ gặp rủi ro, tác động bất lợi đến an ninh lương thực và ngay trước mắt là gây ô nhiễm môi trường. Xe ben, xe công nông, xe chở lúa… tấp nập chở đất mặt ruộng dẫn đến bụi, vương vãi đất trên đường.

Ngoài ra, hành vi đốt rơm rạ sau gặt lúa cũng được chuyên gia khuyến cáo hại nhiều hơn lợi. Tập quán đốt đồng đã có từ lâu, nhiều nông dân sau khi gặt lúa thường phủ rơm để đốt, lúc đó các chất hữu cơ trong rơm rạ và trong đất sẽ trở thành các chất vô cơ, lãng phí lượng dinh dưỡng cần thiết.

Trên thực tế, đã có nhiều hộ sử dụng rơm để trồng nấm; làm thức ăn cho gia súc; hoặc ủ mục rơm rạ bằng chế phẩm sinh học làm phân hữu cơ bón lại cho đất… Đây là những cách xử lý rơm rạ dôi dư sau thu hoạch lúa an toàn cho người và đất, đem lại hiệu quả kinh tế cả trước mắt và lâu dài.

Nguyễn Quốc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.