Hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ Hai, 22/04/2019 | 16:42

Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc tại Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 6 đã chỉ ra rằng, các vùng đồng bào dân tộc sinh sống là khu vực có điều kiện tự nhiên khó khăn nhất; chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất; kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất; tiếp cận dịch vụ, phúc lợi xã hội cơ bản kém nhất và tỷ lệ hộ nghèo cao nhất. Và Bạc Liêu cũng không ngoại lệ. Để chủ trương giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thật sự đạt hiệu quả như mong đợi, rất cần sự quan tâm chung tay của toàn xã hội. Đặc biệt là việc ban hành và đưa vào cuộc sống các chương trình, dự án, chính sách cho vùng đồng bào DTTS.

>> Bài 2: Bài toán từ những mô hình kinh tế

Bài cuối: Từ chính sách đến thực tiễn - Cần sự chung tay giải quyết

Chương trình giảm nghèo bền vững phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng bào DTTS - những đối tượng rất cần sự trợ giúp của Nhà nước. Tuy nhiên, để những chính sách này thật sự đi vào cuộc sống, tạo niềm tin cho nhân dân, nhất là đồng bào DTTS thì cần những đòn bẩy hữu hiệu và cả sự nhìn nhận, đánh giá khách quan.

Ban Dân tộc - Tôn giáo tỉnh hỗ trợ vốn từ Chương trình 135 cho đồng bào Khmer.

Những kiến nghị từ thực tiễn

Chính sách đối với đồng bào DTTS nhiều nhưng lại manh mún, chồng chéo. Đó là ý kiến của nhiều lãnh đạo cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh.

Ông Phạm Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi đề nghị, đối với đồng bào DTTS nghèo nên xem xét ban hành một chủ trương đầu tư trọn gói. Từ khâu ban đầu là khảo sát thực tế để giúp họ thoát nghèo bền vững, phải là từ nhà ở đến phương tiện sản xuất, rồi hướng dẫn cách mưu sinh, các điều kiện an sinh xã hội. Tránh tình trạng đầu tư nhỏ giọt, dàn trải vì sẽ không thể thoát nghèo bền vững.

Tại huyện Vĩnh Lợi, chỉ riêng việc xây dựng nhà ở cho hộ nghèo thì vẫn còn vướng 94 hộ do quá trình triển khai chậm. Đến khi áp dụng thì không còn hộ đáp ứng được điều kiện. Còn hoán đổi sang cho những hộ khác có nhu cầu cấp thiết hơn thì vướng cơ chế, phải xin ý kiến Trung ương. Tương tự như vậy, ở Quyết định 33, đề án giai đoạn 2010 - 2015 là xây dựng 513 căn nhà. Trung ương hỗ trợ xây được 354 căn, còn 159 căn đã có vốn phân bổ nhưng gần 100 hộ cương quyết không vay để cất nhà, còn nếu cho thì họ nhận. Huyện cũng không thể chuyển đổi đối tượng mong muốn vay để cất nhà.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân, cho rằng vấn đề giảm nghèo bền vững cho hộ nghèo, nhất là hộ đồng bào DTTS gặp khó nhất chính là sự đầu tư quá thấp (chỉ vài triệu đồng/hộ) nên không thể làm được gì. Một số chương trình nhỏ lẻ hỗ trợ bà con chỉ từ 50.000 - 100.000 đồng/hộ. Do tiền xăng xe lên nhận tiền hỗ trợ cao hơn mức hỗ trợ nên có người không nhận.

Cùng quan điểm này, đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hồng Dân cũng đưa ra ý kiến, cần phải có cơ chế đặc thù trong vấn đề cho vay đối với hộ nghèo đồng bào DTTS. Ví dụ như hỗ trợ lãi suất, cho vay tăng hơn 1 chu kỳ thì bà con mới có điều kiện hoàn vốn, tái đàn, trả lãi. Hiện nay, chỉ còn các chương trình cho vay hỗ trợ hộ nghèo chung, còn chương trình cho hộ đồng bào DTTS nghèo vay vốn đã tạm dừng lại từ cuối năm 2016.

Chương trình 135 đầu tư xây dựng lộ giao thông nông thôn tại xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi). Ảnh: H.T

Đào tạo nguồn nhân lực

Một vướng mắc nữa cũng cần được nhắc đến là chính sách hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực cho đồng bào DTTS. Bà con vùng đồng bào DTTS luôn bị hạn chế, thiệt thòi, nhất là liên quan đến vấn đề giáo dục, phát triển dân trí.

Những năm qua, Bạc Liêu đều có cơ chế, chính sách đãi ngộ người DTTS các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn như chính sách cử tuyển. Từ năm 2011 - 2015, tỉnh đã xét tuyển được 252 em; sinh viên đang theo học ở các trường đại học là 232 em, số sinh viên ra trường là 57 em, được phân công công tác là 48 em. Tổng kinh phí đầu tư cho các em hơn 21 tỷ đồng. Từ năm 2016 - 2017, tỉnh chỉ xét tuyển thêm 12 em, riêng năm 2018 không thực hiện việc xét tuyển nữa. Giai đoạn này có 100 em ra trường, tỉnh đã bố trí phân công công tác 54 em, đạt hơn 50%.

Hiện tại, tỉnh khó bố trí biên chế khi đang trong giai đoạn tinh giản, sáp nhập các ban ngành và nhiều lĩnh vực. Trong khi đó, rất nhiều con em đồng bào DTTS khi tốt nghiệp ra trường không chủ động đi xin việc mà có tâm lý “nằm chờ” bố trí biên chế nhà nước. Khi không nhận được sự sắp xếp của tỉnh, không ít trường hợp có thái độ bất mãn với địa phương, gây khó cho chính quyền.

Vấn đề này đã được ông Kim Miên, Phó trưởng Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh kiến nghị Trung ương cần điều chỉnh theo hướng bỏ quy định tại khoản 2, Điều 11, Nghị định 134/2006 (quy định về chế độ cử tuyển “UBND cấp tỉnh tổ chức tiếp nhận và phân công công tác cho người được cử đi học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp”). Có như vậy thì chính sách về chế độ cử tuyển mới có thể được tỉnh tiếp tục thực hiện.

Cần làm gì để thay đổi?

Tổng nguồn vốn thực hiện cho dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 - 2018 hơn 30 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện chương trình trong thời gian qua chủ yếu phụ thuộc vào nguồn ngân sách của Trung ương. Còn việc huy động các nguồn vốn xã hội hóa từ sự đóng góp của doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, của cộng đồng và cá nhân rất hạn chế (do không có các hoạt động kinh doanh để sinh ra lợi nhuận nên rất khó khăn trong việc huy động vốn).

Hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững chủ yếu sử dụng vốn sự nghiệp để đầu tư cho các hộ dân. Việc huy động các nguồn vốn khác hầu như không thực hiện do khi có nguồn vốn phân bổ, các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chủ yếu dựa vào nguồn vốn sẵn có, việc huy động từ các nguồn vốn xã hội hóa gặp nhiều khó khăn.

Song song đó, hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất liên quan đến nhiều lĩnh vực đòi hỏi đội ngũ quản lý phải có kiến thức chuyên môn về các hoạt động của dự án (chăn nuôi, trồng trọt), phải am hiểu các thủ tục liên quan đến công tác thanh quyết toán… Trong khi phần lớn UBND các xã đều không bố trí cán bộ chuyên trách để thực hiện mà chỉ kiêm nhiệm, lại thường xuyên thay đổi nên rất lúng túng. Bộ máy thực hiện công tác kiểm tra, giám sát từ tỉnh đến cơ sở chưa tổ chức tốt, nguồn vốn được phân bổ trực tiếp cho các chủ đầu tư và chủ đầu tư chỉ thông qua kế hoạch thực hiện đối với UBND cấp huyện (mà không thông qua các cơ quan quản lý chuyên môn).

Chủ trương, chính sách, chương trình, dự án dù tốt đến đâu, nếu nhận thức của chính những người áp dụng, của đối tượng thụ hưởng không theo hướng tích cực, thay đổi tư duy từ thụ động sang chủ động thì cũng khó đạt hiệu quả như mong đợi.

Kim Phượng

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.