Hòa giải ở cơ sở: Góp phần hạn chế khiếu kiện

Thứ Hai, 11/06/2018 | 17:28

Hòa giải ở cơ sở là một hoạt động mang tính xã hội tự nguyện, tự quản ở cộng đồng. Thực tiễn hoạt động hòa giải ở cơ sở thời gian qua đã khẳng định vai trò, ý nghĩa của công tác này trong việc góp phần hạn chế các tranh chấp dân sự và phòng ngừa tội phạm, vận động nhân dân sống và làm việc theo pháp luật, củng cố tình làng, nghĩa xóm, tăng cường đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Qua hoạt động hòa giải ở cơ sở cũng góp phần giảm thiểu, hạn chế các vụ khiếu kiện, tiết kiệm được thời gian, chi phí của nhân dân, Nhà nước khi phải thụ lý, giải quyết những vụ việc lẽ ra có thể kết thúc từ cơ sở.

>>Bài 1: NHỮNG KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU

Bài 2: CÒN LẮM BĂN KHOĂN

Trong các buổi làm việc, giải quyết liên quan đến khiếu nại, tố cáo (KNTC), điều dễ nhận thấy nhất là không ít vụ việc, nếu từ cơ sở mà làm tốt hơn nữa công tác hòa giải, thì sẽ không đến mức đẩy mâu thuẫn lên cao, hạn chế không ít các vụ KNTC vượt cấp. Trong một chỉ đạo liên quan đến giải quyết KNTC, Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Quang Dương đã nhấn mạnh, đối với các vụ việc mới phát sinh, phải kiên quyết tập trung giải quyết thấu tình đạt lý, nhất là ở cấp cơ sở.

Thanh tra tỉnh báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy về các vụ khiếu nại tồn đọng, kéo dài. Ảnh: K.P

KINH PHÍ EO HẸP

Trong 4 năm (từ 2014 đến nay), toàn tỉnh đã tiếp nhận  9.565 vụ việc, đưa ra hòa giải 9.217 vụ việc, hòa giải thành 7.536 vụ việc, hòa giải không thành 1.681 vụ việc, tỷ lệ hòa giải thành đạt trên 80%. Theo một báo cáo về hòa giải cơ sở gần đây nhất, thì đơn vị có tỷ lệ hòa giải thành cao nhất là TX. Giá Rai với tỷ lệ hòa giải thành đạt 89,47%; huyện Hồng Dân đạt 85,66%; Vĩnh Lợi đạt 83%. Đơn vị có tỷ hòa giải thành thấp là huyện Phước Long đạt 73,45%; Đông Hải đạt 73,51%, TP. Bạc Liêu đạt  52,38%. 

Thực hiện quy định về hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải, từ năm 2014 UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ hơn 300 triệu đồng để các tổ hòa giải mua văn phòng phẩm phục vụ công tác hòa giải. Riêng kinh phí hỗ trợ các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh được chi hòa giải thành 200.000 đồng/vụ việc, hòa giải không thành 150.000 đồng/vụ việc. TX. Giá Rai là đơn vị được điển hình khi rất quan tâm đến kinh phí đảm bảo cho công tác hòa giải. Ngoài mức hỗ trợ thù lao hòa giải, thị xã còn cấp thêm mỗi vụ việc hòa giải thành 50.000 đồng, cấp kinh phí khen thưởng cho các hòa giải viên tiêu biểu trong năm 2017. Trong khi nhiều địa phương khác, thậm chí kinh phí cấp hỗ trợ hòa giải viên nợ từ năm 2016 đến đầu năm 2018 vẫn chưa thanh toán.

Bà Phan Phương Thảo, Trưởng phòng Phổ biến giáo dục pháp luật (thuộc Sở Tư pháp) trong một tham luận về hòa giải ở cơ sở đã băn khoăn chỉ ra rằng, kinh phí hoạt động hòa giải theo các văn bản từ Trung ương đến tỉnh đều thể hiện rất rõ, việc dự trù phải được tính trước và được cấp vào đầu năm. Tuy nhiên, qua kiểm tra các địa phương, Sở Tư pháp phát hiện nhiều đơn vị cấp huyện chưa cấp kinh phí cho các tổ hòa giải hoạt động theo Quyết định 140 của UBND tỉnh, từ đó gây nhiều khó khăn cho tổ hòa giải. Ngoài ra, việc thanh toán thù lao hòa giải là thủ tục hành chính đã được Chủ tịch UBND tỉnh ban hành, nhưng hiện nay, tình trạng thanh toán thù lao chậm trễ, thậm chí có nơi hết một năm vẫn chưa thanh toán.

Mặc dù kinh phí hỗ trợ không phải là vấn đề chính để các hòa giải viên tham gia hòa giải ở cơ sở. Tuy nhiên, đó cũng là một chính sách để khuyến khích những thành viên của tổ hòa giải, những người mà theo dân gian vẫn hay gọi cái tên theo kiểu “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Làm không hưởng lương, nhưng đôi khi để hòa giải một vụ việc, nhất là các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, cũng phải bỏ ra không ít công sức, thời gian.

NHỮNG KHÓ KHĂN CHỒNG CHẤT

Việc bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cho hòa giải viên có vai trò quan trọng vì công tác hòa giải cần phải có kinh nghiệm và kiến thức pháp luật, sao cho cuộc hòa giải phải thấu tình, đạt lý. Nhưng hầu hết các hòa giải viên ở cơ sở chỉ là người có uy tín trong cộng đồng dân cư, không có nhiều kiến thức pháp luật. Mặc dù Luật Hòa giải ở cơ sở đã phân cấp rõ cho chính quyền địa phương (nhất là ở cấp huyện) để bồi dưỡng nghiệp vụ cho các hòa giải viên theo định kỳ nhưng kỳ thực, không ít địa phương vẫn không nhận thức đúng, còn đùn đẩy cho cấp tỉnh. Tỉnh không tổ chức tập huấn thì huyện cũng không làm.

Theo Chỉ thị số 03 của Bộ Tư pháp về tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở, phấn đấu hàng năm có trên 90% tổ hòa giải ở cơ sở hoạt động có hiệu quả, số vụ việc hòa giải thành đạt trên 85%. Hiện tại, tỷ lệ hòa giải thành của tỉnh Bạc Liêu đạt trên 80,64%, cũng đã thể hiện những nỗ lực không ngừng của địa phương, các cấp, các ngành. Nhưng đau đầu nhất khi tỷ lệ hòa giải thành không đồng đều giữa các địa phương. Con số trên 80% là chia tỷ lệ bình quân, còn thực tế, có địa phương tỷ lệ hòa giải thành quá thấp, điển hình như TP. Bạc Liêu, tỷ lệ hòa giải thành chỉ đạt 52,38% trong năm 2017. Tỷ lệ này ảnh hưởng nhiều đến kết quả hòa giải chung của tỉnh, nhưng trên hết, nó còn thể hiện sự yếu kém trong công tác quản lý nhà nước của địa phương với hoạt động hòa giải ở cơ sở. Và sâu xa hơn là trách nhiệm sẽ thuộc về ai khi những con số tranh chấp, KNTC tăng cao trên địa bàn này?

VAI TRÒ CỦA CÁC TỔ CHỨC ĐOÀN THỀ CÒN MỜ NHẠT

MTTQ các cấp trong tỉnh có vai trò rất quan trọng trong công tác hòa giải ở cơ sở. Nhất là trong xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước, đề ra các biện pháp duy trì, bảo vệ trật tự an toàn xã hội, phát hiện kịp thời và đấu tranh với mọi hành vi vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, giải quyết những mâu thuẫn, giữ gìn đoàn kết trong cộng đồng dân cư, góp phần hỗ trợ tích cực cho hoạt động quản lý nhà nước bằng pháp luật.

Để đảm bảo số lượng hòa giải viên hoạt động tại các tổ hòa giải, Sở Tư pháp phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh ban hành các văn bản về củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên và tăng cường thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở. Phối hợp với nhiều hội, đoàn thể như: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh… trong các chương trình tham vấn, phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn, trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở. Tuy nhiên, đó chỉ là bề nổi, với nhiều thỏa thuận được ký kết. Còn việc tổng kết hiệu quả hoạt động thực chất của các phối hợp đó, đến nay vẫn chưa thấy.

LỜI KẾT

Hoạt động hòa giải đã góp phần duy trì, củng cố sự đoàn kết trong nội bộ nhân dân, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phát huy đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, thói quen sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật trong nhân dân. Ngoài ra, việc hòa giải thành còn góp phần hạn chế đơn thư khiếu kiện lên cơ quan cấp trên và Tòa án, góp phần giảm tải việc giải quyết đơn thư khiếu kiện ở các cơ quan này, tiết kiệm thời gian và tiền bạc của cơ quan nhà nước và công dân. Nhưng làm thế nào để hòa giải ở cơ sở ngày càng đạt được hiệu quả như mong muốn, thiết nghĩ không thể dựa vào các hòa giải viên ở cơ sở. Đó phải là hiệu quả từ công tác quản lý nhà nước cho hoạt động này một cách bài bản, đầy tâm huyết.

KIM PHƯỢNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.