Giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh: Góc nhìn đa chiều

Thứ Hai, 15/04/2019 | 15:22

Thời gian gần đây, tiếp công dân (TCD), giải quyết khiếu nại (KN), tố cáo (TC) của công dân không chỉ là chuyện của chính quyền mà đã có sự vào cuộc quyết liệt của người đứng đầu cấp ủy và cả hệ thống chính trị trong tỉnh. Quyết tâm của tỉnh là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, nhằm từng bước giảm thiểu và hạn chế tình trạng công dân cố tình khiếu kiện kéo dài, khiếu kiện đông người, vượt cấp, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội….

Bài cuối: Ràng buộc trách nhiệm người đứng đầu

>>Bài 1: Công dân khiếu nại - do đâu?

>>Bài 2: Sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị

TCD, giải quyết phản ánh, kiến nghị, KNTC là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Cùng với chính sách pháp luật, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn thì các chỉ thị, quy định của Đảng thời gian gần đây cũng lần lượt được ban hành với mục tiêu đưa công tác TCD, giải quyết KNTC thật sự chuyển biến mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Quang Dương phát biểu chỉ đạo tại hội nghị chuyên đề tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác TCD, giải quyết KNTC. Ảnh: T.Đ

CẤP ỦY VÀO CUỘC MẠNH MẼ  

Chỉ thị 22, ngày 18/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác TCD, giải quyết KNTC của công dân trên địa bàn tỉnh” được đánh giá là giải pháp toàn diện và kịp thời. 

Chỉ thị yêu cầu: cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác TCD, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, KNTC của công dân. Thực hiện nghiêm việc TCD, đối thoại và xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, KNTC của công dân theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân; dân chủ, công tâm, khách quan, kịp thời, đúng phạm vi thẩm quyền; trình tự, thủ tục đơn giản, tạo thuận lợi cho người dân…

Với những vụ việc mới phát sinh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành tỉnh và các địa phương phải nắm, giải quyết dứt điểm ngay từ cơ sở; không được vận dụng sai pháp luật nhằm tránh khiếu kiện phức tạp lên cấp trên. Nếu vụ việc có dấu hiệu phức tạp, các cơ quan chức năng cấp trên phải cùng với địa phương giải quyết ngay từ đầu, không để diễn biến phức tạp, gây mất an ninh trật tự. Những vụ việc đã thống nhất biện pháp giải quyết thì phải khẩn trương thực hiện đến cùng; không được ỷ lại, đùn đẩy trách nhiệm.    

TCD, giải quyết yêu cầu, KNTC cũng là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, là trách nhiệm của tất cả cấp ủy, chính quyền. Do vậy, ông Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo giải quyết KNTC của công dân trên địa bàn tỉnh, yêu cầu các cấp khi TCD, giải quyết KNTC cần phải thấu tình, đạt lý, phù hợp với thực tiễn, phải xem việc giải quyết KNTC của công dân như giải quyết chính công việc của mình. Tuyệt đối không kỳ thị với người đi KNTC.  

Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Quang Dương đề nghị: “Trong quá trình giải quyết phải xác định cho được nguyên nhân dẫn đến KNTC, nguyên nhân người dân chưa đồng tình với biện pháp giải quyết của chính quyền để giải quyết dứt điểm vụ việc. Đặc biệt, trong quá trình giải quyết KNTC, nếu cơ quan nào, cán bộ nào không đánh giá được nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện thì phải xử lý trách nhiệm cán bộ, cơ quan đó. Và khi xác định đúng nguyên nhân mà không có đề xuất tốt thì cơ quan, cán bộ đó cũng phải bị xem xét trách nhiệm...”.

Ngoài ra, với những vụ việc phức tạp, kéo dài đã được các cấp, các ngành giải quyết từ nhiều năm mà người dân chưa đồng tình, tiếp tục khiếu kiện, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo: “Nếu giải quyết chưa đúng, chưa phù hợp thì phải kiên quyết khắc phục, sửa chữa, tìm biện pháp giải quyết dứt điểm. Còn nếu đã giải quyết đúng, có lý, có tình thì cần có biện pháp giải thích, thuyết phục để người dân hiểu, chấp hành. Đồng thời công khai kết quả giải quyết trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nơi người khiếu kiện cư trú và thông báo dứt điểm thụ lý, giải quyết”.

Quang cảnh hội nghị chuyên đề tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác TCD, giải quyết KNTC. Ảnh: T.Đ

HIẾN KẾ CỦA CÁC NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG

Theo Chỉ thị 22, các cấp, các ngành cần tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân trong công tác TCD, giải quyết KNTC; đặc biệt là lợi dụng KNTC làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội… Tổ chức thi hành triệt để các quyết định, kết luận đã có hiệu lực pháp luật.

Về vấn đề này, Đại tá Trương Công Dũng, Phó Giám đốc Công an tỉnh đề xuất UBND tỉnh cần ban hành Quy trình tổ chức thực hiện quyết định giải quyết KN có hiệu lực pháp luật. Tới đây, cần thực hiện cưỡng chế đối với những vụ việc đã được giải quyết đúng quy định pháp luật nhưng người KN vẫn cố tình không chấp hành. Công an tỉnh sẽ củng cố hồ sơ xử lý một số đối tượng chây ỳ, vi phạm pháp luật, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, không để các thế lực thù địch lợi dụng kích động, chống phá.

Ông Lưu Hoàng Ly, Chủ tịch UBND TP. Bạc Liêu, cho rằng: Để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giải quyết KNTC, UBND thành phố đề nghị cần rút ngắn thời gian giải quyết từng vụ việc so với luật định. Tăng cường đối thoại với công dân, thậm chí đối thoại nhiều lần. Chủ tịch UBND phường, xã phải TCD ít nhất 1 lần/tuần, Chủ tịch UBND thành phố tiếp 2 lần/tháng, cần mạnh dạn khắc phục, sửa sai.

Bằng kinh nghiệm của mình, ông Trần Văn Út, Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, đúc kết: nơi nào làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở thì nơi đó ít có đơn thư tồn đọng, KNTC vượt cấp, kéo dài. Người có thẩm quyền mà mạnh dạn đứng ra giải thích, trả lời dứt khoát với dân thì nó sẽ rất hiệu quả. Qua đó, ông Út đề nghị các ngành, địa phương cần phân công cán bộ có năng lực, kinh nghiệm, có tâm, có tầm, có tinh thần trách nhiệm cao để làm công tác TCD, tham mưu giải quyết KNTC.

Ở góc độ khác, ông Lê Quốc Minh, Phó Chánh Thanh tra tỉnh mong muốn các cơ quan, đơn vị, địa phương được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp kiểm tra, rà soát vụ việc tồn đọng, phức tạp phải là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương đó tham gia. Vì đã qua có tình trạng cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ kiểm tra, rà soát giao toàn bộ công việc cho cán bộ chuyên môn làm, thiếu kiểm tra, không đi thực tế, chủ yếu nghe báo cáo lại; không trực tiếp tham gia đối thoại, dẫn đến việc kết quả kiểm tra, rà soát không hiệu quả, đề xuất thiếu khả thi. 

Tại hội nghị chuyên đề về nâng cao hiệu quả công tác giải quyết KNTC diễn ra mới đây, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nêu lên quyết tâm sẽ lãnh đạo các cấp, các ngành giải quyết dứt điểm những vụ việc tồn đọng, kéo dài ngay trong năm 2019.

Với sự chỉ đạo kỳ quyết của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự quan tâm của lãnh đạo các sở, ban ngành và địa phương, công tác giải quyết KNTC của tỉnh thời gian tới hứa hẹn sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển.

Tấn Đạt

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.