Đổi mới tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến từng hộ dân

Thứ Tư, 10/07/2019 | 15:50

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TT-PB-GDPL) là cầu nối để đưa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với mọi người dân. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức nhằm giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, tội phạm.

Công an phường 7 (TP. Bạc Liêu) tuyên truyền, hướng dẫn hộ dân thực hiện sắp xếp vỉa hè. Ảnh: T.H

Thời gian qua, công tác TT-PB-GDPL trên địa bàn được triển khai với sự tham gia của các cấp, các ngành, các địa phương, hướng mạnh về cơ sở, đến từng hộ dân ở vùng sâu, vùng xa. Nội dung tuyên truyền ngày càng thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm, được thay đổi linh hoạt tùy theo từng nhóm đối tượng, lứa tuổi. Hình thức, phương pháp tuyên truyền cũng ngày càng phong phú, gần gũi, tác động đến từng đối tượng.

Để tăng cường công tác phòng chống tệ nạn xã hội, trong năm 2018 Sở LĐ-TB&XH phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức hàng trăm buổi truyền thông, giáo dục về phòng chống ma túy, mại dâm, mua bán người và phòng chống HIV cho trên 6.600 cán bộ, học sinh và người dân. Cấp phát trên 27.000 tờ rơi, tài liệu và lắp đặt nhiều pa-nô tuyên truyền tại các khu dân cư, xóm, ấp.

Ở TX. Giá Rai, Công an thị xã đã tuyên truyền về Luật An toàn giao thông đường bộ, phòng chống bạo lực học đường; công tác phòng cháy chữa cháy; phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm hình sự và biện pháp phòng ngừa… ở các điểm chợ, khu dân cư và các điểm gần trường học hàng trăm cuộc, với gần 15.000 người nghe.

Công tác TT-PB-GDPL còn có sự đóng góp tích cực của các Hội, đoàn thể, sự tham gia của các tổ chức quần chúng. Đơn cử như các phong trào: Cựu chiến binh phòng chống tội phạm; Câu lạc bộ phụ nữ và người thân không vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội; Tổ giáo dân tự quản về an ninh trật tự… phát triển đều khắp ở các địa phương. Từ đó, góp phần cùng chính quyền địa phương hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật, ổn định trật tự xã hội tại cơ sở.

Một trong những hình thức TT-PB-GDPL có ưu thế là tuyên truyền bằng loa kéo di động. Với hệ thống loa kéo được trang bị đều khắp các xã, thị trấn, nội dung tuyên truyền được cán bộ chuyển vào USB và gắn, phát trực tiếp ra loa. Nội dung tuyên truyền cũng được thay đổi phong phú, tùy theo tình hình, sự kiện và thời điểm tuyên truyền.

Ông Từ Minh Phúc, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi, nhận xét: “Từ khi huyện thực hiện tuyên truyền lưu động bằng loa kéo đến nay, hiệu quả tuyên truyền được nâng lên đáng kể. Cán bộ cơ sở đến các địa bàn tuyên truyền liên tục, tập trung vào những nơi đông dân cư như các chợ, khu vực gần trường học, đến từng xóm, ấp để tác động trực tiếp đến người nghe. Qua đó giúp người dân nắm bắt và thực hiện đúng đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước”.

T.H

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.