Cần tăng cường công tác quản lý đất công

Thứ Tư, 16/09/2020 | 18:49

Công tác quản lý đất công còn lỏng lẻo, kéo dài qua nhiều thời kỳ, dẫn đến đất công bị lấn chiếm, đất các nông trường, các tập đoàn bị giải thể chưa xử lý dứt điểm… gây lãng phí trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai. Đây là vấn đề được nhấn mạnh trong Kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí. Vấn đề này cũng gây bức xúc ở Bạc Liêu thời gian qua.

Bài 1: Đất công bị lấn chiếm - khó lấy lại

Theo báo cáo của các địa phương, hiện có hơn 1.564ha đất công bị lấn chiếm, xấp xỉ 59% diện tích đất công đang quản lý trên địa bàn tỉnh. Đã qua, công tác phát hiện, xử lý, thu hồi đất công bị lấn chiếm chưa kịp thời, chậm, kéo dài, gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của cấp ủy, sự quản lý của chính quyền địa phương.

Đất trụ sở xã Vĩnh Thịnh rộng 6.777,3m2 tại ấp Vĩnh Lạc chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ảnh: N.Q

Cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu

Ngày 4/7/2020, trên báo Bạc Liêu phản ánh: “Huyện Vĩnh Lợi: Ra thời hạn để Phó Chủ tịch HĐND huyện trả lại đất công lấn chiếm” đề cập đến việc ông Nguyễn Văn Khởi - Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND huyện Vĩnh Lợi chưa chấp hành Kết luận số 37, ngày 4/10/2016 của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy buộc ông trả lại hơn 21m2 đất công tại ấp Cái Tràm A1 (xã Long Thạnh) đã lấn chiếm. Đồng chí Nguyễn Bình Tân - Bí thư Huyện ủy Vĩnh Lợi, cho biết: “Ban Thường vụ, Thường trực Huyện ủy đã có nhiều hướng giải quyết chuyện này, sẽ định ra thời hạn cụ thể để đồng chí Khởi trả lại đất công đã lấn chiếm”. Đến nay, hơn 2 tháng đã trôi qua nhưng vụ việc trên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Một đảng viên hưu trí bày tỏ sự không hài lòng: “Đồng chí Khởi là lãnh đạo cơ quan đại diện cho quyền lực Nhân dân trong huyện, song chưa gương mẫu chấp hành pháp luật và thực hiện kết luận của cấp trên, khiến bà con liên tục có đơn khiếu nại, kiến nghị gửi Trung ương và chính quyền các cấp trong tỉnh”.

Năm 2000, tuyến đường từ cầu Định Thành đến khu vực chợ Định Thành (xã Định Thành, huyện Đông Hải) bị sạt lở. Để hạn chế tình trạng sạt lở, Ban Chấp hành Đảng bộ xã lựa chọn, cho 19 hộ gia đình chính sách, người có công, cán bộ mượn phần đất bảo lưu ven kênh trên đoạn đường này cất nhà ở, với cam kết không được sang bán. Mỗi hộ được mượn 6 - 7m bề ngang, chạy dài từ mé lộ xuống tới kênh. Song, đến nay đã có 9 hộ (trong đó có một cán bộ xã hiện đã chuyển về huyện công tác) tự ý sang bán đất công, một số hộ thì lấn chiếm kênh thủy lợi và hành lang lộ giới để làm nhà kiên cố khiến cho việc đi lại bằng đường thủy và đường bộ không thuận tiện, mất an toàn. Theo ông Trần Văn Phúc - Chủ tịch UBND xã Định Thành, địa phương đang chờ huyện lập đoàn công tác xuống kiểm tra, hướng dẫn cách xử lý đối với 9 hộ dân nêu trên.

Hay như việc người dân sang bán với nhau đất khu chòm mả (rộng 1,6ha ở khóm 7, Phường 3, TP. Bạc Liêu) do chính quyền quản lý đã diễn ra hàng chục năm qua. Ông Bạch Văn Của (72 tuổi) là một trong những người đầu tiên đến khu này sinh sống, cách nay 50 năm. Sau nửa thế kỷ, gia đình ông đã có nhiều thế hệ cư ngụ nơi này cùng khoảng 30 hộ dân khác. Ông Của nói như đùa: “Số hộ sống ở đây đã đông hơn số mả mồ, nhà người sống ở cạnh, chen chúc với “nhà” người quá cố”. Không ít trường hợp, ngôi mộ vừa được cất bốc, di dời thì lập tức có người đến “xí phần” và dựng nhà trên phần đất đó. Việc mua bán nhà, đất ở khu chòm mả hầu hết đều theo hình thức “sang tay”, không ai được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) nên chỉ vài hộ có sổ hộ khẩu. Không có hộ khẩu, giấy tờ đất đai hợp pháp, nên việc đi học bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở của công dân nơi đây đều nhờ khóm, phường “gửi” các trường, còn việc hỗ trợ nhà ở cho hộ có nhu cầu thì chưa thực hiện được.

Người dân cất nhà sống chen chúc trong Khu chòm mả Phường 3 (TP. Bạc Liêu). Ảnh: N.Q

Quản lý đất công còn nhiều rắc rối

Sở dĩ khu chòm mả Phường 3 (TP. Bạc Liêu) xảy ra tình trạng nêu trên có một phần từ sự thiếu quan tâm làm thủ tục cấp Giấy CNQSDĐ theo quy định. Và thực trạng này còn phổ biến ở một số địa phương khác trong tỉnh.

Tại xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình) hiện chỉ có đất xây dựng trường học, trạm y tế là có Giấy CNQSDĐ, còn trụ sở xã Vĩnh Thịnh và trụ sở 7/7 ấp với tổng diện tích hơn 1,1ha đều chưa được cấp sổ đỏ. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Vĩnh Thịnh - Hứa Văn Quang, cho biết: “Các khu đất chưa có bằng khoán hiện vẫn còn nguyên trạng, không bị lấn chiếm. Song, việc chưa được cấp bằng khoán là “do thiếu kinh phí” làm tăng nguy cơ bị lấn chiếm và gây khó cho việc đầu tư xây dựng cơ bản”.

Toàn huyện Hòa Bình có 70 ấp, nhưng đến nay chỉ có 10% trụ sở ấp có  Giấy CNQSDĐ. Lý giải việc này, Phòng TN-MT huyện cho biết, đối với đất nhà nước thì chính quyền làm thủ tục đề nghị cấp giấy, còn nhiều trụ sở ấp xây trên đất dân hiến, bà con không cho chuyển mục đích sử dụng. Ngoài đất trụ sở ấp, huyện Hòa Bình còn có điểm Trường mẫu giáo Hoàng Oanh đang xúc tiến thủ tục chuyển đất sử dụng từ hộ gia đình sang đất tổ chức để làm thủ tục cấp Giấy CNQSDĐ.

Công tác quản lý đất công ngoài mấy vấn đề nêu trên, còn nhiều hạn chế khác, điển hình là chưa giải quyết dứt điểm thực trạng đất của các công ty nhà nước, hợp tác xã, các tập đoàn sau giải thể. Các tổ chức này trước đây được Nhà nước giao đất đã buông lỏng quản lý, tự ý cấp đất ở, giao đất sản xuất sai thẩm quyền, các hộ nhận khoán tự ý chuyển nhượng qua tay và chia cắt lại cho người thân sử dụng. Sau khi giải thể, chỉ bàn giao diện tích đất cho chính quyền địa phương quản lý trên giấy tờ, nhưng thực tế, người dân đã và đang lấn chiếm sử dụng, đến nay chưa giải quyết được.

Năm 2006, do sản xuất không hiệu quả, Công ty Nuôi trồng thủy sản Vĩnh Hậu (tọa lạc xã Vĩnh Thịnh) giải thể, đến đầu năm 2009, UBND tỉnh thu hồi 1.394,7ha đất nuôi trồng thủy sản (bằng 3,27% diện tích huyện Hòa Bình), giao cho UBND xã Vĩnh Thịnh quản lý. Vào thời điểm công ty giải thể, phần đất này có 152 hộ dân đang sinh sống và trực tiếp canh tác, nhưng đến thời điểm này, có trên 300 hộ dân đang sinh sống và canh tác, tăng gấp đôi là do người dân tự ý chuyển nhượng qua tay và chia cắt lại cho con, người thân mà không thông qua chính quyền cơ sở.

Từ năm 2012, có 3 doanh nghiệp có nhu cầu thuê đất để nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao kết hợp lắp điện mặt trời, hoặc nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch sinh thái với tổng diện tích 711,21ha. Nhưng đến nay, chỉ có Công ty TNHH Phước Đạt là nhận được đất và đi vào hoạt động. Còn doanh nghiệp Mai Đăng Khoa và doanh nghiệp Hòa Bình - Minh Dương chưa được bàn giao đất, bởi 2 công ty và người dân đang trực tiếp canh tác trên phần đất đó chưa thỏa thuận được giá hỗ trợ, bồi hoàn thành quả lao động, cũng như công gìn giữ, bồi đắp và tài sản trên đất.

Nguyễn Quốc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.