Tin tức

Hội thảo khoa học tổng kết thực tiễn về phát triển ngành tôm Bạc Liêu gắn với ứng dụng công nghệ cao

Thứ Sáu, 16/11/2018 | 17:10

(BL-MĐ) Ngày 16/11, UBND tỉnh tổ chức hội thảo khoa học tổng kết thực tiễn về phát triển ngành tôm Bạc Liêu gắn với ứng dụng công nghệ cao, chuỗi giá trị ngành tôm và xây dựng thương hiệu quốc gia. Dự hội thảo có các ông: Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, Phân viện Quy hoạch, các tập đoàn, doanh nghiệp nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao…

Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Quang Dương và Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung chủ trì hội thảo. Ảnh: M.Đ

Theo báo cáo của UBND tỉnh, qua 10 năm phát triển (2008 - 2018), ngành tôm đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, luôn giữ vai trò là “trụ đỡ” và góp phần quan trọng trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, chiếm 42% GRDP toàn tỉnh. Tổng diện tích nuôi tôm từ 120.924ha năm 2008 tăng lên 131.683ha năm 2017 (tăng bình quân hàng năm 0,95%); sản lượng tôm từ 63.985 tấn năm 2008 tăng lên 116.365 tấn năm 2017 (tăng bình quân hàng năm 6,87%). Mười năm qua, ngành tôm đã góp phần đem lại giá trị sản xuất ngành Thủy sản theo giá hiện hành từ 10.455 tỷ đồng năm 2008 tăng lên 29.738 tỷ đồng năm 2017. Bạc Liêu cũng đã được Chính phủ cho phép thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm và tiến tới xây dựng thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước. Để phát triển ngành tôm, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 đạt kim ngạch xuất khẩu tôm là 970 triệu USD (tăng bình quân 5,28%/năm)…
Hội thảo dành nhiều thời gian để các chuyên gia, các nhà khoa học ở các viện, trường, lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thị, thành phố và các đại biểu thảo luận xung quanh các giải pháp phát triển ngành tôm hiệu quả, bền vững; xây dựng thương hiệu tôm Bạc Liêu; việc chuyển giao khoa học - công nghệ tiên tiến vào nuôi tôm, công nghệ xử lý môi trường trong nuôi tôm siêu thâm canh; kết quả ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất tôm giống và nuôi tôm siêu thâm canh của các công ty, doanh nghiệp; giải pháp tiết kiệm điện trong nuôi tôm…
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung khẳng định: Hội thảo khoa học là dịp tổng kết thực tiễn việc phát triển ngành tôm của tỉnh. Đây là diễn đàn để tất cả các bên tham gia cùng thảo luận, trao đổi ý kiến toàn diện từ các góc nhìn khác nhau đối với sự phát triển ngành Thủy sản của tỉnh. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp như: Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành tôm, phát triển toàn diện theo hướng hiện đại; phát triển nhiều mô hình có hiệu quả, cách làm hay; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực thủy sản; đa dạng hóa các nguồn lực, lựa chọn nội dung, mức độ huy động phù hợp để thực hiện các nhiệm vụ có hiệu quả…
Kết luận hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Quang Dương cho rằng: Bạc Liêu có tiềm năng, thế mạnh về nuôi tôm. Vì vậy, cả hệ thống chính trị phải quyết tâm biến Bạc Liêu trở thành phủ thủ ngành tôm của cả nước. Các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn nữa cho ngành tôm - một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo đó, thành lập các hợp tác xã kiểu mới trong nuôi tôm. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Sở NN&PTNT tham mưu cho UBND tỉnh về việc thành lập Hiệp hội ngành tôm Bạc Liêu. Đồng thời lựa chọn, kêu gọi các nhà đầu tư triển khai các mô hình mới, tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư nhằm triển khai nuôi tôm công nghệ cao ở bình diện rộng hơn…
* Trước đó, chiều 15/11, lãnh đạo Sở NN&PTNT và các chuyên gia, các nhà khoa học thuộc các viện, trường, các đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT đã tham quan và khảo sát thực tế các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.