Tiêu điểm

Sạt lở bờ sông đã đến mức nghiêm trọng

Thứ Sáu, 30/06/2017 | 15:21

Tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông ở Bạc Liêu đang diễn ra nghiêm trọng. Kè Nhà Mát (TP. Bạc Liêu) và kè Gành Hào (huyện Đông Hải) bị thiệt hại nặng nề do sạt lở. Một số đoạn sông khu vực TX. Giá Rai, huyện Hòa Bình cũng sạt lở. Những hộ dân sống trong vùng sạt lở như “ngồi trên miệng hà bá”, họ thấp thỏm lo sợ nhà cửa bị trôi tuột xuống sông.

 Một phần căn nhà bà Lý Thị Tiếng (phường 1, TX. Giá Rai) bị sạt lở.

Chủ tich UBND tỉnh - Dương Thành Trung (bìa phải) khảo sát thực tế khu vực sạt lở ở cống Láng Trâm (TX. Giá Rai).

Khu vực sạt lở gần cống Láng Trâm được TX. Giá Rai cắm biển cảnh báo.

Sạt lở gây sụt lún tuyến giao thông nông thôn Láng Trâm - Ngã Năm. Ảnh: M.Đ

Sạt lở nghiêm trọng

Mới đây, tại phường 1, TX. Giá Rai, có 4 căn nhà bị sụt lún và nứt tường, thiệt hại khá nghiêm trọng. Ông Huỳnh Công Quân, Phó Chủ tịch UBND TX. Giá Rai cho biết: “Chính quyền địa phương đã vận động các hộ dân khu vực này di dời nhà cửa, đồng thời cắm biển cảnh báo”.

Khu vực cống Láng Trâm, TX. Giá Rai cũng là nơi thường xuyên xảy ra sạt lở. Đoạn sạt lở ở cống Láng Trâm kéo dài khoảng 200m (tuyến Láng Trâm - Ngã Năm). 

Còn ở cống Giá Rai, một số hộ dân sống gần đây cho biết họ luôn trong cảnh lo sợ cho tính mạng và tài sản của gia đình vì nguy cơ sạt lở. Hầu như toàn bộ phần đất cả trăm mét vuông cặp bờ sông của bà Lý Thị Tiếng (phường 1, TX. Giá Rai) đã biến mất dưới lòng sông. Diện tích nhà ở còn lại của gia đình bà Tiếng cũng đang bị đe dọa, có thể bị sụp xuống sông bất cứ lúc nào. Bà Tiếng than thở: “Toàn bộ diện tích đất sản xuất của tôi đã bị sụp xuống sông, ảnh hưởng đến việc làm ăn, sinh sống của gia đình”. Không chỉ bà Tiếng, nhà cửa của cả trăm hộ dân sinh sống ở gần khu vực này đều có nguy cơ sạt lở cao…

Khu vực ven kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau thuộc địa phận ấp Chùa Phật, thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình cũng bị sụt lún, hư hỏng nặng vì đất dọc theo công trình bờ kè sạt lở. Gần 100m đường bê-tông ở ấp Chùa Phật (mặt đường rộng 2,5m) bị xé nứt, sụt lún khoảng 1m.

Nỗ lực khắc phục

Tuần qua, Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung đã chỉ đạo Sở NN&PTNT cùng các ngành chức năng tỉnh đến khảo sát thực tế khu vực sạt lở gần cống Láng Trâm. Theo ông Đỗ Minh Thắng, Chủ tịch UBND TX. Giá Rai, để khắc phục sạt lở tại cống Láng Trâm, cần kinh phí khoảng 10 - 20 tỷ đồng để làm kè. Song, địa phương không có khả năng. UBND TX. Giá Rai kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh và các ngành chức năng sớm tìm giải pháp khắc phục, đưa ra các giải pháp chống sạt lở hiệu quả. Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung chỉ đạo Sở NN&PTNT và các ngành chức năng đề ra các phương án, giải pháp khắc phục để chống sạt lở trong thời gian tới.

Các chuyên gia nhận định, tùy theo vị trí, đặc thù của từng khu vực sông mà nguyên nhân gây sạt lở khác nhau. Những năm gần đây, sạt lở là quy luật tự nhiên của dòng chảy, dù không có tác động của con người thì đất vẫn sạt lở. Tuy nhiên, nếu có tác động của con người thì sạt lở diễn ra nhanh hơn, phạm vi rộng hơn. Mặt khác, do người dân lấn chiếm lòng sông khiến kênh rạch bị co hẹp, do tác động của biến đổi khí hậu và yếu tố mùa như cuối mùa khô đầu mùa mưa… nên sạt lở xảy ra ngày càng nhiều. Thời gian sạt lở diễn ra nhiều nhất vào các tháng 4, 5, 6 hàng năm.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - Trường đại học Cần Thơ đánh giá: “Sạt lở ở các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đang gia tăng và chưa có dấu hiệu chững lại. Hầu hết các địa phương bị sạt lở ven sông, ven biển do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cũng như sự mất cân bằng hệ thống dòng sông nên tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng”.

Minh Đạt

Theo Bộ NN&PTNT, ở ĐBSCL có 406 điểm sạt lở bờ sông và bờ biển với tổng chiều dài 891km. Đây là một hồi chuông cảnh báo tình trạng sạt lở ở khu vực ĐBSCL đã tới mức rất nghiêm trọng.

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.