Tiêu điểm

Quyết liệt chống bão

Thứ Hai, 25/12/2017 | 14:34

Bão 16 (bão Tembin) đổ bộ vào các tỉnh miền Tây Nam bộ, một lần nữa thử thách ý chí và bản lĩnh của những người dân ở một vùng đất vốn được xem là hiền hòa, ít chịu tác động của mưa bão.

Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Quang Dương và Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung cùng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh kiểm tra tình hình thực tế ứng phó bão số 16. Ảnh: M.Đ

Khi cơn bão số 16 hăm he đi vào biển Đông và sau đó trở thành cơn bão (có thể là cuối cùng trong năm) mạnh nhất từ nhiều năm qua ở khu vực này, người ta đã nhắc nhiều về cơn bão của 20 năm trước - bão Linda. Bão số 5 của năm 1997 (tuy không lớn bằng bão số 16) nhưng gây thiệt hại nặng nề về người do sự chủ quan của người dân lẫn các cấp chính quyền. Đó là bài học không bao giờ được quên trong công tác phòng chống bão.

Với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, không vùng đất nào được xem là an toàn trước mưa lũ. Từ nông thôn tới thành thị, ở đâu cũng có thể bị triều cường, sạt lở đất đe dọa, cuộc sống của người dân đều bị ảnh hưởng một cách nghiêm trọng. Cho nên thái độ bàng quan, thờ ơ trước sự đổ bộ của cơn bão vào đất liền là không thể chấp nhận được.

Bài học xương máu rút ra, 20 năm sau cơn bão Linda, người dân miền Tây Nam bộ đã quan tâm rất nhiều đến tình hình thời tiết, có ý thức phòng chống lụt bão ngày càng cao. Bởi họ không chỉ mất người thân, còn bị mất đất sản xuất, đất ở với hàng loạt thiên tai, không chỉ có bão mà còn có sạt lở đê kè, bờ sông… Đặc biệt, với những ngư dân cả đời bám biển, những người luôn thấy rõ sự thay đổi tiêu cực từ biến đổi khí hậu, càng phải biết rõ tầm quan trọng khi đối phó với những trận bão.

Trước khi bão vào, thông qua báo chí, mạng xã hội, cùng với những hành động quyết liệt của chính quyền như kêu gọi tàu tránh trú bão, đưa người dân vùng nguy hiểm sơ tán vào vùng an toàn… người dân cũng đã đồng lòng bảo nhau nâng cao ý thức chống bão. Đó là việc làm cần thiết nhằm chung tay với chính quyền giảm thiểu tối đa những thiệt hại do bão gây ra. Dù nhiều người vẫn cầu mong cho bão không vào, nhưng sự chủ động phòng chống vẫn thiết thực hơn là lời cầu xin một phép nhiệm màu. Và việc chống bão không nên chỉ có khi bão vào mà ngay cả trong cuộc sống hàng ngày, mỗi người dân cũng phải chung tay chống lại tình trạng biến đổi khí hậu thông qua việc gìn giữ vệ sinh môi trường, bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước… để không có những cơn siêu bão đe dọa tính mạng và tài sản chúng ta.

N.L 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.